Chào tuần mới: Bánh Trung Thu, sao năm nào cũng thế?

18/09/2023 06:53 GMT+7 | Văn hoá

Tại thành phố lớn, khi thấy những gian hàng bán bánh Trung Thu hai bên đường bắt đầu treo biển "mua 1 tặng 4", thì ta biết rằng ngày Tết Trung Thu đã rất gần kề. Những chiếc bánh, như chính tên gọi của nó, đã trở thành một biểu tượng gắn liền với ngày rằm tháng Tám âm lịch. Một món ăn mà xoay quanh nó cũng lắm chuyện thanh tao và bi hài.

Chẳng hạn như chuyện vui mà dịp này mọi người thường kể, đó là có một hộp bánh Trung Thu được tặng xoay vòng, truyền tay nhau, để rồi cuối cùng lại quay về chính người tặng ban đầu.

Vì sao lại thế?

Chuyện chiếc bánh Trung Thu đại hạ giá đã diễn ra từ lâu và gần như đã thành nếp. Nhưng ai đi mua bánh khuyến mãi kiểu này thì mới biết, "1 tặng 4" cũng có muôn hình vạn trạng. Từ mua 1 bánh lớn tặng 4 bánh nhỏ, đến 1 chiếc bánh có giá bằng 4 chiếc bánh… Thậm chí trên mạng còn có bức ảnh vui "mua 1 hộp được 4 cái"...

Chào tuần mới: Bánh Trung Thu, sao năm nào cũng thế? - Ảnh 1.

Bánh Trung Thu. Ảnh: Internet

Những chiêu bán hàng này thường đánh vào tâm lý khách hàng chuộng rẻ, thích khuyến mãi, lâu dần, hình thành tâm lý chỉ mua bánh cận ngày Trung Thu. Bên cạnh các thương hiệu bánh quen thuộc, vài năm trở lại đây, khi người tiêu dùng đề cao hơn các món "thủ công", "nhà làm", "mẹ nấu", thì nhiều chiếc bánh Trung Thu không nhãn mác, không hạn sử dụng xuất hiện… đầy trên mạng. Nhiều chiếc bánh không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu, lẫn chất lượng sản phẩm.

Trong ký ức một thời đi học của nhiều người, Trung Thu thường gắn với chiếc bánh in trắng hình tròn, nhà trường cắt ra, chia cho các em học sinh. Chiếc bánh bình thường, nhưng được ăn cùng các bạn thì tâm lý thưởng thức khác hẳn. San sẻ, chung vui, đó cũng là một tinh thần của ngày Trung Thu.

Ngoài câu chuyện ẩm thực, chiếc bánh Trung Thu còn may mắn được gắn lên mình một ý nghĩa văn hóa, một tích truyện. Nhưng Tết Trung Thu đâu chỉ có bánh, có đêm rước đèn - múa lân của trẻ con, mà còncầu thái bình, mạnh khỏe, may mắn… cho những người không còn trẻ.

Đối với những người con xa xứ, Trung Thu còn gợi nhắc đến cuộc "đoàn viên": rằng nếu mỗi năm chỉ về quê vào dịp Tết Nguyên Đán, thì đến lúc này đã quá nửa năm rồi. Chuyện ăn bánh không quan trọng bằng việc được ngồi cùng gia đình, để thấy nhau còn mạnh khỏe, nhất là các gia đình có cả ông bà, con cháu.

Chiếc bánh Trung Thu, tuy chỉ là chuyện nhỏ, một "nhân vật phụ" trong Tết Trung Thu. Nhưng cứ hễ dịp này, thì thấy nhắc lại cuộc "đấu trí","thi gan" giữa người mua và người bán bánh, e cũng làm nhạt nhòa cái tinh thần chung vui, chia sẻ của ngày đặc biệt này.

Thiết nghĩ cũng nên thay đổi tư duy mua bán và tặng bánh, để niềm vui Trung Thu thêm dài lâu, trọn vẹn. Để đến lúc "mua 1 tặng 4"mới nghĩ đến bánh thì có vẻ hơi cám cảnh, thực dụng.

An Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm