Chào tuần mới: '7 ngày đợi mong'

24/10/2022 07:38 GMT+7

Cuối cùng thì những ồn ào xung quanh câu chuyện nữ sinh THPT có những phát ngôn thiếu chuẩn mực với thầy giáo (văng tục, xưng "tao - mày") giữa chốn học đường cũng đã có hồi kết.

Chào tuần mới: Nào trường, nào lớp, nào sách, nào vở…

Chào tuần mới: Nào trường, nào lớp, nào sách, nào vở…

Một trong những nỗi lo thường niên của các bậc cha mẹ vào mỗi đầu năm học chính là học trường nào, lớp nào, học phí bao nhiêu? Riêng mỗi bộ sách giáo khoa thôi cũng biết bao câu hỏi: mua bộ sách nào, tổng bao nhiêu cuốn, giá bao nhiêu, mua ngoài hay đăng ký qua trường…?

Chiều 18/10, Trường THPT ở xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) đã ra quyết định kỷ luật nữ sinh có màn đấu khẩu với thầy giáo. Hình thức kỷ luật được áp dụng là đình chỉ học tập nữ sinh này một tuần.

Ta hãy thử đặt mình vào vai phụ huynh có con cái rơi vào tình huống như thế này thì sẽ phải làm gì? Cần nói gì với con trong khoảng thời gian 7 ngày nghỉ học ở nhà ấy?

Tôi đọc được một câu chuyện của một giáo viên đã từng dạy học ở Trung tâm GDTX của một quận ở TP.HCM. Trong lớp cô chủ nhiệm năm học ấy có một nữ sinh “cá biệt nhất của lớp cá biệt”. Ấn tượng ban đầu khi gặp em này là mái tóc nhuộm đủ màu, tay xăm trổ, nói năng thô lỗ và rất hay vi phạm nội quy của trường.

Chú thích ảnh
Tranh minh họa

Qua tìm hiểu hồ sơ và liên lạc nói chuyện với phụ huynh, cô giáo đã hiểu rằng, gia đình em có nhiều chuyện trục trặc. Cũng từ đây, thái độ bất cần của em bắt đầu xuất hiện. Hiểu ra vấn đề, từ đó nữ giáo viên này không gọi cho phụ huynh nữa, thay vào đó cô hẹn gặp riêng em học sinh trao đổi.

“Tôi không hỏi nhiều, chỉ kể em nghe một câu chuyện về sự tử tế. Câu chuyện khá dài và ý nghĩa sau cùng của nó là nếu bạn cho đi lòng tốt, sự lương thiện và tử tế, dù một hành động nhỏ thôi, bạn sẽ nhận lại được vô vàn sự ấm áp từ nụ cười, câu nói thậm chí cả nước mắt”.

Câu chuyện dừng lại ở đó. Không có bản kiểm điểm, không có những lời trách móc, cũng chẳng gặp phụ huynh. Rồi điều bất ngờ cũng đã xảy ra ngay tối hôm đó. Em nữ sinh cá biệt đã nhắn tin cho cô giáo nói xin lỗi vì đã làm cô phiền lòng quá nhiều.

"Vì có vô số nguyên nhân khiến em trở nên cá biệt... Nếu ta cứ nhìn bằng ánh mắt ác cảm, các em sẽ không có cơ hội được nói ra mong muốn của bản thân cho bất kỳ ai. Hãy cho các em cơ hội được sửa sai, một cái nhìn khách quan có thể mở ra cho các em thêm hi vọng, để em biết vẫn có người tin tưởng mình có thể thay đổi” - nữ giáo viên kể lại.

Trở lại với em nữ sinh bị kỷ luật. Có thể 7 ngày phải nghỉ học với em sẽ là những ngày mong ngóng được quay trở lại lớp, được gặp bạn bè, thầy cô để chuộc lại những lỗi lầm đáng tiếc đã qua. Và sự trở lại của em hẳn sẽ được nhà trường, thầy cô và bạn bè chấp thuận trong sự bao dung, đùm bọc, vị tha. Được như thế thì “7 ngày đợi mong” đúng là tuyệt vời.

Một tình huống khác, trước cơn bão dư luận, nếu như trong thời gian chịu kỷ luật ở nhà, em không có được sự chia sẻ, thì rất có thể nó sẽ trở thành nỗi ám ảnh cả đời đối với em, có thể khiến em rẽ sang một con đường khác.

“Dẫu sao các em học sinh vẫn còn nhỏ tuổi, các em vẫn như là những cây măng, các em sẽ không chịu nổi sức gió như bão của dư luận, trước cơn bão như vậy có thể những cây măng các em có một sự nhạy cảm ngây thơ sẽ gãy đổ bất cứ lúc nào và chúng ta cũng không hình dung được chúng sẽ gãy đổ ra sao!” - chính thầy hiệu trưởng của em cũng lo lắng như thế.

Sang tuần này thời hạn đình chỉ học sẽ hết. Nữ sinh kể trên sẽ trở lại trường. Không chỉ thầy cô, bạn bè mà tất cả chúng ta đang có “7 ngày đợi mong” cho một trường hợp không hoàn toàn cá biệt trong giáo dục.

Xuân An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm