Cờ ốc: 'Độc, lạ' cũng không làm khó được kỳ thủ Việt Nam

04/05/2023 05:43 GMT+7 | SEA Games 32

2 kỳ thủ Phạm Thanh Phương Thảo cùng Tôn Nữ Hồng Ân đã xuất sắc đem về tấm HCV nội dung đồng đội nữ môn Cờ ốc (Ouk Chaktrang) sớm 1 vòng đấu tại SEA Games 32 dù đây là môn mới, hoàn toàn xa lạ với các kỳ thủ Việt Nam.  

Cờ ốc chơi như thế nào?

Cờ ốc hay cờ Khmer đã được phổ biến tại Campuchia trong nhiều thế kỷ. Cờ ốc xuất phát từ chữ ouk trong tiếng Khmer, tức là cờ vua. Người Campuchia gọi môn này là ouk chatrang, chhoeu trang, hay chaturang. Người ngoài Campuchia thường gọi môn này là cờ Khmer. Nó gần giống hoàn toàn cờ makruk của Thái Lan, môn thể thao khá phổ biến ở nước này.

Cờ ốc có khá nhiều điểm tương đồng với cờ vua. Điểm nhấn khác biệt giữa cờ ốc với cờ vua nằm ở chính quân Hậu, cụ thể là khả năng di chuyển và sức công phá. Ở cờ vua, Hậu được di chuyển khắp bàn cờ, đi một nước từ hàng 1 đến hàng 8, trong khi ở cờ ốc, Hậu chỉ được đi từng ô một với sức ảnh hưởng và công phá kém hẳn cờ vua.

Thể thức thi đấu cờ ốc rất lạ lẫm được chia làm lượt đi và về. Chiến thắng có một điểm, hòa và thua không có điểm nào. Điều đáng nói là cờ ốc có khả năng hòa rất cao, khi hòa nhau thì trọng tài tính điểm ai ít nước đi hơn sẽ thắng. Tổng kết quả 2 lượt đi và về ai nhiều điểm hơn sẽ là người chiến thắng.

Đây là môn mới lạ nhưng do khá tương đồng với cờ vua nên ngay sau khi được đưa vào thi đấu SEA Games lần đầu tiên đã có 7/11 quốc gia cử VĐV tham dự. Riêng đội cờ ốc Việt Nam dự SEA Games lần này có 11 VĐV tham gia ở cả 6 nội dung. Đội tuyển Cờ ốc Việt Nam đến với SEA Games 32 với chỉ tiêu giành ít nhất 2 HCV ở 7 nội dung thi đấu gồm: cá nhân nam 5 phút, cá nhân nam 60 phút, đôi nam 60 phút, đội 3 nam 60 phút, đội 4 nam 60 phút, cá nhân nữ 60 phút và đôi nữ 60 phút.

Môn Cờ ốc: “Độc, lạ” cũng không làm khó được kỳ thủ Việt Nam - Ảnh 1.

Hai kỳ thủ Phương Thảo (trái) và Hồng Ân thi đấu xuất sắc trước các đối thủ Philippines để mang về tấm HCV đầu tiên ở môn Cờ ốc Đoàn thể thao Việt Nam. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

 8 tháng làm quen và tấm HCV đầu tiên

Các kỳ thủ cờ ốc Việt Nam hầu hết được tuyển chọn từ môn cờ vua và  mới làm quen với môn cờ ốc chỉ 8 tháng qua. Nhờ tư duy có chiều sâu từ nền tảng cờ vua nên hầu hết bắt nhịp và thích nghi với cờ ốc rất nhanh. Điều này thể hiện qua phần thi đấu của Tôn Nữ Hồng Ân và Phạm Thanh Phương Thảo trong phần thi đấu ở nội dung đồng đội nữ.

Với thể thức vòng tròn tính điểm, Hồng Ân/Phương Thảo đã giành chiến thắng trước Campuchia, Myanmar, Malaysia, Thái Lan và Philippines. Với kết quả này, đội tuyển cờ ốc Việt Nam chắc chắn giành HCV ở nội dung cờ tiêu chuẩn đồng đội nữ 60 phút sớm 1 vòng đấu và  lượt đấu cuối với đội tuyển Lào vào ngày 6/5 chỉ còn mang tính thủ tục.

Trong niềm vui chiến thắng, kỳ thủ Tôn Nữ Hồng Ân xúc động cho biết, "Tôi và Phương Thảo đã thi đấu hết mình để giành được tấm HCV SEA Games 32 về cho đoàn TTVN. Tôi xin chúc các VĐV khác của đoàn TTVN có phong độ tốt nhất, cao nhất để giành thêm thật nhiều HCV SEA Games 32 về cho đất nước. Tôi mong đây là tấm HCV lĩnh ấn tiên phong để mang một điều gì đó may mắn về cho TTVN".

Có mặt tại Campuchia, ông Nguyễn Minh Thắng, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Cờ Việt Nam cho biết, "Chiến thắng ban đầu của đội tuyển cờ ốc Việt Nam được xem là bất ngờ của giải. Các kỳ thủ Việt Nam đã thi đấu rất nỗ lực và quyết tâm vì màu cờ sắc áo dù không được đánh giá cao bằng hai đội Campuchia và Thái Lan. Với những kết quả rất khả quan trước Thái Lan và Campuchia sẽ giúp đội tuyển Việt Nam có thêm niềm tin trong những ngày thi đấu tới để đem về cho đoàn TTVN tấm huy chương cao nhất. Tôi nghĩ sau SEA Games thì môn cờ ốc hoàn toàn có thể phát triển mạnh hơn ở Việt Nam".

Sau khi 2 kỳ thủ Việt Nam giành HCV tại SEA Games 32, cờ ốc không chỉ nhận được sự chú ý của người hâm mộ, mà nó có thể trở thành bộ môn mới mà các kỳ thủ Việt Nam có thể gặt hái được thêm nhiều tấm huy chương ở các giải đấu trong phạm vi khu vực ngoài cờ Vua và cờ Tướng.


Trần Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm