Càng áp lực, Djokovic càng hoàn hảo

18/06/2023 18:32 GMT+7 | Thể thao

Novak Djokovic đã chính thức đi vào lịch sử khi lập kỷ lục về số danh hiệu Grand Slam sau chức vô địch Roland Garros vừa qua. Những áp lực phải chăng là thứ tôi luyện Nole trở thành tay vợt hoàn hảo nhất?

Cách Djokovic duy trì sự ổn định ở tuổi 36 khiến không ít người liên tưởng tới tay golf huyền thoại Jack Nicklaus, người đã trải qua sự nghiệp đầy vinh quang suốt hơn 4 thập kỷ.

Con đường phá vỡ thế song mã Federer-Nadal

Djokovic tất nhiên không còn hoàn hảo như thời trai trẻ. Anh bắt đầu trận chung kết với không ít pha tự đánh bóng hỏng và có lúc để tay vợt trẻ Casper Ruud dẫn trước tới 4-1. Đó là thời khắc bản lĩnh của nhà vua vùng lên và Nole kéo séc đấu đến loạt tie-break, nơi câu nói nổi tiếng của Nicklaus năm 1980 phần nào đó hiện về trong suy nghĩ của tay vợt người Serbia, kiểu như: "Hey, đây là loạt tie-break. Ta là Djokovic và đây là thời khắc để hướng đến chiến thắng".

Có một thống kê đáng chú ý về tay vợt người Serbia: Anh trải qua 6 loạt tie-break ở Roland Garros năm nay. Không phải mọi loạt tie-break Nole đều giành chiến thắng, nhưng anh không mắc bất cứ lỗi tự đánh bóng hỏng nào ở những loạt tie-break ấy, trong khi giành đến 19 điểm winner (ghi điểm trực tiếp).

Sau chiến tích chạm mốc 23 danh hiệu Grand Slam, nhiều người đòi gọi Djokovic là tay vợt vĩ đại nhất mọi thời, một dạng GOAT của làng quần vợt nam. Nhưng sẽ không thể có hình hài của một Nole như vậy nếu không có áp lực từ những tay vợt cùng thế hệ trong nhóm Big Three như Rafael Nadal hay Roger Federer. Federer đã có tổng cộng 12 danh hiệu Grand Slam tính đến cuối năm 2007, tạo ra một lối đánh kết hợp giữa tính nghệ thuật và sức mạnh. Ở trận chung kết US Open năm ấy, tay vợt người Thụy Sĩ đã dạy cho Nole, khi đó vẫn còn là một tay vợt trẻ, bài học bằng chiến thắng chỉ trong vòng ba séc đấu. Tay vợt người Thụy Sĩ khi ấy nói vui: "Cuốn sách tiếp theo của tôi có thể được đặt tựa là 7 điểm thắng séc đấu". Thực chất, Nole lúc ấy vẫn còn lúng túng tìm cách đánh bại Federer, điều mà Nadal lúc đó làm tốt. Tay vợt người Tây Ban Nha khi ấy không ngần ngại mặc những trang phục có thể để lộ phần cơ bắp của mình. Anh chơi với tinh thần của một chiến binh, chiến đấu như thể mỗi điểm số đều là cơ hội cuối cùng của mình. Chẳng hề nhìn thấy bất cứ pha bóng nào Nadal ngừng cố gắng cả. Federer và Nadal khi ấy chơi thứ quần vợt khiến người ta tự hỏi có phải họ đến từ hành tinh khác.

Càng áp lực, Djokovic càng hoàn hảo - Ảnh 1.

Djokovic đã tạo dựng một phong cách thi đấu riêng biệt để vượt mặt Federer lẫn Nadal về số danh hiệu Grand Slam

Tất nhiên, Djokovic lúc ấy chưa có cửa để chen chân vào cuộc đua song mã kia. Những ngày đầu sự nghiệp thi đấu, tay vợt người Serbia đôi khi trở thành đề tài đàm tiếu với vẻ ngoài gây cười trong mắt các đối thủ hay nói những điều hài hước trong phòng họp báo. Kể cả khi tay vợt người Serbia vô địch Australian Open 2008, danh hiệu Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp, anh vẫn bị coi là một kẻ dọn sân khấu cho bộ đôi Federer-Nadal.

Mãi đến năm 2011, tất cả bắt đầu mới nhìn thấy những đổi thay đáng chú ý. Vào thời điểm ấy, Federer đã thu về tổng cộng 16 danh hiệu Grand Slam, còn con số này của Nadal là 9 danh hiệu. Mối kình địch giữa hai tay vợt này là những gì hấp dẫn của quần vợt nam thế giới thời điểm ấy.

Một phong cách thi đấu chỉ Djokovic hiểu

Điều gì đã xảy ra? Djokovic chen chân vào cuộc đua song mã bằng việc chiến thắng cả hai tay vợt để mang về những danh hiệu. Anh đánh bại Federer để giành chức vô địch Australian Open, hạ gục Nadal qua 4 séc đấu để vô địch Wimbledon, rồi đánh bại cả hai tay vợt này trong hành trình chinh phục US Open. Vậy làm thế nào để Nole tạo ra những chiến tích ấy? Không dễ giải thích chút nào. Tay vợt người Serbia tự cải thiện bản thân bằng chế độ dinh dưỡng và thói quen luyện tập mới mẻ, nhưng những giải thích ấy xem chừng chưa thuyết phục. Có một lý giải khác là việc Nole tập thêm những kỹ năng mới như cải thiện khả năng giao bóng, tăng uy lực trong những cú đánh thuận tay. Vẫn chưa thấy ổn. Rất khó để đưa ra một tính từ nào đủ sức lý giải về những kết quả ngoài kỳ vọng Djokovic tạo ra. Tất cả vì thế chỉ cố gắng đưa ra lý giải về anh dưới một khía cạnh nào đó, từ ý chí quyết tâm hạ gục đối thủ, khả năng trả giao bóng ấn tượng đến kỹ năng phòng ngự tuyệt vời. Những yếu tố tạo ra một thứ tổng hòa làm nên sự tuyệt vời của Djokovic. Nói cách khác, tay vợt người Serbia đã phát minh ra một phong cách thi đấu quần vợt mới. Thứ phong cách ấy... chỉ Djokovic hiểu.

Đó chính là bí kíp để anh đánh bại cả Federer lẫn Nadal, những thành viên tạo ra nhóm Big Three thống trị quần vợt nhiều năm qua: "Hai tay vợt này đã xâm chiếm tâm trí tôi suốt 15 năm qua. Họ khiến tôi rất nhiều giờ suy nghĩ và phân tích làm thế nào để có thể giành chiến thắng". Con số nhiều giờ suy nghĩ ấy bắt đầu từ kỳ Roland Garros 2014 đến 2016. Trong khoảng thời gian ấy, Nole giành quyền vào chung kết 8 trong 9 giải Grand Slam. Anh thắng 6, trong đó có ba lần đánh bại Federer. Đến năm 2021, Nole lọt vào chung kết US Open và đứng trước cơ hội giành một năm Grand Slam với đủ 4 chức vô địch. Đáng tiếc, Djokovic thời điểm ấy lại không thể đánh bại sự hứng khởi từ Daniil Medvedev. Dẫu sao, Nole vẫn có thể tự hào là tay vợt duy nhất giành các danh hiệu Grand Slam tối thiểu ba lần.  

Càng áp lực, Djokovic càng hoàn hảo - Ảnh 2.

Cuộc đua GOAT hiện tại

Trở lại với trận chung kết Roland Garros năm nay. Đối thủ của Nole là một Casper Ruud sở hữu cú đánh thuận tay nhanh như điện. Tất nhiên tay vợt 36 tuổi này vẫn được đánh giá cao hơn khi đối đầu Ruud 4 lần và chưa từng thua bất cứ một séc đấu nào. Với nhiều người, đường đến chức vô địch Roland Garros của Djokovic đã rộng mở sau khi anh đánh bại Carlos Alcaraz ở trận bán kết. Khi Ruud gây bất ngờ bằng việc dẫn điểm Nole khá sâu ở séc đầu tiên, anh như kích thích Djokovic phát huy sức mạnh của một siêu nhân quần vợt. Tay vợt người Serbia rõ ràng là tay vợt toàn diện nhất hiện nay, khi anh đủ sức đánh bại bất cứ tay vợt nào theo nhiều kịch bản khác nhau: Từ những cú đánh thuận tay, trái tay, những pha giao bóng, trả giao bóng, bất luận bạn chơi phòng ngự hay tấn công. Mỗi khi phải rơi vào những thời khắc quan trọng, Djokovic càng trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Ngoài thống kê về Roland Garros năm nay đã nói ở trên, tay vợt 36 tuổi này chỉ phải một lần rơi vào loạt tie-break tại kỳ Wimbledon năm ngoái, cụ thể là trận chung kết với Nick Kyrgios. Điều gì xảy ra? Anh xử lý quá đơn giản. 

Cơ hội để Djokovic chiếm lĩnh đỉnh cao quần vợt trở nên lớn hơn khi Federer đã giải nghệ, Nadal dính chấn thương đồng thời lên kế hoạch sẽ gác vợt sau khi chơi một giải đấu nào đó vào năm sau. Sẽ là sai lầm lớn nếu chỉ đánh giá về tài năng của Nole dựa trên những thống kê danh hiệu, bởi anh còn cho thấy một câu chuyện về sức mạnh của việc vượt qua tuổi thơ gian khó để trở thành tay vợt hoàn hảo.

Bộ sưu tập danh hiệu của Djokovic

Grand Slam: 23 danh hiệu, bao gồm Australian Open (10 lần), Roland Garros (3 lần), Wimbledon (7 lần), US Open (3 lần).

ATP Finals: 6 danh hiệu (2008, 2012, 2013, 2014, 2015, 2022)

ATP Masters 1000: 38 danh hiệu.

Tổng số danh hiệu: 94

Số tuần trên ngôi số một: 388

Đức Hùng (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm