Trọng tài: Quay ai và ai quay?

28/05/2014 16:20 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - V-League đang nóng, nếu nóng bởi chất lượng chuyên môn nâng tầm thì đã đành, đằng này lại nóng lên câu chuyện cũ, đã rất cũ. Năm nào cũng vào giai đoạn này khi giải đấu đang đi vào hồi căng thẳng nhất, đấy là chuyện trọng tài.

Đành rằng nếu liếc qua, đúng là trọng tài tại vòng 16 vừa rồi đã có những sai sót nhất định. Sai do nhận định, do năng lực hay do tư tưởng, cũng đã là câu hỏi quá cũ. Nhưng nhìn cái cách HLV, cầu thủ và lãnh đạo của các đội bóng gồng mình lên như thế, thậm chí cởi áo như muốn ăn thua đủ hay những phát biểu dường như muốn nắn câu chuyện, tất cả lỗi lầm về phía trọng tài là điều gì đó khó chấp nhận. Đó không phải là cách hành xử chuyên nghiệp và tôn trọng luật lệ.

Nhiều người bảo trọng tài là “vua sân cỏ”, vua đồng nghĩa với quyền uy tuyệt đối. Nhưng trong bối cảnh đầy rẫy những góc khuất hay dang dở lúc này của bóng đá Việt, thì trọng tài đôi lúc cũng chỉ là người “thân bất do kỷ”, nghĩa là họ phải làm những chuyện mình chẳng hề muốn. Nói cách khác họ đã nhiều khi là nạn nhân của toan tính nào đó, muốn đá quả bóng trách nhiệm theo hướng khác.

Nói thế không phải để bênh vực hay bảo vệ cho giới cầm còi, bởi chỉ có chính bản thân họ mới tự tạo ra những miễn nhiễm và hàng rào để bảo vệ mình mà thôi. Điều đó phải xây dựng trên năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Họ cần được bảo vệ và phải tự bảo vệ, nếu mình không làm gì sai.

Trọng tài không phải không sai sót, vì đơn giản họ cũng là con người. Nhưng đừng vì cái sai, hay nói cách khác là dựa vào sai sót đó, để đẩy sự việc theo kiểu đánh bùn sang ao, mọi thứ sẽ rất khác, bởi có không ít người muốn trọng tài là bia đỡ đạn như thế.

Tất nhiên, cũng cần nhìn lại, chính cái uy chưa đủ độ nghiêm và minh của nhiều ông vua sân cỏ đã không làm cầu thủ đủ tôn trọng và quan trọng hơn là tâm phục. Chỉ có bản lĩnh thật cứng thì mới mong đương đầu và với những hành vi xấu và đứng vững trước những cám dỗ thường ngày.

Vậy nên, giải pháp mời trọng tài ngoại sang cầm còi vài vòng đấu tới, suy cho cũng cũng chỉ là hớt ngọn và cố gắng tạo ra cảm giác yên tâm cho tất cả, bởi chưa hẳn, trình độ và năng lực của họ là hơn trọng tài trong nước.

Cái được lớn nhất thì chính điều đó sẽ đánh thức tự trọng của vua sân cỏ trong nước, vì lâu nay chính tâm lý e dè và nhiều hình ảnh, điều tiếng không hay về trọng tài, đã làm tất cả có cái nhìn không mấy thiện cảm. “Bụt chùa nhà không thiêng” là chỗ đấy.

Có một dạo cái câu “bóng đá nào, trọng tài nấy” nghe như có lý. Nó có lý trong bối cảnh mà tất cả đã không tạo ra môi trường thật sự chuyên nghiệp của các cơ quan chủ quản. Đồng thời nó cũng phản ánh rất thật câu chuyện học hỏi, trau dồi, lắng nghe và cầu thị của trọng tài.

Trọng tài sai đã đành, thì cầu thủ và lãnh đạo đội bóng đã dùng cái sai khác để sửa, nguy hiểm là chỗ đó. Suy cho cùng mọi thứ ngổn ngang và lâu lâu lại nổi sóng, cũng đã phản ánh quá rõ về chuyện chưa thật sự nghiêm minh và chuyên nghiệp của tất cả các bên liên quan. Đó sẽ là câu chuyện dài kỳ, khó được như ý tức thời, nếu không nhìn ra được vấn đề và có căn chỉnh phù hợp.

Trọng tài “bẻ còi” hay tiếng còi còi đôi lúc “méo” là điều có thật. Nhưng nguy hiểm hơn, nhiều khi họ bị người khác “quay” chiếc còi và tiếng còi của mình.

Trần Tuấn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm