Cây bút ngôi sao Malcolm Gladwell bị 'tố' đạo văn

13/12/2014 07:01 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà báo kỳ cựu của New Yorker kiêm tác giả cuốn sách Những kẻ xuất chúng nổi tiếng đang đứng trước cáo buộc đã sao chép nội dung các bài báo về nhà công nghệ Steve Jobs, nhà kinh tế Albert O. Hirschman và cuộc biểu tình Greensboro.

Thông tin được đăng hôm 11/12 trên trang blog có tên Our Bad Media, do 2 tài khoản mang tên “CrushingBort” và “BlippoBlappo” điều hành. Trước đây, cũng chính blog này đã tố cáo vụ đạo văn của hai nhà báo Fareed Zakaria của CNN và Benny Johnson của BuzzFeed.

Còn bây giờ, mục tiêu mới của họ là Malcolm Gladwell, nhà báo kiêm biên tập viên danh tiếng của tờ New Yorker, đồng thời là một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn trên thế giới hiện nay.

Bài báo về Steve Jobs và cuốn sách năm 1988

“Sau khi nghiên cứu một số bài báo của Gladwell trong vài năm qua, chúng tôi tìm thấy một số đoạn trích có nội dung vi phạm bản quyền” - hai người tố cáo viết trên trang blog - “Cột báo mà ông ta đảm nhận có vẻ như đã cóp nhặt toàn bộ thông tin về một cuộc biểu tình đòi quyền công dân từ một cuốn sách được viết 40 năm trước”.


Nhà báo, tác giả sách nổi tiếng Malcolm Gladwell

Để chứng minh cho cáo buộc của mình, trang blog đăng một loạt ảnh chụp từ 3 bài báo của Gladwell, đặt kèm ảnh của những cuốn sách mà họ cho là ông đã ăn cắp, để độc giả tiện so sánh. Trong đó có một cuốn viết năm 1988 về Steve Jobs và một cuốn in năm 1970 về cuộc đấu tranh vì quyền công dân ở Greensboro hồi thập niên 1960.

Cụ thể, bài báo Huyền thoại sáng tạo (Creation Myth) đăng trên New Yorker ngày 6/5/2011 do Gladwell viết về Steve Jobs, bị cho là đã đạo nội dung từ cuốn sách Steve Jobs: The Journey Is The Reward (Hành trình chính là phần thưởng) của tác giả Jeffrey S. Young, in năm 1988.

Trong đó, Gladwell được cho là đã sử dụng các chi tiết Jobs đề nghị Xeros mua hàng trăm nghìn cổ phiếu của Apple với giá 1 triệu USD. Một chi tiết khác về lời kể của kỹ sư Larry Tesler nói rằng Jobs đã phấn khích như thế nào trước một sáng tạo công nghệ cũng bị sao chép y nguyên.

Nguồn tin - thách thức lớn trong báo chí ngày nay

Trả lời Newsweek về nghi vấn đạo văn này, David Remnick (biên tập viên của New Yorker) cho rằng nguồn tin trong báo chí là “một thách thức lớn với mọi nhà báo và biên tập viên”.

Remnick nói: “Vấn đề không phải là đạo văn. Đây là một thách thức lớn với báo chí khắp mọi nơi, liên quan tới việc thông tin nào nằm trong phạm vi báo chí được tự do sử dụng, thông tin nào cần phải trích dẫn nguồn tin. Đây là một khó khăn thực sự, vì hiện tại có rất nhiều nguồn tin với thông tin chồng lấp lên nhau”.

Nhưng với cuốn sách của tác giả Miles Wolff về vụ Greensboro xảy ra trong năm 1970 thì Remnick thừa nhận Gladwell nên ghi rõ nguồn thông tin không phải do mình tự khai thác. Ông đánh giá với một chủ đề phức tạp như vậy, cuốn sách của Wolff là một tư liệu quan trọng và đòi hỏi nhiều công sức nghiên cứu.

Được Newsweek liên hệ qua thư điện tử, Gladwell cho biết ông từng nói về nghi vấn đạo văn trong một bài viết dài 6.500 từ đăng trên New Yorker và trên blog cá nhân Gladwell.com vào năm 2004. Ông cũng biện minh cho hành động đạo văn thông qua việc dẫn hàng loạt ví dụ về những trường hợp gây tranh cãi về sự vay mượn hay sao chép trong nghệ thuật sân khấu và âm nhạc.

Malcolm Gladwell năm nay 51 tuổi, là người Mỹ. Ông là tác giả những cuốn sách về kinh doanh và tư tưởng đã được xuất bản ở Việt Nam như Những kẻ xuất chúng, David & Goliath, Điểm bùng phát.

Malcolm Gladwell từng gây chú ý với phát ngôn về Steve Jobs: “Trong số những doanh nhân lớn của thời đại chúng ta, công chúng sẽ nhanh chóng quên Steve Jobs. Còn với Bill Gates, ông vẫn sống mãi vì được dựng tượng khắp nơi tại những nước nghèo”. Ông lý giải “Gates là nhà tư bản vĩ đại nhất” vì đóng góp đã vượt ra ngoài lĩnh vực kinh doanh hay công nghệ.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm