Nhìn từ Giải Toyota các CLB vùng sông Mekong: Điểm 10 cho Toyota

02/11/2014 05:48 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Sân Gò Đậu ngày 31/10, không có đội bóng Nhật Bản nào ra sân. Nhưng người Nhật vẫn xứng đáng nhận được chiến thắng. Màn trình diễn của cỗ máy Toyota bên ngoài sân cỏ thậm chí còn ấn tượng hơn thắng lợi 5-2 của nhà vô địch V-League Bình Dương.

Chúng ta đã nói quá nhiều về khả năng tổ chức, tư duy kinh doanh, sự am hiểu khách hàng của người Nhật. Tại giải Toyota các CLB vùng sông Mekong 2014, sự hoàn hảo ấy một lần nữa được thể hiện. Từ một giải giao hữu bóng đá quốc tế, Toyota đã biến sân Gò Đậu thành một lễ hội, thành cơ hội hoàn hảo để quảng bá sản phẩm và phô trương tiềm lực kinh tế, tài chính cùng khả năng phục vụ siêu đẳng từ Nhật Bản.

Trình độ quảng bá sản phẩm chắc chắn là ấn tượng đầu tiên của người hâm mộ tới sân Bình Dương. Đố bạn đếm được xem có bao nhiêu băngrôn, bao nhiêu hàng chữ Toyota xuất hiện trong khuôn viên rộng khoảng 1 km của sân vận động này?

Từ những chiếc bút bi, tờ rơi, quạt giấy cho tới các băngrôn, cờ cổ động trên khán đài, Toyota đã phủ kín tất cả. Bộ phận truyền thông của hãng xe danh tiếng này đã làm việc hết sức để đảm bảo rằng trong bất kỳ cảnh quay truyền hình nào, mỗi khi Công Vinh, Trọng Hoàng hay Anh Đức ghi bàn, logo Toyota sẽ luôn xuất hiện.

Bên ngoài sân vận động, những gian hàng Toyota, những chiếc ô tô Toyota cũng được bày biện cẩn thận. Bạn sẽ cảm thấy mình đang có mặt ở một buổi trưng bày sản phẩm chứ không phải ở một trận đấu bóng đá.

Hàng nghìn CĐV xếp hàng chờ nhận vé xem Mekong Cup. Ảnh: Thanh Hà

Totyota cũng tỏ ra rất hiểu khách hàng khi chủ động phát vé miễn phí qua tờ rơi, tin nhắn và chủ động chọn nhóm học sinh, sinh viên làm đối tượng tiềm năng của chiến dịch này. Kết quả: Họ thu được thành công rực rỡ khi hàng nghìn CĐV trẻ đã phủ kín khán đài B sân Gò Đậu - điều mà Bình Dương cũng hiếm khi làm được ở V-League.

Nhưng Toyota là một công ty kinh doanh. Họ không chỉ đầu tư mà còn thu lời. Chúng tôi nhận ra ít nhất 10 thương hiệu khác xuất hiện tại “lễ hội” của Toyota ở Gò Đậu. Một cách hết sức khéo léo, những nhà chiến lược của Toyota cũng coi đây là một buổi hội chợ. Họ “bán” cơ hội quảng cáo cho các đối tác để lấp lại một phần kinh phí đồng thời mang tới thêm sự đa dạng cho ngày hội của mình.

Sự tỉ mỉ và quan tâm cũng là điều được Toyota để ý tới. Hàng trăm nhân viên được bố trí khắp các gian hàng, hoạt động cực kỳ quy củ và hiệu quả. Phòng truyền thông của tập đoàn này cũng cử 10 nhân viên đánh giá sản phẩm trực tiếp có mặt tại hiện trường để khảo sát kiểm tra chất lượng chiến dịch.

Sự sâu sát ấy giúp họ dễ dàng hiểu rõ nhu cầu của từng đối tượng và tìm ra những phương án phục vụ hiệu quả nhất. Người hâm mộ tới sân được trang bị đủ băngrôn, áo, cờ cổ động, được chia khu vực ngồi, có người hướng dẫn cổ động.

Ayeyawady United, Phnom Penh Crown hay Hoàng Anh Attapeu hẳn đã rất ngạc nhiên khi thấy hàng nghìn CĐV đang cổ vũ cho họ trên khán đài. Các phóng viên, bộ phân an ninh, đơn vị tổ chức trận đấu đều có khu vực riêng, được trang bị lương thực và nước uống tới tận răng. Tất cả là “sản phẩm” của Toyota, là kết quả của một chiến dịch tổ chức tỉ mỉ và thông minh.

Thông điệp được gửi tới cực kỳ rõ ràng: Hãy đến đây, theo dõi giải đấu của chúng tôi, bạn sẽ hiểu Toyota là ai? Toyota có thể làm gì và sẽ làm điều đó tốt tới đâu? Tận dụng sự kiện thể thao để biến thành cơ hội quảng bá sản phẩm, đó là điều tập đoàn này đã làm quá tốt.

Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm