Chấn thương và cách xử lý kiểu 'ao làng'

25/09/2015 05:20 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Bóng đá Việt thêm một lần nữa rúng động sau pha vào bóng bằng gầm giày của Ngọc Hải với Anh Khoa. Nhưng tình trạng bạo lực sân cỏ không chỉ tồn tại ở Việt Nam, các nền bóng đá khác mà gần nhất như các quốc gia ở Đông Nam Á cũng xuất hiện tình trạng này.  

Ngày 10/5/2014, tại giải Indonesia Premier League (giải đấu hạng cao nhất của Indonesia), tiền đạo Akli Fairuz của Persiraja đã bị thủ môn Sigli Agus Rahman (PSAP) đạp trúng bụng sau một tình huống tranh chấp trong vòng cấm. Ở tình huống đó, trọng tài cho rằng Akli đã việt vị và thổi phạt cầu thủ này.

Akli được thay ra và đưa đến bệnh viện nhưng tình trạng sức khỏe của anh xấu đi nhanh chóng. Akli qua đời 6 ngày sau đó. Nguyên nhân cái chết của anh được các bác sĩ công bố là do rò rỉ bàng quang. Sau đó, thủ phạm trong cái chết của Akli là thủ thành Agus chỉ bị tiến hành điều tra và LĐBĐ Indonesia (PSSI) không áp dụng bất cứ hình phạt nào.

Cái chết của Akli là sự cố nghiêm trọng thứ 2 của bóng đá Indonesia trong những năm gần đây. Ngày 7/3/2009, tiền vệ Jumadi Abdi của PKT Bontang cũng qua đời sau khi anh bị Deny Tarkas của Persela Lamongan đánh vào bụng trong trận đấu giữa 2 đội. Phản ứng của PSSI sau sự cố này vấp phải chỉ trích mạnh mẽ khi chỉ treo giò Tarkas 4 tháng.     

Cách xử lý của PSSI bị lên án là hợp lý. Nhưng xét về mật độ xảy ra tình trạng bạo lực sân cỏ không đâu bằng Việt Nam. Năm 2012 là Huy Hoàng của SLNA đi cấp cứu sau khi bị Samson (Hà Nội T&T) pha đạp gầm giày vào vùng mặt, năm 2014 đến lượt Anh Hùng (HV An Giang) gãy chân sau pha vào bóng của Đình Đồng (SLNA) và mới đây nhất năm 2015 là pha vào bóng của Ngọc Hải với Anh Khoa.

Chấn thương khủng khiếp dẫn tới cái chết của tiền đạo Akli Fairuz, khiến báo chí phương Tây cũng phải chấn động.

Trong khi đó, điểm lại vài ba năm trở lại đây, không ghi nhận một trường hợp phạm lỗi nguy hiểm nào như vậy từ các nền bóng đá khác trong khu vực như Thái Lan hay Malaysia, trường hợp của Akli tại Indonesia cũng chỉ là cá biệt.

Bóng đá Việt Nam sau giai đoạn thăng hoa với chức vô địch Đông Nam Á năm 2008 đang xuất hiện nhiều biểu hiện thiếu tích cực khiến khán giả dần dần quay lưng. Những gì người hâm mộ nhớ đến là bán độ hay tình trạng bạo lực hơn là chất lượng chuyên môn trên sân cỏ.

Nhiều người vỗ ngực tự xưng V-League là giải đấu số 1 Đông Nam Á, nhưng có lẽ giờ đây chúng ta nên nhìn lại thực tế. Khi giải đấu số 1 của Thái Lan – Thai Premier League đang gây được tiếng vang ra sao về mặt thương mại và thu hút khán giả bằng chất lượng chuyên môn và trình độ cầu thủ thì V-League dường như đang đi ngược lại với kì vọng của người hâm mộ.

Hiếu Lương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm