Một thời ổ chuột Hong Kong

11/09/2013 07:02 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Không có phố, chỉ có có các lối đi ngoằn ngoèo ngập ngụa rác bẩn không ánh mặt trời, ổ chuột Hongkong Hak Nam đã đi vào lịch sử tròn 10 năm, sau khi thành phố dũng cảm xóa sổ một phần lịch sử đen tối của mình.

Ít ai biết mê hồn trận đó từng là chốn trú ngụ của 4 vạn dân cư có và không có hộ khẩu, kẻ cướp và đĩ điếm, nha sĩ và luật sư...


  Hak Nam buổi tối: 50 ngôi nhà cao đến 14 tầng chứa 10.742 hộ dân với 33.000 người.
Tồn tại như không khí

Greg Girard còn nhớ rõ ấn tượng đầu tiên khi bước vào Walled City (Thành phố tường bao): “Vào một buổi tối 1985, tôi lang thang gần phi trường để tìm cảnh lạ. Vừa rẽ ở góc phố thì đột nhiên một bức tường thành thời Trung cổ hiện ra sừng sững trước mắt”. Thực ra Girard đã nghe kể vài lần về địa danh bí ẩn ấy trên bán đảo Cửu Long (khu đô thị lớn nằm ở phía Bắc của Hong Kong), được coi là tụ điểm của tội phạm. “Ai cũng khuyên tôi chớ dại đặt chân tới đó”. Linh cảm và đam mê khám phá của một nghệ sĩ nhiếp ảnh khiến anh phớt lờ mọi cảnh báo. Và ít nhất thì lần này anh không hối hận. “Những tòa nhà cao đến 14 tầng dựa sát vào nhau, chỉ chừa vài lối đi lọt một người, hai bên chất đầy rác thải, tường róc rách nước chảy hôi hám, không có đèn chiếu sáng. Dây điện và đủ loại ống dẫn gỉ sét đan bện như mạng nhện, chắc chắn là nguồn ăn cắp từ mạng lưới công cộng”.

Người ta cần rất nhiều trí tưởng tượng để gắn khu ổ chuột cao tầng này với cái tên thơ mộng “Hương Cảng”. Dĩ nhiên Hak Nam cũng là một khu dân cư, nhưng nó không hình thành trên bất kỳ bản quy hoạch nào, mà vươn cành bén rễ hoàn toàn tự phát. Dân tị nạn tứ chiếng đã hạ cánh ở đây và cải tạo kiến trúc cho hợp với nhu cầu của mình. Từ đám nghiện ngập trộm cắp bị xã hội đẩy ra bên lề, cho đến những người lương thiện không đủ khả năng kiếm chỗ ở vừa túi tiền, ai cũng có quyền chui vào đây để kiếm một mái che trên đầu. Cảnh sát hầu như không bước chân tới. Pháp luật nghiệt ngã của Anh có vẻ như bỏ qua Hak Nam. Lý do gì khiến không gian phi pháp này tồn tại chừng ấy năm trời?


Quá phức tạp để làm biển phố: người ta phải mô tả tỉ mỉ đường đi trên tường.


Từ trại lính thành khu ổ chuột

“Thành phố tường bao” - có cái tên ấy bởi trước đây nó là khu trại lính. Khi buộc phải nhượng quyền hành chính ở Hương Cảng vào tay Anh quốc hồi giữa thế kỷ 19, Bắc Kinh cho xây quanh tiền đồn ngoại vi của mình một bức tường cao 4 mét, cốt thể hiện sức mạnh đã bị sứt mẻ thảm hại. Người Anh thì quá mạnh để buộc phải chấp nhận cái gai đó, họ tống cổ đơn vị tiền đồn về đại lục, và vấn đề lãnh thổ chưa bao giờ được giải quyết dứt điểm cho đến khi Hong Kong được trả về cho chủ quyền Trung Quốc. Vậy là đến 1997, Hak Nam thành đất vô chủ và cứ thế tàn tạ dần. Những năm cuối Thế chiến 2, khi Nhật chiếm Hong Kong, người ta đập tan bức tường quây quanh Walled City để xây sân bay gần đó.

Hòa bình lập lại, ngày càng nhiều người ra đây kiếm chỗ nương thân. Năm 1947 người Anh toan dọn tụ điểm vô chính phủ ấy và vấp phải cuộc phản kháng đầy bạo lực của hàng nghìn cư dân không hộ khẩu, thậm chí họ còn kéo đến đốt trụi Phòng Lãnh sự Anh. Sau đó bộ máy hành chính Hong Kong nhắm cả hai mắt để Hak Nam tiếp tục tồn tại, thậm chí còn không dám cắt điện nước. Hậu quả là các băng đảng từ nay thế chỗ cho chính quyền.

Hồi thập niên 50 và 60 thế kỷ trước các nhóm Tam Hoàng của mafia đại lục biến Hak Nam thành trung tâm ma túy và mại dâm.


Mái nhà là nơi trẻ con chơi, người lớn hít khí trời.

Tự do sau lớp tường bê tông

Khi Greg Girard tìm đến Hak Nam và sau này còn trở lại nhiều lần, anh không còn chứng kiến tình trạng đó nữa. Một số cuộc thanh trừng quy mô lớn đã làm sạch Hak Nam, tuy không động chạm đến thảm họa vệ sinh ở đây. Có thể hình dung ra một thỏa hiệp không lời giữa dân cư và nhà cầm quyền: “Để yên cho chúng tôi làm ăn, chúng tôi sẽ tự lo trật tự trị an nơi đây!”.

Một trong những người có công giữ trật tự là Wong Hoi Ming. Ông dạy kungfu ở tuổi 67, nhận học phí bằng... một bữa trưa. Môn đệ của ông không chỉ dân Hak Nam, mà còn đến từ thành phố, cũng vì Wong còn có tài bốc thuốc Đông y, cho dù trong tay không hề có mảnh chứng chỉ nào. Cạnh nhà ông là gia đình nữ thương nhân Lee Yu Chun, chủ một xí nghiệp bánh kẹo danh tiếng thừa hưởng của bố mẹ, dĩ nhiên chưa bao giờ đóng thuế.

Luật Hong Kong dù có nghiêm song không thanh tra an toàn thực phẩm nào dám mò vào đây. Dân Hak Nam tự coi mình là người tự do nhất, vì họ không sợ bị trục xuất và truy tố, họ được sống trong ngôi nhà nhỏ xíu nhưng gần như miễn phí, và ai cũng có quyền mở cửa hiệu mà không phải khai doanh số với phòng thuế. “Một dược sĩ có hiệu thuốc ở Hak Nam”, Greg Girard kể, “gọi đó là tình trạng vô chính phủ hài hòa”.  

Thời oanh liệt trôi qua

10 năm trước khi Hong Kong được trả về với đất mẹ, đột nhiên Bắc Kinh không còn để tâm đến Hak Nam nữa, rõ ràng họ thấy xấu hổ khi nhận ra miếng đất mà họ ngoan cường không nhả vào tay ngoại bang lại là xó tối của tội phạm. Người Anh cũng chẳng có lý do để kiêu hãnh khi nhắc đến Hak Nam.

Song lần này người ta rút kinh nghiệm từ các trục trặc ngày xưa và không dùng vũ lực. Thay vào đó, họ lập danh sách 33.000 người ở đó rồi vạch kế hoạch di chuyển đa số đến khu nhà xã hội cộng thêm một khoản bồi thường. Cả những người khấm khá hơn (bác sĩ, thương gia, chủ nhà máy) cũng nhận đền bù cho doanh nghiệp bị triệt hạ của mình. Không phải ai cũng hài lòng, song ít người phản đối. Vài trăm phần tử cứng đầu nhất bị cảnh sát khiêng ra khỏi Hak Nam, trước khi đội phá dỡ tiến vào san cả khu thành bình địa.

Trên diện tích đó, hôm nay là Công viên Kowloon Walled City Park xanh um. Khó khăn lắm mới tìm được một bảo tàng nho nhỏ ở góc công viên để tìm lại dấu xưa. Nhưng Hak Nam không biến mất. Trong nghệ thuật thứ bảy, nó là nguồn cảm hứng hầu như vô tận. Đạo diễn Christopher Nolan đã dùng ảnh của Greg Girard chụp để tạo ra các khu nhà trong phim Sự bắt đầu của Người Dơi. Hak Nam cũng là nơi diễn ra phim kinh dị Re-Cycle. Bản thân anh hùng cơ bắp Jean-Claude Van Damme trong phim Bloodsport cũng chiến đấu trong các ngõ hẹp của Hak Nam trước khi cả khu vĩnh viễn trở về với cát bụi.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm