Chứng khoán Mỹ giảm điểm bất chấp quyết định của FED

30/10/2008 09:38 GMT+7 | Thế giới

Nhà đầu tư đã không khỏi ngạc nhiên khi chỉ số Dow Jones và S&P 500 đang tăng 2,6% đã bất ngờ đảo chiều đi xuống trong ngày FED đưa ra quyết định hạ lãi suất cơ bản

Ngày 29/10, chứng khoán Phố Wall đã mất điểm trong 30 phút cuối ngày giao dịch bất chấp quyết định hạ lãi suất của FED.

Chứng khoán Mỹ mất điểm trong 30 phút cuối

Giá dầu kỳ hạn giao tháng 12 tại NYMEX trong ngày 29/10 đã bất ngờ tăng 4,77 USD/thùng, tương đương 7,6%, đóng cửa ở mức 67,50 USD/thùng.

Ngày 29/10, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra quyết định hạ 0,5% lãi suất cơ bản xuống 1%/năm, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2004. Như vậy, trong vòng 21 ngày qua, FED đã hai lần hạ lãi suất cơ bản từ 2% xuống 1%/năm.

Theo giới phân tích nhận định, GDP của Mỹ sẽ giảm 0,5% trong quý 3/2008 và có thể sẽ tiếp tục đi xuống trong quý 4/2008 và quý 1/2009. Việc GDP suy giảm có thể buộc FED phải tiếp tục hạ lãi suất cơ bản xuống dưới 1%/năm nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong 80 năm qua.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đã cắt giảm lãi suất cơ bản từ 6,93% xuống 6,66% và Ngân hàng Trung ương Na Uy đã hạ 0,5% lãi suất cơ bản xuống 4,75%/năm.

Hiện nhà đầu tư đang ngóng chờ quyết định về lãi suất cơ bản của Nhật dự kiến sẽ công bố vào ngày 31/10 tới và cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Trung ương Anh sẽ cắt giảm 0,5% lãi suất cơ bản đối với đồng Euro và đồng Bảng Anh.

Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ thông báo, số đơn đặt hàng lâu bền (Durable Goods - tivi, tủ lạnh, máy bay,…) ở Mỹ đã tăng 0,8% trong tháng 9/2008, từ mức giảm 5,5% trong tháng 8. Trong đó, số đơn đặt hàng phương tiện vận tải đã tăng 6,3%.

Một thông tin quan trọng khác trong ngày, các nhà chức trách Mỹ đang bàn thảo về một kế hoạch mới của chính quyền liên bang để bảo đảm cho các khoản vay thế chấp bất động sản trị giá 600 tỷ USD giúp ngăn chặn việc tịch biên nhà do người dân chưa có khả năng trả nợ.

Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ và Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang sẽ thực hiện chương trình này. Các ngân hàng thương mại, ngân hàng tiết kiệm và cho vay, quỹ đầu tư, quỹ đầu cơ và các chủ nợ đang nắm tài sản thế chấp bất động sản sẽ được hỗ trợ, bảo đảm… các khoản cho vay đó.

Liên quan đến kết quả kinh doanh của nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới, Procter & Gamble vừa công bố đạt 3,35 tỷ USD lợi nhuận sau thuế, tương đương 1,03 USD/cổ phiếu trong quý 1 năm tài khóa mới, tăng 270 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù quyết định hạ lãi suất đã được thực hiện như dự báo của giới phân tích nhưng thị trường chứng khoán Mỹ vẫn giảm điểm do lo ngại về bức tranh không mấy sáng sủa về triển vọng lợi nhuận của một số hãng có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường như Tập đoàn General Electric.

Phiên giao dịch này, đã có bất ngờ xảy ra khi vào lúc 15h30 (giờ địa phương), chỉ số Dow Jones tăng 320 điểm, tương đương 2,6% và chỉ số S&P 500 lên 20 điểm (tương đương 2,6%), nhưng ngay sau khi thông tin viễn cảnh lợi nhuận không mấy sáng sủa của Tập đoàn General Electric được công bố thì cả hai chỉ số này đều sụt giảm mạnh. Và đến 15h58, tức chỉ còn 2 phút trước khi thị trường đóng cửa ngày giao dịch, cả hai chỉ số đã giảm xuống dưới mức đóng cửa phiên trước đó.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 74 điểm, tương đương -0,82%, đóng cửa ở mức 8.990,96.

Chỉ số Nasdaq phiên này lên 7,74 điểm, tương đương 0,47%, chốt ở mức 1.657,21.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 mất 10,42 điểm, tương đương -1,11%, đóng cửa ở mức 930,09.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,62 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 2 mã xuống điểm thì có 1 mã lên điểm. Tại sàn Nasdaq, khối lượng giao dịch đạt 2,79 tỷ cổ phiếu. Thị trường cứ có 4 cổ phiếu lên điểm thì có 3 cổ phiếu mất điểm.

Chứng khoán châu Âu: Thị trường Anh và Pháp tăng trên 8%

Chứng khoán châu Âu phiên giao dịch hôm thứ Tư đã tăng mạnh ở hai thị trường Anh và Pháp trong khi thị trường Đức đã giảm nhẹ sau khi tăng trên 11% trong phiên trước đó.

Trước thông tin về khả năng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản, các cổ phiếu khối ngân hàng, bảo hiểm đã tăng vọt kéo thị trường đi lên. Bên cạnh đó, cổ phiếu khối năng lượng cũng lên điểm mạnh do giá dầu tăng gần 6 USD/thùng khi thị trường châu Âu đóng.

Các cổ phiếu lên điểm mạnh nhất trong phiên này gồm: Cổ phiếu Allianz SE lên 26%, cổ phiếu Old Mutual tăng 23%, cổ phiếu BP, Total, Shell đã tăng từ 9,6% đến 13,6%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 316,16 điểm, tương đương 8,05%, đóng cửa ở mức 4.242,54, khối lượng giao dịch đạt 2,5 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này hạ 0,31%, khối lượng giao dịch đạt 137,35 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến thêm 9,23%, khối lượng giao dịch đạt 300 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á ngập ngừng tiến bước

Nhiều chỉ số chứng khoán châu Á tuy vẫn giữ được sắc xanh trên bảng điện tử nhưng biên độ tăng đã thấp hơn nhiều so với phiên trước đó, riêng thị trường Nhật vẫn tăng mạnh do giới đầu tư hy vọng Ngân hàng Trung ương nước này sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản. Hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc phiến này đã đảo chiều giảm điểm.

Tin mới nhất từ Nhật cho hay, Ngân hàng Trung ương nước này có thể sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản đồng Yên xuống dưới 0,5%/năm trong cuộc họp sẽ diễn ra vào 31/10 tới.

Giới quan sát cho rằng, các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Anh có thể sẽ đồng loạt cắt giảm lãi suất nhằm tạo nên một giải pháp tổng thể giúp hạ nhiệt thị trường tài chính vốn đang rất căng thẳng.

Thông tin này đã tạo nên sự bứt phá cho thị trường chứng khoán Nhật, bên cạnh đó, việc thị trường chứng khoán Mỹ tăng trên 10% phiên trước đó thúc đẩy nhà đầu tư tăng mạnh mua vào.

Chứng khoán Nhật trong phiên này tiếp tục tăng mạnh, cùng đó là khối lượng giao dịch duy trì ở mức cao. Các cổ phiếu của nhiều nhà xuất khẩu tiếp tục tăng cao do đồng Yên lại giảm giá so với USD.

Trong phiên này, 1 USD ăn 97,5 Yên nên đã giúp cổ phiếu của Honda tăng 18,2%, Toyota lên 10,4%, Canon tiến thêm 6,9%...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 589,98 điểm, tương đương 7,74%, đóng cửa ở mức 8.211,90. Khối lượng giao dịch phiên này đạt 2,98 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 5 mã lên điểm thì có 1 mã mất điểm.

Như vậy, sau hai ngày tăng điểm mạnh, chỉ số Nikkei 225 đã tăng tới 14,6%.

Điểm qua các thị trường khác: Chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan phiên này lên 0,15%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 0,84%. Chỉ số Straits Times của Singapore tiến thêm 0,28%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc mất 2,94%. Chỉ số Shanghai Composite giảm 3,02%.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 9.065,12 8.990,96 Down74,16 Down0,82
Nasdaq 1.649,47 1.657,21 Up7,74 Up0,47
S&P 500 940,51 930,09 Down10,42 Down1,11
Anh FTSE 100 3,926.38 4.242,54 Up316,16 Up8,05
Đức DAX 4,823.45 4.808,69 Down 14,76 Down0,31
Pháp CAC 40 3,114.92 3.402,57 Up287,65 Up9,23
Đài Loan Taiwan Weighted 4.399,97 4.406,52 Up6,55 Up0,15
Nhật Nikkei 225 7.621,92 8.211,90 Up589,98 Up7,74
Hồng Kông Hang Seng 12.596,29 12.702,10 Up105,78 Up0,84
Hàn Quốc KOSPI Composite 999,16 968,97 Down30,19 Down3,02
Singapore Straits Times 1.621,65 1.671,20 Up 4,71 Up0,28
Trung Quốc Shanghai Composite 1.771,82 1.719,81 Down52,01 Down2,94

(Theo VnEconomy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm