GÓC CHIẾN THUẬT: Manuel Neuer, Thomas Mueller, Daley Blind... và những điểm nhấn chiến thuật World Cup 2014

16/07/2014 19:55 GMT+7 | World Cup 2018

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày trước, World Cup giới thiệu những phát kiến chiến thuật mới từ những quốc gia xa tít tắp, đến giải đấu phô diễn lối chơi mà thế giới chưa từng được chứng kiến.

Bây giờ, điều đó không còn nữa, khi chiến thuật bóng đá bị đồng nhất. World Cup giờ giống một chiếc khí áp kế đo đạc phong cách chiến thuật từng thời điểm. Và đây là những điểm nhấn chiến thuật của World Cup 2014.

Những thủ môn tấn công

Điểm chủ đạo của chiến thuật World Cup này là những thủ môn – hậu vệ quét, mà đại diện hoàn hảo là Manuel Neuer; và trận rõ nhất là Đức – Algeria 2-1. Neuer thường xuyên lao ra khỏi vòng cấm, dạt về cả hai góc sân, không chỉ cắt bóng mà còn tắc bóng, khi Algeria liên tục khai thác khoảng trống phía sau hàng thủ đội Đức. Đó là phương án rất táo bạo mà HLV Joachim Loew áp dụng khi trung vệ Per Mertesacker của Đức quá chậm chạp. Ảnh hưởng của Neuer lớn đến nỗi, có những lúc anh như trung vệ chỉ huy hàng thủ đội bóng châu Âu, mà trong trận chung kết, anh đã quét cả Gonzalo Higuain ra khỏi vòng cấm ở khu vực góc trái.


Manuel Neuer là thủ môn "mô đen" nhất thế giới.

Số lượng thủ môn tấn công được như Neuer không nhiều, nhưng có rất nhiều thủ môn tấn công bằng phản xạ. Đó là Tim Howard trong trận đấu gặp Bỉ. Các pha cứu thua của Howard không quá xuất chúng, nhưng nổi bật ở khả năng khép góc thông minh, chủ động. Cũng trong trận đấu đó, Thibaut Courtois có một pha cản phá siêu việt cú dứt điểm của Clint Dempsey ở một cú sút phạt. Đó cũng là pha cản phá trông thì đơn giản, nhưng phản ứng nhanh của Courtois thật sự đáng nể. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các thủ môn này không phản ứng nhanh lúc đó? Xu hướng của thời đại: Các thủ môn làm chủ cuộc chơi, không phải những chiếc bia đỡ đạn.

Sự thống trị của hàng thủ ba người

Giải đấu trở thành màn tiếp thị tuyệt vời cho hệ thống phòng thủ ba người. Cho đến cuối vòng bảng, các đội bóng dùng hàng thủ 3 người đá 8 trận trước các đội dùng hàng thủ 4 người và bất bại, chỉ hòa 2 mà không nhận bàn thua nào: trận Costa Rica gặp Anh và Mexico hòa Brazil.


Ron Vlaar chơi ở hàng thủ ba người của Hà Lan tại World Cup.

Gần đây, hàng thủ ba người thường được sử dụng khi các đội bóng muốn tấn công, nhưng suốt World Cup, hàng thủ ba người lại dùng vì mục tiêu phòng ngự. Costa Rica và Mexico chơi cả giải đấu với hệ thống ấy, trong khi Chile và Hà Lan chuyển qua lại giữa hàng thủ ba với bốn người, tùy đối thủ.

Rất không may khi các đội bóng này phải loại nhau trên hành trình đến chung kết: Hà Lan đánh bại Chile ở vòng bảng, sau đó loại Mexico và Costa Rica. Cả bốn đội đều bị loại vì thiếu may mắn: Hà Lan, Chile và Costa Rica đều thua trên chấm luân lưu, trong khi Mexico chịu bàn thua ở những phút cuối cùng.

Tiền đạo cổ điển tuyệt chủng

Chỉ có một tiền đạo thực thụ là Mueller, được đội Đức sử dụng trước mọi đối thủ ở giải này. Đây không phải World Cup dành cho các tiền đạo. Mueller đá cắm trước Bồ Đào Nha, trận mở màn của đội Đức, ghi hat-trick, nhưng thật ra lại liên tục dạt cánh tạo khoảng trống cho đồng đội khai thác. Dĩ nhiên, ở vài trận sau, Mueller đã dạt phải để nhường vị trí tiền đạo cắm cho Klose, giúp đội Đức cân bằng. Nhưng Klose lại không phải nhân tố quan trọng cho thành công của đội Đức ở vòng đấu loại trực tiếp.


Klose là tiền đạo cổ điển hiếm hoi còn sót lại.

Vài tiền đạo khác cũng tỏa sáng. Gonzalo Higuain của Argentina đã chơi kém cỏi ở giải này cho đến khi ghi bàn trước Bỉ, nhưng rồi lại bỏ lỡ cơ hội quý giá ở chung kết. Robin van Persie của Hà Lan chỉ tỏa sáng trước TBN trước khi im lặng, trong khi tiền đạo Fred của Brazil là thảm họa.

Ở các đội bóng khác, mối liên kết giữa tiền đạo với phần còn lại của đội là rất yếu ớt. Teo Gutierrez của Colombia gây thất vọng, cũng như Oribe Peralta của Mexico. Cũng có vài tia chớp lóe lên như Joel Campbell, Enner Valencia, Josip Drmic, Georgios Samaras, Islam Slimani và Luis Suarez, nhưng chỉ Campbell vào đến tứ kết, nơi anh chơi mờ nhạt.

Sáu cầu thủ tấn công hay nhất của giải đấu là Mueller, James Rodriguez, Arjen Robben, Leo Messi, Neymar và Alexis Sanchez. Không ai là tiền đạo cổ điển. Và đó cũng là tuyên ngôn của bóng đá ngày nay: Cần cầu thủ tấn công cần linh hoạt hơn là chuyên biệt.

Thích tạt bóng

Các đội bóng thành công hiếm khi dựa vào bóng dài, nhưng nó vẫn là một vũ khí nguy hiểm nếu được dùng đúng thời điểm. Ở World Cup 2014, rất nhiều đội bóng đã thành công bằng cách đưa bóng ra cánh rồi tạt vào, cả tầm thấp lẫn cao.


Daley Blind tiêu biểu cho "phong trào" tạt bóng của World Cup 2014.

Đó là trận thắng Anh của Italy, nơi Antonio Candreva và Matteo Darmian liên tục phối hợp làm khổ Leighton Baines bên cánh phải, hoặc hậu vệ phải Serge Aurier thực hiện hai quả tạt dẫn đến hai bàn thắng chóng vánh của Bờ Biển Ngà trước Nhật Bản. Cầu thủ chạy cánh Daley Blind của Hà Lan cũng kiến tạo hai bàn thắng trận gặp TBN, trong khi tuyển Mỹ có Fabian Johnson thường xuyên cấp bóng cho tiền đạo bằng các quả chuyền dài vượt tuyến.

Giải đấu có những quả tạt tuyệt vời của hậu vệ trái Faouzi Ghoulam của Algeria, rồi bộ đôi cầu thủ chạy cánh Junior Diaz và Cristian Gamboa của Costa Rica, cũng như cặp đôi giàu năng lượng Jose Holebas và Vasilis Torosidis của Hy Lạp.

Đây là giải đấu của các hậu vệ biên. Họ tấn công đối thủ bằng các quả tạt, rồi họ làm lộ ra khoảng trống để đối phương phản công. Thụy Sỹ đã thua Pháp 2-5 khi Ricardo Rodriguez và Stephan Lichtsteiner liên tục tấn công, giúp Mathieu Valbuena và Karim Benzema khoét vào các khoảng trống của họ.

Thậm chí chung kết cũng là cuộc chiến ở biên, khi hai đội đều đá cánh nhiều, với Philipp Lahm hay tăng tốc phối hợp với Mueller, còn Messi dạt biên liên kết với Lavezzi. Bàn thắng quyết định ngôi vô địch cũng đến từ cánh: Mario Goetze ập vào đón quả tạt từ cánh trái của Schuerrle, ghi bàn thắng lịch sử.

ĐỖ HIẾU (theo ESPN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm