Cuộc sống sau ống kính: Bến Bính một thời…

25/02/2024 10:51 GMT+7 | Văn hoá

Nhắc đến những địa danh nổi tiếng ở Hải Phòng, những người thế hệ 7x, 8x đổ về trước không thể quên Bến Bính. Cái tên này đã đi vào hai tác phẩm văn học nghệ thuật nổi bật là tiểu thuyết Bỉ vỏ của Nguyên Hồng (với nhân vật Tám Bính) và ca khúc Thành phố hoa phượng đỏ của Lương Vĩnh (thơ Hải Như), trong đó có câu "những Bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên".

Trước năm 2005, ở Hải Phòng nếu nói đến Bến Bính, người ta nghĩ đến một bến phà lớn nối nội thành Hải Phòng với huyện Thủy Nguyên. Đây cũng là bến phà huyết mạch trên quốc lộ 10 xuyên suốt vùng đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, nhiều người Hải Phòng cũng không biết lai lịch của Bến Bính.

Cuộc sống sau ống kính: Bến Bính một thời… - Ảnh 1.

Bến phà Bính từng rất nhộn nhịp những năm 1990

Bến Bính đầu thế kỷ 20 đổ về trước chỉ là một bến đò ngang qua sông Cấm, lấy tên làng Bính Động bên kia sông phía Thủy Nguyên, giống như những Bến Lâm, Bến Lở ở thượng nguồn nay vẫn còn những con đò sắt chạy ngang sông Cấm. Trong những bức không ảnh của người Pháp, đến khoảng cuối những năm 1930 mới thấy có hình hài của bến phà Bính.

Cuộc sống sau ống kính: Bến Bính một thời… - Ảnh 2.

Năm 2009, Bến phà Bính còn khá đông khách, chủ yếu là người đi chợ

Đáng chú ý, theo tham luận của nhà thơ Vũ Thúy Hồng tại hội thảo nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao được tổ chức mới đây tại Hà Nội, Bến Bính có thể là nơi Văn Cao lấy cảm hứng viết ca khúc Bến Xuân bất hủ, lý do là khi ở Hải Phòng thì nhạc sĩ ở khu Bến Bính. Bà Hồng nói rằng nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cũng như họa sĩ Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao, đều đồng tình với nhận định này.

Cuộc sống sau ống kính: Bến Bính một thời… - Ảnh 3.

Tháng 7 năm 2019, nhiều người Hải Phòng lên phà để đi những chuyến cuối cùng trước khi phà Bính đóng cửa hoàn toàn vì cầu Hoàng Văn Thụ phía hạ nguồn sắp xây xong

Trở lại với phà Bính, năm 2005, khi cầu Bính ở thượng nguồn được khánh thành, phà Bính chỉ còn vài chiếc phà nhỏ chủ yếu phục vụ người đi chợ. Đến năm 2019, khi cầu Hoàng Văn Thụ ở phía hạ nguồn được xây dựng thì những chiếc phà này cũng dừng hoạt động. Bến Bính chỉ còn là nơi hóng mát, "chém gió" mỗi chiều của những người Hải Phòng hoài cổ.

Cuộc sống sau ống kính: Bến Bính một thời… - Ảnh 4.

Người Hải Phòng chờ phà Bính để sang huyện Thủy Nguyên (ảnh chụp tháng 8/2019), khi cầu Hoàng Văn Thụ (vòm cong phía xa) còn đang xây dựng

Từ khoảng 1 năm nay, hai bờ sông Cấm được san lấp để kè bờ, xây công viên. Bến phà Bính xưa trở thành một công trường bề bộn và không còn người lai vãng. Từ một địa chỉ nổi danh cả trong văn học nghệ thuật cũng như đời thực, Bến Bính giờ chỉ còn là tên một con phố và một bể bơi ở gần bến phà cũ. Không biết người đời còn nhớ cái tên Bến Bính như một địa danh nổi tiếng của thành phố cảng được bao lâu?

Cuộc sống sau ống kính: Bến Bính một thời… - Ảnh 6.

View từ bến phà Bính xưa ra sông Cấm: Một bờ kè bê tông đã lắp sẵn hàng rào bằng gang đúc hình mỏ neo và hoa phượng, dưới sông là một con tàu cũng có tên Hoa Phượng Đỏ đang chạy. Phía tiền cảnh sẽ được san lấp để trở thành công viên…

Lưu Quang Phổ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm