Bóng đá học đường: Trông người lại ngẫm đến ta

28/10/2013 11:32 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Không chỉ riêng Hàn Quốc và Nhật Bản, những nền thể thao hàng đầu châu lục, rất nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng rất chú trọng phát triển thể thao học đường như Singapore, Malaysia, Thái Lan, và họ vẫn đang gặt hái quả ngọt nhờ cách làm bài bản từ gốc của mình.

Rất nhiều trường học ở Thái Lan hay Singapore đều có hệ thống sân bãi hiện đại, gần bằng hoặc tương đương với nhiều sân bóng ở V-League và giải hạng Nhất của chúng ta. Vì thế, năm ngoái, khi sang Thái Lan tham dự vòng bảng AFF Cup 2012, không ít lần ĐT Việt Nam được bố trí tập luyện ở sân bóng nằm trong khuôn viên trường học, nhưng không có bất cứ vấn đề gì phải phàn nàn về chất lượng sân bãi.

Trong khi đó, ở Việt Nam, số lượng các trường học có đầy đủ hệ thống sân bãi cho học sinh sử dụng là không nhiều, và vẫn còn rất nhiều trường học phải mượn công viên hoặc vườn hoa để làm nơi dạy học thể dục cho học sinh.

Bên cạnh đó, thể thao học đường vẫn còn là khái niệm còn rất xa lạ với thể thao Việt Nam, bởi hầu hết các VĐV thể thao đỉnh cao của chúng ta đều được tập trung huấn luyện theo kiểu gà nòi từ khi còn nhỏ, và nếu là sinh viên giỏi chơi thể thao thì thường xuất thân từ những trường Đại học thể thao chuyên nghiệp, chứ không có mấy người tiến thẳng lên ĐTQG từ các trường Đại học bình thường.

Sinh viên Hàn Quốc (trái) chỉ mất 45 phút để đánh bại một đội bóng chuyên nghiệp của Việt Nam là ĐT.LA. Ảnh: Quang Nhựt

Tất nhiên trong quá trình huấn luyện tập trung các tài năng thể thao vẫn được bố trí để học văn hóa, nhưng không phải VĐV chuyên nghiệp nào cũng có đủ khả năng và ý thức để học hành một cách nghiêm túc và đầy đủ, vì phần lớn thời gian và sức lực của họ đã được dành cho việc luyện tập hoặc thi đấu hàng ngày, nên muốn học tốt thì họ phải có một nghị lực và quyết tâm rất lớn.

Bởi thế, rất nhiều VĐV sau khi chính thức giải nghệ hoặc không thể tiếp tục thi đấu đã gặp không ít khó khăn để bắt đầu một cuộc sống mới, mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do hành trang kiến thức quá thiếu thốn.

Kể từ khi bóng đá Việt Nam hội nhập quốc tế trở lại, các đội bóng sinh viên đến từ Hàn Quốc luôn chứng tỏ năng lực cạnh tranh rất tốt ở những giải bóng đá quốc tế mà họ được mời tham dự ở Việt Nam, song dường như những người làm bóng đá Việt Nam vẫn chưa cho thấy rằng họ đã học hỏi được nhiều điều từ các đội bóng sinh viên như thế để xây dựng một nền bóng đá học đường nghiêm túc và bài bản ở Việt Nam.

Mới đây chỉ có LĐBĐ TP.HCM chính thức thông báo sẽ đưa bóng đá vào phát triển ở các trường học trong giai đoạn 2012-2017, còn rất nhiều tỉnh thành khác vẫn chưa thấy có động tĩnh gì đáng kể, và có lẽ cái ngày có một đội bóng sinh viên Việt Nam thi đấu ấn tượng ở giải trong nước hẳn vẫn còn rất xa.

Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa

TP.HCM triển khai dự án "Bóng đá học đường"

Dự án “Bóng đá học đường” là tâm huyết của những người làm bóng đá TP.HCM. Chương trình này được sự hậu thuẫn lớn của các cơ quan chức năng có thẩm quyền trên địa bàn TP.HCM như Sở VH,TT&DL, Sở GD&ĐT và LĐBĐ TP.HCM (HFF).

“Bóng đá học đường” sẽ có mặt ở các hoạt động dạy và học tại các trường Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn TP.HCM. Chương trình sẽ được thực hiện trong vòng 5 năm, từ 2012 đến 2017 với một quy mô rộng khắp nhờ sự phối hợp của các ban ngành.

Chương trình “Bóng đá học đường” chính thức khởi động từ tháng 8/2013, được xây dựng thí điểm tại 48 trường Tiểu học trên địa bàn TP.HCM và dự kiến sẽ chính thức thực hiện trên tất cả các trường tại TP.HCM từ năm 2014.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm