Cuộc đời sau ống kính: Gặp Đỗ Anh Tuấn ở cao nguyên đá

26/08/2023 07:34 GMT+7 | Văn hoá

Một ngày cuối Xuân đầu Hạ năm 2007, tôi tình cờ gặp Đỗ Anh Tuấn, khi anh đang cưỡi một chiếc Minsk rong ruổi giữa cao nguyên đá Đồng Văn để đến chợ tình Khau Vai.

Cái tên Đỗ Anh Tuấn, tức Tuấn "cận" (anh cận thị không biết bao nhiêu đi ốp) không xa lạ với những nhiếp ảnh gia "có chất" ở Hà Nội cũng như cả nước vào khoảng 20 - 30 năm trước. Nói đến Đỗ Anh Tuấn, người ta biết đến một nhà nhiếp ảnh toàn diện, với sự hiểu biết sâu sắc về kỹ thuật cơ bản, kiểm soát tốt thiết bị đến tay nghề tráng phim, làm ảnh đen trắng trong buồng tối. Đỗ Anh Tuấn cũng là một trong số ít người ở Hà Nội từng mở một gallery bán ảnh giữa phố Tràng Tiền sang trọng, bên trong bày toàn những cực phẩm đen trắng của anh.

Cuộc đời sau ống kính: Gặp Đỗ Anh Tuấn ở cao nguyên đá - Ảnh 1.

Khi Đỗ Anh Tuấn gặp nạn trên đường, những thanh niên người Mông đã lấy cán cuốc nắn lại chiếc xe của anh để có thể đi tiếp. Ảnh chụp năm 2007

Dưới góc độ lý luận, phê bình, Đỗ Anh Tuấn tinh thông các trường phái nhiếp ảnh nghệ thuật Đông - Tây, cũng như hiểu biết đầy đủ về ảnh báo chí, có khả năng phân tích, bình luận và viết lách hay như, hoặc hơn cả những nhà báo chuyên nghiệp. Anh cũng là một audiophile, nhưng âm thanh với anh không phải là đích đến mà là phương tiện giúp anh nghe nhạc một cách có nghề. Đỗ Anh Tuấn cũng đọc nhiều. Và đó là những hiểu biết đáng giá của một nhà nhiếp ảnh, cái mà rất nhiều người được gọi hoặc tự nhận là nghệ sĩ hoặc nhiếp ảnh gia ngày nay không thể chạm tới, dù họ có thể đoạt nhiều giải thưởng.

Cuộc đời sau ống kính: Gặp Đỗ Anh Tuấn ở cao nguyên đá - Ảnh 2.

Giao tiếp với đồng bào dân tộc, cách để Đỗ Anh Tuấn có những bức ảnh chụp “từ trong ra”

Trở lại với phiên chợ tình Khau Vai 16 năm trước, điều bất ngờ nhất là tôi thấy Đỗ Anh Tuấn như đang trở về nhà mình với sự tháo vát, đảm đang như thể chưa từng là nghệ sĩ. Anh đôn đáo tìm chỗ cho chúng tôi ăn, liên hệ cho chúng tôi vào ngủ nhờ trong trường học. Từ trong ba lô, anh lấy ra thuốc xịt muỗi, kẹo ngậm, thuốc ho và thậm chí cả bông băng cho những tình huống bất ngờ. Hóa ra đó là hành trang mà anh đã mang theo trong rất nhiều chuyến đi "một mình một ngựa", đến nhiều nơi để có những tư liệu, những khảo cứu cho riêng mình.

Và tôi cũng bất ngờ khi biết chính anh đã viết những bài giới thiệu thật sâu sắc kèm những hình ảnh đẹp, trên những tờ tạp chí sang trọng, để chợ tình Khau Vai nổi tiếng từ nhiều năm trước, khi internet, mạng xã hội và báo điện tử còn chưa phát triển ở Việt Nam.

Cuộc đời sau ống kính: Gặp Đỗ Anh Tuấn ở cao nguyên đá - Ảnh 3.

Đỗ Anh Tuấn giao tiếp với trẻ em vùng cao trên đường

Ba ngày rong ruổi cùng anh trên cao nguyên đá Hà Giang, tôi chứng kiến anh giao tiếp một cách thân tình với đồng bào các dân tộc Mông, Dao. Trong nhiếp ảnh, giao tiếp là một kỹ năng mang tính căn cơ để có những hình ảnh tốt. Đỗ Anh Tuấn đã làm được điều đó ngay cả khi anh gặp nạn: trên đường về, anh ngã xe. Những thanh niên người Mông thân thiện đã giúp anh nắn lại tay lái chiếc Minsk cũ kỹ để anh có thể đi tiếp. Và ngay cả khi đã bị thương với chân tay băng bó, anh vẫn tiếp tục tìm kiếm những khung hình đẹp.

Gần đây, nghe nói mắt anh kém dần và gần như không còn nhìn được vì độ cận quá nặng. Tuần trước, anh gọi cho tôi: "Phổ ơi, anh bị mù rồi. Mắt không nhìn thấy gì nữa, nhưng anh sắp ra triển lãm, mời chú đến chơi".

Tôi chưa kịp đến để xem trước những bức ảnh của anh, cũng chưa kịp hỏi anh làm thế nào để xử lý ảnh khi mắt đã kém đến thế. Nhưng tôi vẫn đoán chắc đó sẽ là những bức đen trắng đặc sắc về cách nhìn, cách phát hiện và đạt đỉnh về khoảnh khắc bấm máy, cũng như được xử lý trong buồng tối một cách hoàn hảo.

Lưu Quang Phổ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm