Chào tuần mới: 'Đạo làm thuốc'

26/02/2024 11:00 GMT+7 | Văn hoá

Chúng ta đang chuẩn bị đón Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. Khá thú vị, trong năm nay, ngày này đến ngay sau dịp Tết Nguyên đán. Có nghĩa, với mỗi thầy thuốc, đây cũng là sự khởi đầu cho hành trình của một năm mới.

Nhưng chưa hết. Năm 2024 này cũng là thời gian UNESCO kỷ niệm (và kêu gọi thế giới cùng vinh danh) Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, người được coi là ông tổ của ngành y Việt Nam, nhân 300 năm ngày sinh của đại danh y này.

Từ vài trăm năm qua, lời răn đặc biệt của Hải Thượng Lãn Ông vẫn thường xuyên được ngành y nhắc lại, như "kim chỉ nam" cho nghề thầy thuốc: "Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người. Phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công".

Ngẫm ra, lời răn ấy với người thầy thuốc Việt Nam cũng có giá trị tương đồng như câu chuyện của Hippocrates, người tương truyền là ông tổ của y học phương Tây với lời thề được mọi sinh viên y khoa đọc trong lễ tốt nghiệp - để rồi những tuyên thệ về đạo đức hành nghề ấy sẽ đi theo họ trong suốt cuộc đời.

Chào tuần mới: 'Đạo làm thuốc' - Ảnh 1.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ảnh: Internet

Và ở đây, tôi vẫn muốn dùng từ "thầy thuốc" trong ngày 27/2, thay vì "bác sĩ" theo cách gọi hiện đại. Đó không chỉ là khái niệm đã từng tồn tại rất lâu trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Xa hơn, cũng như nghề giáo, nó gắn với những con người được cộng đồng gọi bằng "thầy", với tất cả sự kính trọng và kỳ vọng.

Không lạ, khi cộng đồng luôn dành cho người thầy thuốc sự trọng vọng như vậy. Đơn giản, dù bối cảnh xã hội có thay đổi thế nào, sự quan trọng - và cao quý - của việc trị bệnh cứu người vẫn luôn là một chân lý.

Để rồi ở hướng ngược lại, một cách tự nhiên, những trọng vọng của xã hội cũng luôn đặt người thầy thuốc vào vị thế phải tự trui rèn, cũng như điều chỉnh cách cư xử để phù hợp với vị trí của mình.

Chỉ một ví dụ đơn giản nhất mà các bạn trẻ đều hiểu ngay ở tuổi 18: Chọn (và được ) học y khoa, các sinh viên tại Việt Nam sẽ phải học tới 6 năm trời - để rồi nếu tính cả thời gian thực hành, trực đêm ở bệnh viện, tổng thời gian học của họ sẽ gần như dài gấp đôi sinh viên nhiều trường khác. Chưa hết, ngay từ khi đi học, sinh viên y khoa đã phải tiếp xúc với người bệnh, cũng như mọi đau đớn, căng thẳng, mất mát… luôn xảy ra trong mỗi gia đình.

Chọn nghề y là chọn một nghề được trọng vọng, nhưng luôn kèm theo áp lực khổng lồ cho những người nhận/mang thiên chức cứu người.

***

Sự thực, trong vài năm gần đây, ngày 27/2 luôn được chúng ta đón nhận với rất nhiều cảm xúc và mỹ từ. Nó đến từ ấn tượng trực tiếp của cộng đồng, trước đóng góp và hy sinh đặc biệt của những người thầy thuốc trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vừa qua.

Thấm thía về điều ấy, dường như ở một chừng mực, chúng ta cũng đang có xu hướng thông cảm hơn với những bất cập trong ngành y - vốn cũng đã từng được nhắc tới nhiều. Đó không phải là sự thỏa hiệp hoặc trả ơn, mà là câu chuyện đến từ sự bao dung và chia sẻ, khi cộng đồng hiểu rằng mỗi bác sĩ trước hết cũng là một con người, trong khi bản thân nghề y cũng đang đứng trước những xáo trộn hoặc bất cập của một xã hội đang biến đổi rất nhanh.

Và bởi thế, khi nhiều người gửi tới các bác sĩ lời chúc về hai chữ "y đức" trong Ngày Thầy thuốc Việt Nam, thì từ hướng ngược lại, chúng ta cũng mong cộng đồng có thêm sự ủng hộ và sẻ chia, để mỗi người thầy thuốc có thể thoải mái hơn trong việc hoàn thiện vị thế của mình, trước sự phát triển và kỳ vọng của cả xã hội.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm