Chào tuần mới: Phía sau một cuộc 'hồi hương'

21/11/2023 07:27 GMT+7 | Văn hoá

Chúng ta vừa đón một thông tin quan trọng trước Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11): Giữa tuần qua, lễ chuyển giao ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" cho Việt Nam vừa diễn ra tại Pháp.

Tròn 70 năm trước (1953), những biến đổi của lịch sử đã đưa chiếc ấn vàng này sang đất Pháp. Để rồi, khi nó chuẩn bị xuất hiện trong một phiên đấu giá đặc biệt tại Paris vào tháng 11/2022, phương án đưa bảo vật này "hồi hương" lập tức được đặt ra với phía Việt Nam - và tiếp sau đó là hơn một năm đàm phán, thương thảo, thực hiện các thủ tục pháp lý.

Là chiếc ấn vàng đẹp và có giá trị bậc nhất của vương triều Nguyễn, ấn "Hoàng đế chi bảo"từng được vua Bảo Đại chọn để chuyển giao cho chính quyền Cách mạng trong lễ thoái vị năm 1945. Như thế, chiếc ấn không đơn thuần là một món bảo vật mà còn mang giá trị biểu trưng cho những cột mốc lớn nhất trong lịch sử dân tộc.

Chính bởi giá trị đặc thù ấy, hành trình "hồi hương" của ấn vàng này có nhiều điểm đặc biệt, thậm chí gần như chưa có tiền lệ.

Chào tuần mới: Phía sau một cuộc 'hồi hương' - Ảnh 1.

Lễ chuyển giao Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” từ Pháp về Việt Nam. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Trước hết, đó là việc đưa ấn về theo con đường ngoại giao, thay vì đấu giá trực tiếp. Để thực hiện điều này các cơ quan liên ngành của Việt Nam phải cùng phối hợp để thực hiện các bước đi phức tạp: Đàm phán để nhà đấu giá tạm dừng đấu giá; thương lượng để Việt Nam được mua trực tiếp (và thỏa thuận mức giá); tính toán vấn đề kinh phí để mua ấn (bao gồm cả phương án dùng ngân sách Nhà nước)...

Rồi, cũng phải nhắc tới vai trò của một bảo tàng tư nhân tại Bắc Ninh - nơi bỏ ra lượng kinh phí lớn để sở hữu ấn vàng và sẽ tổ chức trưng bày trong thời gian tới. Theo những thỏa thuận được ký kết, trong trường hợp không còn nhu cầu sở hữu, ấn vàng sẽ chỉ được bảo tàng này chuyển giao cho Nhà nước (hoặc tổ chức, cá nhân muốn hiến tặng cho Nhà nước) với mức phí đã được thống nhất.

***

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là trường hợp điển hình của nhiều cổ vật Việt Nam mang giá trị lịch sử cao đang phải "lưu lạc" trên thế giới bởi những lý do về thiên tai, chiến tranh hay bối cảnh đặc thù. Những năm gần đây, khi công nghệ và truyền thông phát triển, chúng ta đang dần có cơ hội tiếp cận thông tin về những cổ vật này, đặc biệt là khi chúng được đưa lên các sàn đấu giá.

Thực chất, trước ấn vàng này, một số bảo vật cũng may mắn được "hồi hương" theo những con đường khác nhau. Chẳng hạn, năm 2014, phía tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tham gia một phiên đấu giá tại Pháp và sở hữu thành công một chiếc xe kéo của vua Thành Thái với mức giá gần 56 ngàn euro. Hoặc gần hơn, năm 2022, cũng địa phương này được một doanh nghiệp hiến tặng 2 món cổ vật triều Nguyễn sau khi đấu giá thành công tại Tây Ban Nha với mức phí gần 800 ngàn euro.

Nhưng chắc chắn, để có thể tổ chức thêm những chuyến "hồi hương" cho các bảo vật Việt Nam, chúng ta không thể chỉ mãi trông đợi vào các nguồn ngân sách Nhà nước lẫn sự nhiệt tình của các tổ chức xã hội hóa. Ở bối cảnh mà việc mở bảo tàng tư nhân - cũng như sở hữu cổ vật - mới chỉ được luật hóa tại Việt Nam trong thời gian chưa dài, đó sẽ là hàng loạt bài toán phức tạp để có thể nắm bắt thông tin và thẩm định các bảo vật cần "hồi hương", cũng như tạo điều kiện và thu hút nguồn lực tư nhân cho những trường hợp này.

Bởi thế, bên cạnh niềm vui được đón ấn "Hoàng đế chi bảo", những bước đột phá cũng như kinh nghiệm từ quá trình đưa bảo vật này về Việt Nam chính là tiền đề quan trọng để chúng ta đặt thêm hi vọng vào những cuộc "hồi hương" tương tự.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm