Tình báo Mỹ - Hàn "mất điện" trước Triều Tiên

21/12/2011 10:10 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Tờ New York Times vừa tung tin chấn động cho biết, các cơ quan tình báo Mỹ và Hàn Quốc đã hoàn toàn không nắm được bất cứ thông tin gì liên quan tới cái chết của lãnh tụ CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il. Việc này không chỉ làm dấy lên những lo ngại về khả năng tình báo của những nước này, mà còn cho thấy Triều Tiên rất giỏi giữ bí mật, trong thời đại vệ tinh do thám, máy bay không người lái luôn quần đảo trên trời còn dưới đất đủ loại công nghệ nghe lén được triển khai.

>> Chuyên đề sự kiện: Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il qua đời

Tuần trước, khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak rời khỏi đất nước để thực hiện một chuyến thăm chính thức tới Nhật Bản, thời điểm đó nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã qua đời trong khoảng 4 tiếng đồng hồ. Việc này cho thấy cả Seoul hay Tokyo đều không biết tin gì về cái chết của ông.

Hoàn toàn bị bất ngờ

Trong 51 giờ kể từ khi ông Kim qua đời cho tới khi tuyên bố chính thức được đưa ra, giới tình báo Hàn Quốc chẳng phát hiện được điều gì bất thường. Trong thời gian đó, ông Lee vẫn tới Tokyo, gặp gỡ Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda, trở về nhà và dự lễ mừng sinh nhật thứ 70.

Vào lúc 10 giờ sáng ngày 19/12, khi báo chí Triều Tiên loan tin sẽ có “một thông báo đặc biệt vào buổi trưa”, giới chức Hàn Quốc vẫn lắc đầu khi được báo chí hỏi quốc gia láng giềng sẽ tiết lộ điều gì. Lần cuối cùng Bình Nhưỡng có động thái tương tự là vào năm 1994, khi họ thông báo cái chết của cha ông Kim, nhà lãnh đạo Kim Il-sung. Lần đó, Hàn Quốc cũng đã không lường trước được cái chết của nhà lãnh đạo này.

“Ôi Chúa ơi” là từ đầu tiên bật lên trong đầu tôi khi trông thấy người dẫn chương trình của Triều Tiên mặc đồ tang màu đen, vẻ mặt đầy u ám” - một quan chức chịu trách nhiệm giám sát các tuyên bố của Triều Tiên kể lại với NY Times. Theo hãng tin Yonhap, Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đều không biết gì về cái chết của ông Kim cho tới phút tin này được công bố.

Và Hàn Quốc không phải là nước duy nhất bị bất ngờ. “Dường như tất cả đều chỉ biết về cái chết của ông Kim Jong-il sau thông báo chính thức từ Triều Tiên” - Kim Jin-pyo, lãnh đạo Ủy ban Tình báo của Quốc hội Hàn Quốc nói - “Mỹ, Nhật Bản và Nga đều biết sau”.

Ralph Cossa, chủ tịch nhóm tư vấn Diễn đàn Thái Bình Dương CSIS của Mỹ thì đánh giá việc này có nghĩa giới tình báo phương Tây đã thất bại trước Triều Tiên. “Nếu ai đó vỗ ngực tuyên bố họ xử lý tốt vấn đề Triều Tiên thì thực sự nguồn tin của họ chưa tốt lắm đâu” - ông nói.

Thi hài ông Kim Jong-il được đặt trong lồng kính để các quan chức lãnh đạo Triều Tiên tới viếng - Giới tình báo phương Tây đã hoàn toàn bất ngờ trước cái chết đột ngột của ông.

Khó phá bức màn bí mật của Triều Tiên

Ông nói rằng các cơ quan tình báo phương Tây đang áp dụng nhiều kỹ thuật theo dõi, nghe lén hiện đại tại Triều Tiên, như hệ thống ăng ten với độ nhạy cao dựng dọc theo biên giới Hàn Quốc và Triều Tiên để bắt các tín hiệu điện tử hay vệ tinh giáp điệp và các máy bay không người lái. Họ cũng hợp tác rất chặt chẽ với tình báo của đồng minh ở châu Á. Tuy nhiên bất chấp việc có lợi thế, tình báo phương Tây rất ít khi tiếp cận được với tin tức mật ở Triều Tiên, bởi chúng được bảo vệ quá cẩn mật.

Bình Nhưỡng thường giữ các thông tin nhạy cảm trong một nhóm nhỏ các quan chức trung thành, những người thường chẳng hé răng nói với ai lấy nửa lời. “Đây là một xã hội đã lớn mạnh dựa trên khả năng giữ bí mật với bên ngoài” - Christopher R. Hill, cựu trưởng đoàn đàm phán sáu bên của Mỹ về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nhận xét - “Nó rất phức tạp. Để nắm được cấu trúc lãnh đạo, người ta phải quay ngược lại lịch sử Triều Tiên để hiểu biết thêm về các nguyên tắc Khổng giáo”.

Hôm 19/12, chính quyền Obama đã mở cuộc họp khẩn cấp để tham vấn ý kiến đồng minh sau khi biết tin cái chết của ông Kim. Nhưng giới chức Mỹ sau đó phải thừa nhận họ hoàn toàn giống như người ngoài cuộc, chỉ biết đứng nhìn sự kiện diễn ra ở Triều Tiên.

Tuy nhiên giới phân tích đánh giá việc không nắm được tin tức về cái chết của ông Kim chỉ là một khía cạnh tương đối nhỏ. Một cựu quan chức CIA đề nghị giấu tên chỉ ra với NY Times rằng: “Điều tồi tệ nhất là tình báo của chúng ta không thể xuyên sâu vào đội ngũ lãnh đạo hiện nay của Triều Tiên. Chúng ta có người chạy trốn khỏi hàng ngũ ở Triều Tiên, nhưng thông tin họ cung cấp thường rất cũ. Chúng ta cũng có những quan chức tầm trung, nhưng họ thường không biết điều gì đang diễn ra trong vòng tròn quyền lực cao nhất”.

Không chỉ tình báo con người của CIA tỏ ra kém hiệu quả trong việc khai thác tin tức ở Triều Tiên mà các hoạt động thu thập tin tức khác cũng không mang lại kết quả mong muốn. NY Times nói rằng trong khi CIA lâu nay đã nghi ngờ rằng Triều Tiên đang tìm hướng nghiên cứu khác để chế tạo bom hạt nhân, thông qua việc làm giàu uranium, tình báo Mỹ lại chẳng bao giờ tìm thấy các cơ sở này. Thế rồi năm ngoái, một nhà khoa học ở Đại học Stanford đã bất ngờ được đưa đi thăm quan một vòng một nhà máy làm giàu uranium của Triều Tiên, nằm ngay giữa tổ hợp Yongbyon, vốn bị vệ tinh và máy bay không người lái của Mỹ theo dõi thường xuyên, nhưng không hề phát hiện bất kỳ dấu hiệu đáng ngờ nào.

Những hệ quả

Do thiếu thông tin, khả năng phán đoán của các chuyên gia tình báo CIA phụ trách Triều Tiên, về những diễn biến có thể xảy ra ở đây, cũng không thực sự thuyết phục. Một số người phỏng đoán Kim Jong-un còn quá trẻ và chưa được thử thách để tự tin thế chân cha. Số khác lại cho rằng ông Kim Jong-un sẽ đóng vai trò như quan nhiếp chính và quyền lực thực sự do các nhân vật quân sự cấp cao như Jang Songtaek, anh vợ của ông Kim Jong-il, nắm giữ. Việc phỏng đoán ai sẽ nắm quyền là rất quan trọng, vì nó sẽ dự báo được cuộc chuyển giao quyền lực ở Triều Tiên và những hệ quả liên quan.

Thực tế công tác tình báo hoạt động không hiệu quả đã khiến người Hàn Quốc đặc biệt lo ngại. Thủ đô Seoul hiện chỉ cách biên giới Triều Tiên có 50km và quân đội đã thường xuyên nằm trong tình trạng báo động.

“Sự kiện này cho thấy có một lỗ hổng lớn trong khả năng thu thập tin tức tình báo của chúng ta ở Triều Tiên” - Kwon Seon-taek, một nghị sĩ đối lập ở Hàn Quốc nói với các phóng viên. 

Tường Linh (Theo New York Times)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm