Cuộc đời sau ống kính: Bóng bàn thời thơ ấu

08/09/2023 07:39 GMT+7 | Văn hoá

Đây là bức ảnh tôi chụp cách đây đúng 20 năm, vào tháng 9/2003 tại Thổ Hà, một làng nghề nổi tiếng thuộc huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. 

Đó là một buổi chiều, chợ Thổ Hà cạnh bến đò ngang qua sông Cầu đã hết người, có 2 chú bé đang chơi bóng bàn bằng một cách rất thô sơ. 

Bàn bóng là một bệ xi măng, trên lát 24 tấm gạch men, chắc để bán thịt. Các cậu xếp lên bệ 6 miếng gạch vỡ làm lưới, chia chiếc bệ rộng 1,2 x 1,8m thành hai nửa để chơi bóng. Trong 2 chiếc vợt các em cầm, chỉ một chiếc được sản xuất chính quy nhưng hình như đã bị lột mất mặt mút. Chiếc còn lại có vẻ được tự chế từ một mảnh gỗ và còn hình bát giác mà không tròn như thông thường. Để không làm các em mất tự nhiên, tôi đứng từ xa và dùng ống kính tele ghi hình...

Đáng nói là gần đây, khi tôi đưa ảnh lên Facebook cá nhân, nhiều bạn bè vào bình luận: "Chính mình ngày bé chơi thế này đây", "Có cái vợt kia lại ngon, đây dùng bảng đen thôi"… Có người kể mình còn đánh bằng cả dép nhựa mòn đế.

Điều gì đã khiến một bức ảnh bình thường có thể chạm đến cảm xúc của nhiều người? Có lẽ đó là giá trị tư liệu của nhiếp ảnh. Ký ức, kỷ niệm của chúng ta có thể sẽ ùa về khi gặp lại một hình ảnh nào đó đã từng thấy, đặc biệt là những gì mà ta từng trải qua.

Cuộc đời sau ống kính: Bóng bàn thời thơ ấu - Ảnh 1.

Bóng bàn tại làng Thổ Hà (Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) 20 năm trước

Tôi cũng đã chơi bóng bàn y như thế này thời thơ ấu. Cuối những năm 1970, để có một bàn bóng và chơi bằng vợt là điều xa xỉ. Chúng tôi đánh bóng bàn bằng bảng đen, bàn bóng thì là bàn ăn, cánh cửa và lưới kê bằng gạch hoặc gác bằng một thanh tre. Đôi khi chúng tôi lấy gạch non vẽ xuống sân thành bàn để đánh.

Ngoài các đồ tự chế, quả bóng bàn là thứ hồi ấy có thể mua được. Bóng của Xí nghiệp nhựa Hà Nội hoặc Nhà máy nhựa Thiếu niên Tiền phong (Hải Phòng) có giá khoảng 1,5 đến 2 hào. Bóng Hà Nội có vẻ mỏng, nhẹ hơn và không bền bằng bóng Tiền phong. Nhưng bóng nào thì khi nhỡ giẫm phải cũng bị bẹp, phải nắn cho tròn lại. Vết bẹp lớn quá thì nhúng vào nước sôi, chỗ bẹp sẽ nở ra nhưng gồ ghề mà không tròn hẳn, khi chạm mặt bàn hay mặt vợt thường nảy sang một hướng khác, không đỡ được.

Mơ ước lớn nhất là có được chiếc vợt. Vợt gai, rồi vợt mút đắt tiền hơn. Vợt nhãn hiệu "Đường Sắt" hình như là phổ biến nhất thời ấy, giá khoảng 1,5 đồng. Khổ nỗi mỗi chiếc là một cỡ cán, một loại gỗ và có cân nặng, dày mỏng khác nhau, có chiếc thẳng, chiếc vênh. Độ nảy của trái bóng khi rơi trên mặt vợt cũng muôn hình vạn trạng. Đôi khi, chúng tôi cũng được chơi bóng trên những chiếc bàn gỗ tiêu chuẩn, nhưng cũng như vợt, đó là những chiếc bàn chân lung lay, mặt lồi lõm và có nhiều chỗ xịt (bóng không nảy hoặc trôi) khiến người chơi không biết đâu mà lần.

Khó khăn là thế, nhưng ở Hải Phòng quê tôi, phong trào chơi bóng bàn những năm ấy thật là rầm rộ. Tôi học cấp 3 từ năm 1979, trường cấp 3 Hải An của tôi do UNICEF tài trợ, các bàn học có chân sắt, mặt bằng gỗ ép với mặt phẳng và rất thích hợp để ghép lại thành bàn bóng. Trước các giờ học, mỗi giờ ra chơi, cả trường rầm rầm tiếng kê bàn, đánh bóng. Thi thoảng tất cả nhốn nháo, tán loạn, ấy là lúc thầy Hoàn, Bí thư Đoàn trường đi tuần và thu hết bóng, vợt của học sinh vì cho là "can tội" xê dịch, phá hoại bàn ghế của nhà trường.

Ở Hải  Phòng những năm ấy, có nhiều bàn bóng ngoài trời đúc bằng xi măng đặt ở nơi công cộng. Một trong những khu vực nổi tiếng là khu vỉa hè phố Quang Trung bên bờ sông Lấp (nay là hồ Tam Bạc) với nhiều bàn bóng xi măng và nhiều người chơi bóng mỗi ngày. Năm 1984, đơn vị bộ đội của tôi ở Lục Nam (Hà Bắc, nay là Bắc Giang) cũng có nhiều bàn bóng gép bằng những miếng gỗ xẻ trong rừng Yên Tử. Bộ phận của tôi còn trồng một giàn bầu quây xung quanh bàn để ngăn gió. Sau này, vào thập kỷ 1990, tôi cũng thấy những bàn bóng đặt trong sân vườn của nhiều gia đình ở Hải Hưng (Hải Dương và Hưng Yên ngày nay).

Có lẽ chính những bàn bóng vỉa hè phong trào như thế đã mang đến cho bóng bàn Việt Nam những ngôi sao lừng lẫy như Trần Thu Hà (HCV đồng đội nữ SEA Games 1991, cùng Nhan Vị Quân) hay Vũ Mạnh Cường (3 HCV tại các SEA Games 18, 20, 21). Trần Thu Hà sinh ra chính ở phố Quang Trung bên bờ sông Lấp, còn Vũ Mạnh Cường là người Hải Dương. Trước khi trở thành những vận động viên nổi tiếng cả khu vực, có thể các anh chị cũng từng tiếp xúc với bóng bàn theo cách của hai cậu bé ở Thổ Hà trong ảnh…

Lưu Quang Phổ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm