Chưa có đề tài nghiên cứu về tác động của sân cỏ nhân tạo ở Việt Nam

08/03/2016 15:57 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Cho tới hôm nay, chúng tôi chưa tiếp nhận bất cứ thông tin hay một cá nhân nào ở Việt Nam cho biết họ bị đau yếu hoặc mắc bệnh nào đó từ việc chơi thể thao trên sân cỏ nhân tạo.

Nhưng Thể thao & Văn hóa Cuối tuần đã có trao đổi với bà Đặng Thị Hồng Nhung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục Thể thao về việc có hay không khả năng các hạt cao su trên sân cỏ nhân tạo có thể gây ung thư, bà Hồng Nhung cho biết, cần phải có một nghiên cứu cụ thể ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thể thao & Văn hóa Cuối tuần cũng tìm hiểu ý kiến của một số người trong cuộc, là những người quản lý sân hoặc thường xuyên chơi trên sân cỏ nhân tạo. 


Có những sân cỏ nhân tạo ở Việt Nam mà "cỏ" rất ngắn, lộ phần bề mặt

+ Từ trước tới nay, Viện KHTDTT đã có những đề tài nghiên cứu nào liên quan đến sân cỏ nhân tạo không và nội dung các đề tài nghiên cứu là gì?

- Cho tới hôm nay, Viện Khoa học TDTT chưa có đề tài nào nghiên cứu về sân cơ nhân tạo. Tuy nhiên vấn đề nghiên cứu về tiêu chuẩn hàng hóa sản phẩm trong tập luyện và thi đấu thể thao (cũng đã có) đề tài nghiên cứu, theo tôi được biết đó là những sản phẩm sử dụng trong tập luyện và thi đấu: 01 đề tài của Trung tâm thông tin – Tổng cục TDTT, do TS. Đàm Quốc Chính chủ nhiệm; 01 đề tài của Trường Đại học TDTT Đà Nẵng (không rõ ai chủ nhiệm).  

+ Quan điểm của chị như thế nào trước các thông tin sân cỏ nhân tạo có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe đối với người tập luyện trên đó trong thời gian dài? Vì sân cỏ nhân tạo ở Việt Nam cũng được làm từ lốp cao su tái chế?

- Vì chưa nghiên cứu đến vấn đề này, do vậy tôi không thể đưa ra nhận định cũng như quan điểm về ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe hay với bất kỳ tác động nào khác.

+ Viện KHTDTT có nhận thấy sự cần thiết đối với việc thực hiện một đề tài nghiên cứu (trong thời gian sớm nhất có thể) về những tác động của sân cỏ nhân tạo đối với người tham gia tập luyện không?

Trên phương diện cá nhân, mọi vấn đề của đời sống xã hội đều cần thiết và cần nghiên cứu một cách bài bản, khoa học, đặc biệt vấn đề về nâng cao sức khỏe cho người dân thông qua tập luyện thể thao.


Cấu tạo Sân cỏ nhân tạo theo thiết kế giới thiệu của một công ty chuyên thiết kế sân đá bóng ở Việt Nam

Anh N.N.T (chủ sân cỏ nhân tạo ở Quận Tân Bình, TP.HCM): "Sân làm tiêu chuẩn sẽ hạn chế được nhiều nguy cơ"

Để làm nên một sân cỏ nhân tạo, cần có nhiều yếu tố cấu thành. Mặt cỏ nhân tạo là phần nổi bật nhất mà mắt thường có thể nhìn thấy rõ nhất. Một sân cỏ nhân tạo chuẩn nhất không phải chỉ mặt cỏ đẹp, lán mượt mà dưới mặt cỏ, những yếu tố khác cũng phải hoàn hảo. Trước khi phủ cỏ lên mặt sân, người ta phải tiến hành làm bằng bề mặt bằng cách san ủi, đầm để cố định không cho sụt lún, đảm bảo độ bằng phẳng tối ưu.

Sau đó, trải đệm thấm trước khi tiến hành dán cỏ nhân tạo vào. Tiếp đó rải cát sỏi dày khoảng 2cm và rải lớp cao su khoảng 1 cm xuống mặt cỏ để giúp cỏ thẳng đứng. Lớp cao su trung bình khoảng từ 6kg -8 kg /1m2 nền cỏ. Có thể nói lớp cao su này là quan trọng nhất, quyết định chất lượng mặt sân. Nếu không có nguyên liệu này, cỏ nhân tạo chủ yếu làm từ nhựa không thể đứng thẳng được và mặt sân cũng không thể êm, tạo cảm giác thoải mái cho chân người chơi trên mặt sân này tương tự như được đá bóng trên sân cỏ tự nhiên.

Theo vài tài liệu nghiên cứu, thành phần gây ảnh hưởng nặng đến cơ thể con người chính là lớp cao su được rải lên mặt cỏ. Những hạt cao su nhỏ màu đen mà sân cỏ nhân tạo nào cũng có được làm từ lốp xe cũ. Cao su loại này được máy nghiền nhỏ ra, cao su được cấu thành từ nhiều hợp chất mà theo khoa học có ảnh hưởng đến sức khỏe con người.


Quảng cáo mặt sân cỏ nhân tạo của một công ty Trung Quốc

Nói cho dễ hiểu, cao su này có thể sẽ tiếp xúc với cơ thể cầu thủ đá bóng. Ví dụ như nó dính vào các vết trầy xước ngoài da của người chơi, từ đó chất độc ngấm vào cơ thể. Hoặc những khi vận động mệt, cần tiếp nước, những xô nước để ngoài sân hay bị cao su văng vào nhưng người chơi không để ý hoặc do thiếu nước quá nên vẫn uống, cũng là một nguyên nhân đưa chất không tốt vào cơ thể.

Tác động dễ cảm nhận nhất với người chơi thể thao ở mặt sân này là khi chơi bóng dưới thời tiết nóng bức giữa trưa nắng gắt hay những cơn mưa bất chợt đổ xuống khi trời vẫn nắng. Ở nhiệt độ cao, có thể ngửi thấy mùi khét trong không khí bốc lên từ mặt sân. Trong cao su cũng có thành phần kim loại như chì, đó là chất rất độc cho cơ thể.

Tuy nhiên, cao su không thể thiếu trên bất cứ mặt sân nào. Hiện tại khoa học cũng chưa giới thiệu sản phẩm nào thay thế cao su có thể đáp ứng được yêu cầu như chất này để phủ lên mặt sân cỏ nhân tạo. Nhưng như đã nói, một sân cỏ nhân tạo hoàn chỉnh nếu đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật gắt gao thì sẽ hạn chế được rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ví dụ như những chất độc bốc ra từ dưới mặt cỏ sẽ hạn chế nếu mặt sân thấm hút tốt và khi dán mặt cỏ đảm bảo độ khít, chắc chắn, không cho những khí độc từ đất bốc lên….

Anh Nguyễn Vũ Vệ An (sinh năm 1990, Quận Bình Thạnh, TP.HCM): Tôi chưa từng nghe nói tác hại của nó

Tôi chưa nghe nói về tác hại của sân cỏ nhân tạo với sức khỏe, chưa thấy ai nói gì về điều này. Tôi chơi bóng đá ở sân cỏ nhân tạo nhiều năm nay và rất thích đá bóng ở sân này vì nó bằng phẳng, tạo cảm giác êm, thoải mái hơn cả khi đá trên nhiều mặt sân cỏ tự nhiên.

Ra mắt sân cỏ nhân tạo tiêu chuẩn FIFA đầu tiên tại Hà Nội

Ra mắt sân cỏ nhân tạo tiêu chuẩn FIFA đầu tiên tại Hà Nội

Sáng nay, Cty Megastar United (thành viên Tập đoàn Megastar) và UBND quận Tây Hồ sẽ tổ chức lễ khánh thành sân cỏ nhân tạo tiêu chuẩn FIFA.


Tôi nghĩ cứ chơi thể thao thì sẽ giúp ích cho sức khỏe chứ không nghe nói gì đến ảnh hưởng xấu của sân cỏ nhân tạo tới sức khỏe. Điều tôi thấy không tốt ở nhiều sân là mặt cỏ bị bào mòn sau nhiều năm. Nhiều sân cỏ bị mòn nên chỉ trơ cát sỏi, chạy trên mặt sân này có cảm giác rất khô cứng và rất dễ dẫn đến chấn thương. Hoặc khi đá dưới trời nắng nóng, không khí có mùi hắc khó chịu do mặt sân bốc lên.  

Anh Nguyễn Ngọc Quang (Hà Nội): Tôi chờ cơ quan nhà nước trả lời

Khi nghe thông tin về việc sân cỏ nhân tạo ở Mỹ có thể là tác nhân gây ung thư thì tôi cũng khá lo lắng. Trước tiên, tôi cho con mình đi tập môn thể thao khác thay vì cho cháu đi đá bóng hàng tuần như trước kia. Tôi chờ đợi cơ quan nhà nước có nghiên cứu và trả lời cụ thể về vấn đề này.

Một bác sĩ từ Bệnh viện Ung bướu Trung ương (Hà Nội)

Cá nhân tôi làm ở Viện nhưng chưa tiếp nhận bệnh nhân với các thông tin cung cấp thông tin tương tự. Khi qua Mỹ, tôi cũng biết là họ có nhiều những nghiên cứu khác nhau, như những ai hay ngồi ghế da thì tỉ lệ ung thư da cao hơn so với người khác. Còn để đánh giá về việc hạt cao su sân cỏ nhân tạo có gây ung thư hay không, nếu có một nghiên cứu chắc nó sẽ cần vài chục năm.  

Việt Hằng – Phúc Hưng (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm