PGS.TS Nguyễn Lân Cường: Chúng tôi "bất lực"

17/05/2010 07:01 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Đường Hoàng Hoa Thám, vốn là một đoạn Hoàng thành Thăng Long, bị đào phá, rồi lập tức được đổ bê tông như một sự đã rồi, bất chấp sự “kêu gào” của giới khảo cổ học đang thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận tuần qua… Nhưng hóa ra, việc bảo tồn đoạn thành cổ còn sót lại này đã được xới lên từ năm 2002! Vậy mà sự việc bỗng dưng rơi vào… im lặng suốt gần 10 năm qua. Trách nhiệm này thuộc về ai?

PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Phó Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học VN trả lời báo TT&VH Cuối tuần.


PGS.TS Nguyễn Lân Cường
* Thưa PGS.TS Nguyễn Lân Cường, từ năm 2002, giới khảo cổ học đã cảnh báo về nguy cơ mất đi đoạn thành cổ nay là đường Hoàng Hoa Thám. Năm 2006, Hà Nội khởi động dự án nút giao thông Văn Cao – Hồ Tây đoạn cắt ngang đường Hoàng Hoa Thám. Như vậy, đoạn thành cổ có nguy cơ bị xâm phạm là sự việc được biết trước. Vậy vì sao đến giờ các nhà khoa học lịch sử và khảo cổ mới lên tiếng?

- Có thể nói là chúng tôi đã… “bất lực”! Năm 2002, Viện Khảo cổ học và Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội (nay là Văn hóa Thể thao & Du lịch) đã có hẳn một đề án khảo cổ học cụ thể và có các kiến nghị đầy đủ. Theo PGS.TS Tống Trung Tín, tên đề tài là: Khảo cổ học với việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc ở Thủ đô HN - Kiến nghị và giải pháp, để gửi các cơ quan chức năng của TP Hà Nội. Tuy nhiên, tiếng nói của ngành khảo cổ dường như bị “lờ” đi cho tới cuối tháng Tư vừa qua, khi 72 cụ ở phường Hoàng Hoa Thám ký tên gửi đơn tới Viện Khảo cổ học VN, Hội Khảo cổ học VN… kêu cứu vì di tích thành cổ bị xâm hại. Bản thân tôi cũng không hề biết gì về dự án mở đường, thậm chí còn ngây thơ nghĩ rằng, để bảo tồn đoạn thành cổ quý giá còn sót lại, chắc chắn người ta sẽ xây cầu vượt qua đây chứ không nỡ chặt đứt nó. Tôi cho rằng, chúng ta có thể đầu tư 100 tỷ đồng, hay nhiều hơn nữa, để làm cầu vượt mà giữ lại được di tích cho muôn đời sau thì cũng đáng.


 Và một số di vật được PGS.TS Nguyễn Lân Cường tìm thấy trên hiện trường
* Cũng hơi sớm, vì mọi chuyện chưa đi đến hồi kết, nhưng trong tất cả chuyện này, theo ông, trách nhiệm thuộc về ai?


- Nơi phải chịu trách nhiệm đầu tiên là TP Hà Nội. Trong khi Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch không làm mạnh chuyện này. Còn Viện Khảo cổ, như Viện trưởng PGS.TS Tống Trung Tín đã từng phát biểu chỉ là cơ quan “tham mưu, kiến nghị dưới ánh sáng của Luật Di sản Văn hóa với các cấp có thẩm quyền”… Thực tế, sự việc vừa qua, chúng ta đã có Luật Di sản hẳn hoi mà cũng chẳng ăn thua. Điều 37, mục 3 Luật Di sản Văn hóa năm 2009 ghi rõ: “Trong quá trình cải tạo, xây dựng công trình mà thấy có khả năng có di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc phát hiện được di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thì chủ dự án phải tạm ngừng thi công và thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa – thể thao & du lịch…”. Ban quản lý dự án nói rằng không tìm thấy hiện vật nào! Hoặc không biết?!. Trong khi, tại công trường, tôi đã tìm thấy rất nhiều di vật (ảnh). Có lẽ, quý giá nhất là một nửa chiếc bình gốm có niên đại khoảng thế kỷ VIII-IX , hay những chiếc nắp vung thời Trần, ngói, gạch vồ thời Lê…

* Việc thi công đã tạm dừng cho dù những hố móng bê tông khổng lồ đã được đổ. Giải pháp nào cân bằng việc phát triển đô thị và bảo tồn di tích trong trường hợp cụ thể này, thưa ông?

- Không ít lần các nhà khảo cổ học đã phải… bó tay! Chợ Hàng Da, Trung tâm thương mại Cửa Nam… làm sao tránh khỏi có những di vật dưới lòng đất. Vậy mà đành phải đứng ngoài nhìn. Người ta không hề thông báo, hay cố tình giấu giếm thì chúng tôi cũng chịu. Khi mở đường Kim Liên mới, phát lộ Đàn Xã Tắc, TP Hà Nội có động thái tích cực là không động chạm gì tới. Tôi được biết người ta cũng sẽ không “đụng” tới đường Đê La Thành – cũng là một phần thành vô giá còn sót lại, điều đó thật đáng mừng. Kết hợp nghiên cứu di tích với công trình dân sinh như vườn hoa Đàn Nam Giao (thuộc khuôn viên của Trung tâm thương mại Vincom) là một ví dụ rõ nét về biện pháp giải quyết nếu cả hai phía đều có thiện chí. Nhưng đó chỉ là những trường hợp hiếm hoi.


Mảnh ngói thời Lê sơ
Ở Italia, khi người ta phát hiện di tích dưới lòng đất giữa thủ đô Roma, lập tức nhà nước di dời dân ra khỏi khu vực có di tích và để nguyên trạng những gì phát hiện được phục vụ khách tham quan, du lịch. Thời tiết ở ta không cho phép làm điều đó. Hơn nữa, phát triển đô thị gắn với hàng loạt công trình xây dựng đang và sẽ mọc lên. Chúng ta không thể cực đoan khư khư ôm lấy những di tích. Vì thế phải có quy hoạch khảo cổ học đô thị.

Còn trong trường hợp cụ thể này, theo tôi, thứ nhất, công trình phải tạm dừng thi công để các nhà khảo cổ tiến hành khảo sát, điều tra, rồi dựa theo Luật Di sản mà tìm biện pháp giải quyết. Hoàn toàn không thể vì tiến độ “hướng tới 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội” mà “bê tông hóa” cả một đoạn thành vô giá! Thứ hai, Nhà nước cần xếp hạng di tích cho cả phố Hoàng Hoa Thám để ngăn chặn việc xâm phạm từ phía người dân, kể cả việc xây dựng các công trình qua đây. Chỗ nào thấy vướng mắc thì cùng bàn bạc tìm cách giải quyết.


Nửa bình gốm có niên đại khoảng TK VIII - IX
* Như ông đã nói, Viện Khảo cổ học VN và Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội (cũ) đã lập được quy hoạch khảo cổ cách đây nhiều năm. Đến nay ta đã có Luật Di sản, vậy làm thế nào để hiện thực nó? Trên thế giới, người ta làm quy hoạch khảo cổ như thế nào?

- Luật Di sản hiện hành quy định: “Chủ tịch UBND cấp tỉnh tổ chức việc lập qui hoạch khảo cổ học ở địa phương, phê duyệt và công bố qui hoạch sau khi được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”. Theo tôi, chúng ta phải làm lại đề án trên vì thực tế Hà Nội đã có nhiều thay đổi so với thời điểm gần 10 năm trước. Quy hoạch này cần vạch ra những khu tối quan trọng cần phải bảo tồn. Theo PGS.TS. Trịnh Sinh “một thời ở Bắc Kinh, người ta phá thành làm đường, gần đây lại phải đắp trả 24 km thành mô phỏng như xưa”. Tất nhiên, thành xây lại không còn cổ nữa, mà mất giá trị rồi… Hy vọng, chúng ta sẽ không bao giờ phải hoài cổ như thế.


Nắp vung thời Trần
* Xin cảm ơn ông!

Dự án đường Văn Cao - Tây Hồ là một trong 5 công trình trọng điểm của Thủ đô nhằm chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đã được công bố từ tháng 6/2007 và dự kiến khởi công vào tháng 9/2007, tuy nhiên do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng nên tới 2010 mới triển khai.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội, đối chiếu thư tịch cổ và kết quả nghiên cứu đến nay cho thấy, tuyến đường Hoàng Hoa Thám, đê Bưởi vốn là vòng thành ngoài cùng của kinh thành Thăng Long thời Lý - Trần, và là vòng Hoàng thành Thăng Long thời Lê Sơ. Trong quá trình thi công đã phát hiện một số mảnh gạch vồ, mảnh gốm thời Lê, thời Trần...

Ngày 10/5/2010, UBND TP Hà Nội đã có công văn quyết định dừng thi công tuyến đường này đồng thời lên kế hoạch khai quật khảo cổ tuyến đê Bưởi. Đi qua địa bàn các phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) và Liễu Giai (quận Ba Đình), dự án có phạm vi chiếm đất là hơn 47.000m2, tổng chiều dài sau khi hoàn tất là 450 m với với điểm đầu là đường Hoàng Hoa Thám và điểm cuối là đường ven hồ Tây, tổng mức đầu tư gần 373 tỉ đồng.


Hoàng Lê (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm