Cái cúi đầu xin lỗi của Mạnh Hùng

03/12/2013 06:44 GMT+7 | Gương mặt

(Thethaovanhoa.vn) - “Anh Trí ạ, hồi nãy trên sân em có gì không phải, anh bỏ qua cho em nhé. Em xin lỗi anh vì sự bồng bột tuổi trẻ”, tan trận đấu tập của ĐT U23 Việt Nam với CLB TP.HCM ở sân Thống Nhất, trung vệ Mạnh Hùng tìm đến khu vực các trọng tài để nói lời xin lỗi với ông Võ Minh Trí. Đấy là một hình ảnh rất hiếm gặp ở các cầu thủ trẻ hiện tại, khi vấn đề đạo đức sân cỏ đang bị lên án.

Mạnh Hùng chính là cầu thủ đã phải nhận 2 chiếc thẻ vàng trước đó (đồng nghĩa với một thẻ đỏ) từ trọng tài Võ Minh Trí và thậm chí còn bị vị “vua áo đen” này nhắc nhở kiềm chế lời nói và hành động trên đường rời sân.

Hãy khóc thật nhiều…

“Trong giờ nghỉ giữa 2 hiệp đấu, Mạnh Hùng đã xin lỗi BHL và các đồng đội bởi sự cẩu thả của mình ở trên sân. Nước mắt đã rơi khi Mạnh Hùng ôm mặt khóc.

Trong khi đó, chúng tôi tìm cách phân tích lại hành vi để cho Hùng và các cầu thủ hiểu được, mình cần phải hành động khôn ngoan hơn. Cách Hùng cãi lại trọng tài Võ Minh Trí rồi vùng vằng trước khi rời sân càng làm xấu hình ảnh ĐTQG. Điều đó không được phép lặp lại”, HLV Hoàng Văn Phúc kể lại.

Chiếc thẻ đỏ phải nhận từ tay trọng tài Võ Minh Trí hẳn sẽ giúp Mạnh Hùng trưởng thành hơn. Ảnh: Quang Nhựt

Theo lời ông Phúc, bầu không khí trong phòng thay đồ của ĐT U23 Việt Nam ở sân Thống Nhất hôm ấy đặc quánh bởi chiếc thẻ đỏ của Mạnh Hùng, một trong những trụ cột của ĐT U23 Việt Nam cho chiến dịch đổi màu huy chương tại SEA Games 27 tới đây.

“Tôi nói với Hùng, hãy khóc đi, để sau này không bao giờ phải khóc nữa. Cách giáo dục tốt nhất với người trẻ, không phải là sự chì chiết sau một hành động sai lầm, mà phải giúp họ nhìn ra vấn đề”, ông Phúc nói.

Như Thể thao & Văn hóa từng đề cập, tại trận đấu với CLB TP.HCM, không chỉ có Mạnh Hùng mắc lỗi, với những bài học vỡ lòng không bao giờ được phép quên, mà cả Văn Thắng, Ngọc Đức, Hải Huy… cũng rất cẩu thả trong hành vi và cả hành động trên sân bóng.

Một vài biểu hiện cho thấy, họ thậm chí có chút thiếu tôn trọng đối thủ và cả tổ trọng tài. Rất nhiều các khán giả ở sân Thống Nhất hôm đó đã phản ứng với thái độ thiếu lễ phép của học trò ông Phúc.

… Để không bao giờ phải khóc nữa

Người ta chỉ khóc và tỏ ra hối hận, sau những hành vi, cử chỉ hay lời nói bị cho là sai lầm, ảnh hưởng đến mình và người xung quanh. Trong bóng đá, đó còn là hình ảnh của ĐTQG.

Thi thoảng, cầu thủ cũng khóc khi đội bóng thất bại. Một vài người thậm chí còn khóc ở trên đỉnh vinh quang. Nhưng, như HLV trưởng SLNA, Nguyễn Hữu Thắng, người thầy của Mạnh Hùng, từng nói: “Bóng đá là môn thể thao dành cho những người đàn ông dũng cảm”.

Ông Thắng nói câu này sau khi SLNA của ông bị lên án bởi lối chơi nhuốm màu bạo lực ở Cao Lãnh trong trận đấu với TĐCS.ĐT tại V-League. Đấy là sự chống chế thiếu thuyết phục, bởi bạo lực là biểu hiện của kẻ yếu.

Phần lớn các cầu thủ chuyên nghiệp đều được trang bị chuyên môn tốt, bên cạnh đó, họ cũng cần được ý thức đạo đức nghề nghiệp. “Cái đầu” có vai trò quyết định hành vi, bởi bóng đá đã và không bao giờ là chuyện riêng của cơ bắp.

Trở lại với ĐT U23 Việt Nam vào lúc này, 24 tiếng đồng hồ trước khi thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc đáp chuyến bay đi Myanmar, việc kiểm soát ở mức tương đối tư tưởng của cầu thủ, là vấn đề thật sự.

Cách HLV Hoàng Văn Phúc ứng xử với các học trò mang biểu hiện tình cha con nhiều hơn, thay vì ghép nó vào kỷ luật và sự tôn trọng. Để bóng đá là môn thể thao dành cho những người đàn ông dũng cảm đúng nghĩa và không phải khóc nữa thì cần có cả sự khôn ngoan!

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm