Từ thất bại của XMHP với Denilson: Trái nghề & trái đắng

25/06/2009 12:08 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Cách đây chừng 2 năm, con số thống kê cho thấy ở Việt Nam có khoảng 50% lao động trẻ làm trái nghề. Một nửa số sinh viên ra trường không làm đúng với chuyên ngành và lĩnh vực họ được đào tạo. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho nền kinh tế Việt Nam chưa thực sự tạo được sức bật.

Cũng có nhiều trường hợp làm trái nghề lại tốt, hiệu quả, thậm chí xuất chúng, vượt trội so với những người làm đúng nghề. Nhưng làm trái nghề không được khuyến khích, cần phải có những giải pháp để thay đổi, từ chất lượng giáo dục cho tới nhận thức khi chọn trường.

Trong xã hội cũng có khái niệm hay được nhắc tới, đó là phân công lao động. Một người làm trái nghề, đặc biệt là quản lý ở một lĩnh vực khác so với chuyên môn của mình thường thuê những chuyên gia trên chính lĩnh vực đó. Nó được coi như một công thức mang lại thành công.

Chưa có một thống kê cụ thể trên thế giới cũng như ở Việt Nam trên lĩnh vực bóng đá về tỉ lệ phần trăm “trái nghề”, nhưng hầu hết các ông chủ đội bóng đều thuộc về thế giới “phi bóng đá”. Thực ra, họ chỉ sở hữu, đầu tư vào các CLB chứ không phải là làm trái nghề.

Có một sự khác biệt khá lớn giữa các CLB trên thế giới mà chúng ta tiếp cận thường xuyên qua truyền thông so với Việt Nam, là các ông chủ ở phương Tây cũng đi theo cái công thức để mang lại thành công nói trên: có một đội ngũ các chuyên gia bóng đá trong bộ máy quản lý và điều hành, mà trong đó người ta hay nhắc tới vị trí Giám đốc Thể thao.

Và dù có cả một đội ngũ chuyên gia là những cựu cầu thủ, những người ăn bóng đá, ngủ bóng đá hỗ trợ, tư vấn nhưng nhiều khi các ông chủ đội bóng vẫn đi những nước cờ sai và thất bại như thường. Bóng đá là một lĩnh vực khắc nghiệt, bởi chức vô địch chỉ có 1 và nhiều khi 50% số lượng đội bóng cảm thấy thành công với các mục tiêu khác nhau đã là một tỉ lệ quá nhiều rồi.
 
Cái bắt tay cuối cùng trên sân của bầu Thành (XMHP) và Denilson - Ảnh:QK
 
Vậy mà BĐVN lại có những ông chủ CLB thậm chí không có lấy một chuyên gia bóng đá trong bộ máy quản lý và điều hành trực tiếp. Và đôi khi, cũng có nhưng lại không đếm xỉa tới.

Cách nay 2 năm, khi XMHP nhảy vào bóng đá, tiếp quản đội bóng đất Cảng từ tay doanh nghiệp Vạn Hoa, họ đã lập tức gạt sang một bên toàn bộ những người của Sở, và đưa những người trước nay chỉ đến với bóng đá như một người hâm mộ thuần túy sang quản lý đội bóng, như vai trò giám đốc điều hành chẳng hạn.

Cách làm ấy từng có lúc được coi là yếu tố mang đến thành công, bởi nó loại trừ những người dù có chuyên môn nhưng đã bao năm qua vừa xây vừa phá đội bóng. Trong khi đó, áp dụng cách thức quản lý doanh nghiệp vào việc xây dựng cơ chế lương thưởng lại tạo nên một sức bật đáng kể.

Nhưng bóng đá thì không chỉ có tiền mà phải biết tiêu tiền cho đúng chỗ và chuyên môn trong bóng đá thì không có gì có thể thay thế. Nếu không, nó sẽ phải trả giá bằng những bài học, mà chưa chắc học suốt cả quãng thời gian làm ông chủ đội bóng đã có thể trở thành chuyên gia.

XMCT.TH từ chỗ khủng hoảng đến chỗ lụn bại là bởi bầu Lý, một doanh nhân mới nhảy vào bóng đá đã không có những quyết định chính xác về việc sử dụng và thay thế HLV.

ĐTLA trong thời gian gần đây đã không có được thành công rực rõ bởi họ mất ông Calisto, người được coi là bộ não về chuyên môn của Gạch chứ không chỉ là người làm công tác huấn luyện và chỉ đạo.

HAGL khi bầu Đức mới nhảy vào làm bóng đá cách nay 7 năm thành công tức thì và ít ăn quả đắng là bởi ông có chuyên gia Nguyễn Văn Vinh bên cạnh dù gần đây người ta thấy ông không còn nhiều phát kiến và hoàn toàn đứng ngoài những bước đi chiến lược của Gỗ.

Trở lại với chuyện làm trái nghề, người viết nghĩ rằng nếu như một người lao động bình thường làm trái nghề mà không tốt thì tác động không lớn, nhưng ở một vị trí có ảnh hưởng hay nôm na là “làm quan” trái nghề thì dễ đau khổ cả đội bóng. Cũng nên nhớ, đội bóng nhiều khi là 1 tỉnh!

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm