Ca sĩ Đức Tuấn: "Không lẽ vì áo rộng mà phải...béo phì?"

11/04/2012 15:14 GMT+7 | Âm nhạc


Trước khi tưng bừng “gõ trống khua chiêng” ở “Hợp ca tranh tài”, Đức Tuấn từng có một ngày “sống chậm”: ngồi thừ ra, không thiết làm gì.

Đó là ngày Whitney Houston – thần tượng của anh qua đời. Cũng là ngày hiếm hoi anh không nghe Whitney Houston, dù tràn ngập trong anh, lúc đó, là những giai điệu riết róng của “When you believe”.

Phải rồi, nói cho cùng, ra đi hay ở lại, Tây hay ta, để đứng được trong showbiz, trước hết và sau cuối, đều là gì, nếu không phải là câu chuyện của lòng tin?

Với Đức Tuấn, bằng vào những gì anh “ngoan cố” lựa chọn, giữa những xì xầm, thì việc chia động từ “believe” quả làm tốn của anh không ít mồ hôi. Khi mà, như người ta vẫn thường nghi ngại: “Dù là “believe” thì ở giữa vẫn có “lie”…”
 



Triết lý origami

Câu chuyện giữa Tuấn và Đẹp, hóa ra, lại được bắt đầu bằng một chuyện không liên quan gì đến âm nhạc. Đó là lúc Tuấn buồn tay, vớ tạm một chiếc khăn giấy trên bàn và chơi trò xếp hình. Vì đó là Tuấn của origami – thú chơi bao năm làm anh “hao tâm tổn lực” không kém gì âm nhạc.

Hẳn nhiên là ai cũng biết, với giới chơi xếp giấy, Đức Tuấn là một cái tên “sừng sỏ”, không phải vì anh là một ca sĩ đã tạo được dấu ấn riêng mà vì bộ sưu tập sách dạy xếp giấy thuộc hàng “khủng” của anh ở Việt Nam: Chừng hơn 50 cuốn, trong đó có không ít cuốn “độc”, được tìm mua từ nhiều nước trong hơn hai chục năm qua. Từ một trò chơi con trẻ của “con nhà nghèo”, “tiền thì thiếu mà giấy thì thừa”, vào cái thuở mà cả người lớn và trẻ con đều không có nhiều lựa chọn, đam mê đã dần dà khiến Tuấn bị hút vào origami tới mức đủ để thấu hiểu nó không chỉ là một trò giải trí đơn thuần mà là cả một ngành khoa học...

* Khoa học? Anh có nói quá lên không đấy?

- Chính xác là khoa học! Vì ngoài sự khéo léo, óc sáng tạo,… thì origami còn đòi hỏi cả những phép toán, để biến được một thứ mỏng manh, dễ rách như giấy thành những hình khối tinh tế, vững chãi như kim tự tháp. Một cuộc chơi lặng lẽ nhưng không kém phần quyết liệt, khi đó chính xác là hành trình đơn độc mà tràn ngập kiêu hãnh của người đi chinh phục cái khó...

* Điều gì là thú vị hơn cả ở origami?

- Thực ra, origami có rất nhiều trường phái. Có trường phái cậy đến những sự hỗ trợ khác như kéo, bút màu, hồ dán… để không phải chào thua trong những tình huống khó; có trường phái thiên về tự nhiên, tối giản nên nhất quyết “nói không với đạo cụ”. Tôi nghiêng về trường phái thứ hai, thậm chí, một cách cực đoan, để có được những hình khối liên hoàn, không chắp vá. Vì chỉ có thế, người chơi mới có cơ hội được trở lại với… tờ giấy vuông ban đầu. Đó theo tôi có lẽ là điều thú vị nhất ở origami, vì với origami, bạn có thể đi từ một tờ giấy vuông và khi bóc tách đến tận cùng, bạn sẽ lại được trở về với đúng hình hài ban đầu đó, không tách rời, không suy suyển, như chưa từng biến hình và vừa qua một chuyến chơi xa...

Ngoài sách origami, Tuấn còn sở hữu hai bộ sưu tập khác, đó là: hơn chục đôi giày Reebok đủ các màu cho cùng một kiểu dáng, hàng chục lọ pha lê lớn nhỏ… Là những món tưởng chừng như không có gì liên quan đến origami nhưng xem ra vẫn “có họ hàng”. Thích pha lê, vì nó lấp lánh nhưng không màu hay nếu có, thì chỉ là sự phản chiếu. Ưa Reebok, nhưng màu gì thì màu, đều phải cùng là một kiểu dáng đã “ăn vào mắt”.

Triết lý origami, vì vậy, cũng chính là cách Tuấn muốn “tạo hình” bản thân trong âm nhạc: Đi xa là để trở về, nguyên chất, không pha tạp, không chắp vá; có thể biến hóa thiên hình vạn trạng nhưng nhất quyết không đánh mất mình… Phải “ngấm” triết lý ấy thì một người trẻ như Tuấn mới có đủ nghị lực để đi trên “con đường không dành cho những kẻ yếu bóng vía”: Đưa nhạc kịch Broadway lên sân khấu ca nhạc Việt?




Không muốn tuột dép thì sao không… bắc thang?

* Quả thật là tôi hơi bất ngờ khi “gặp” anh ở “Hợp ca tranh tài”, nơi mà tôi nghĩ anh không có nhiều hứng thú để đến. Từ bao giờ bỗng có một Đức Tuấn trở nên “bình dân” hơn như vậy?

- Trái lại, tôi lại vô cùng hứng thú với game show này, như mọi người đã thấy. Bởi nếu không có hứng thú, chắc chắn tôi đã không đổ công đổ sức cho nó nhiều như vậy, nơi mà để “tranh tài”, tôi đã phải đồng thời là đạo diễn, biên đạo múa, thiết kế phục trang… Và khó khăn hơn cả là giúp những người bạn chơi đến từ một nơi không có lấy một trường dạy nhạc như Long Xuyên quê tôi biết cách hát bè và cùng nhau làm nên cái gọi là “hợp ca”.

Một cách nghiêm túc, tôi không hề xem “Hợp ca tranh tài” là một cuộc chơi chỉ để cho vui. Hay đúng hơn, cái làm tôi vui ở “Hợp ca tranh tài” có thể khác nhiều người khác. Ít nhiều, cũng như những gì tôi đã từng làm với nhạc kịch, điều mà tôi muốn nói rốt cuộc chỉ là: Học thuật vẫn có thể song hành cùng giải trí. Rằng, hợp xướng, chẳng hạn, hoàn toàn không “hộp” và khô cứng như người ta nghĩ. Cái riêng của “Hợp ca tranh tài”, so với nhiều game show ca nhạc khác chính là ở đấy, và đó cũng chính là nơi đã giúp tôi được sống đúng với sở trường, sở thích của mình, được có dịp trau dồi tay nghề; cũng là cơ hội hiếm hoi để tôi được nói với rộng rãi mọi người về những gì tôi từng lựa chọn và còn kiên quyết theo đuổi…

* Phải nói là mãi tận đến trước khi được xem “Thiên thai” – live show đầu tiên anh “cõng” nhạc kịch ra Hà Nội và nhất là tiết mục anh làm mới “Con mắt còn lại” của Trịnh Công Sơn bằng nhạc kịch, thú thật là tôi (và chắc không chỉ mình tôi) rất ghét anh. Ghét cái cách anh “sính ngoại”, “chơi nổi”, “học đòi làm sang” bằng một chiếc áo quá rộng (với người Việt ta nói chung) là nhạc kịch Broadway…

- Cái đấy thì không nói, tôi cũng biết. Nữa đây tôi còn nghe nhiều rồi, từ những ánh nhìn gièm pha của đồng nghiệp đến những comment không lấy gì làm dễ chịu của độc giả… Nhưng mà, thì đó, thay vì ngồi phản biện, tôi làm! Cứ làm cái đã, và phải cố mà làm cho tốt! Phải làm cho người ta thấy rồi mới có thể ngồi lại để phân định đúng sai. Khen hay chê, tất cả đều cần cẩn trọng như nhau, khi mà showbiz Việt không thiếu những cái nhìn thiếu thiện chí, mà nói thẳng ra là đố kỵ, ghen ghét. Cái đó, tôi nói thiệt! Tới giờ này, tôi nghĩ mình đủ sáng suốt và bình tĩnh để biết nên làm những gì vừa vặn với mình. Dù khái niệm “vừa” ở đây nó cũng vô cùng lắm! Vì người thì thích mặc áo rộng, người thích mặc áo chật, và vì thế, rộng hay chật, với từng người, có khi lại được xem là “vừa”.

Và “vừa” thì cũng ba bảy “vừa”! Nếu như bằng cách “béo phì” để cho “vừa” với chiếc áo, thì cái sự “vừa” ấy cũng chẳng dễ thở gì! Do đó, nói Broadway là chiếc áo quá rộng với Đức Tuấn, tôi nghĩ là không đúng. Mà đúng hơn, có lẽ nên bảo rằng tôi mơ quá cao. Mơ quá cao thì có thể tôi sẽ không với được tới đỉnh, nhưng chắc chắn là tôi sẽ cao lên!

* Kiễng chân quá coi chừng tuột dép?

- Không muốn tuột dép thì sao không bắc thang? Bắc một cái thang không tới thì bắc cái thứ hai, thứ ba… Thà mướt mồ hôi vì vận động còn hơn là đứng yên để bị béo phì!
 
Khánh Thi đi hát là đúng!

* Hỏi thật, đã bao giờ anh cảm thấy mệt mỏi khi suốt ngày phải mặc một cái áo mà chỉ có thể may bằng… vải ngoại? Hay ít ra, phải mày mò bắt chước đường may?

- Trái lại, chính vì bắt chước không giỏi nên tôi mới phải học hỏi. Với nhạc kịch, bước đầu, rõ ràng là mình cần học hỏi, khi đó không phải là thứ “của nhà trồng được”. Làm được trơn tru rồi thì lúc đó sẽ tính làm theo cách của mình. Với chiếc áo nhạc kịch, có thể học đường may, nhưng không nhất thiết phải bằng vải ngoại. Chẳng phải “Con mắt còn lại” mà bạn vừa nhắc đến ở trên, hay như một số sáng tác nổi tiếng của Phạm Duy từng được tôi xử lý bằng cách của nhạc kịch, chính là được may bằng vải nội đó sao?



* Những trái đắng từng nếm có được xem là khó nuốt?


Trái đắng chỉ làm tôi khó khăn hơn chứ không làm tôi nản lòng. Cứ nhìn vào con đường đi của các nghệ sỹ lớn thì biết, không phải ngẫu nhiên mà họ luôn được trời phú cho phẩm chất kiên định, mà ở ta hay gọi là “lỳ đòn”. Vì vậy, giữa những nghi ngại, cách tôi chọn là: Nếu như khán giả không thích cái tôi này của tôi, thì tôi sẽ đưa ra một cái tôi khác, cũng vẫn là của tôi, thay vì phải vứt bỏ cái tôi của mình. Nghệ thuật rộng lắm, và may thay, cái tôi cũng đa diện lắm, thế nên, nội đi hết một dòng nhạc, đi hết một phần cái tôi của mình thôi cũng đã là mênh mông vô tận lắm rồi…

* Nghĩa là chỉ có thêm chứ không bớt, tựa… “triết lý của giống đực”?

- Trừ khi bị mất! (cười). Nhưng thực ra, tôi thích so sánh này hơn: Một dòng sông đổ ra biển, dù rộng dài đến đâu thì cái làm nên nó cũng vẫn là những con suối. Vậy để làm mới dòng sông thì đó chỉ có thể là những dòng chảy, những làn gió,… chứ không phải là đi từ chối những con suối đã làm nên sức mạnh của dòng sông…

* Tới giờ này, anh thấy làm nghề ở ta, khó nhất là gì?

- Định kiến. Mà đáng nói, bệnh này không chỉ có ở những khán giả bình dân mà còn có, rất đậm đặc là khác, ở những người được cho là có trình độ thưởng thức…

* Được biết, một trong những người từng “can tội” xui Khánh Thi đi hát là anh, và kết quả là Khánh Thi ca sĩ không thể “qua mặt” nổi Khánh Thi dance sport. Lời khuyên ấy có phải vì xã giao không?

- Đấy nhé, vẫn là hai chữ “định kiến”! Tại sao lúc nào chúng ta cũng phải đặt ra các chuẩn mực rằng ca sĩ phải thế này thế kia thì mới đáng được gọi là ca sĩ? Cái đó không đúng! Hát làm sao cho người ta thấy thích là được! Không riêng gì Khánh Thi mà ngay cả một số trường hợp được mọi người coi là thảm họa V-pop, tôi cũng không cho là thế. Ai thì cũng có đối tượng khán giả riêng của họ, miễn sao người ta làm nghề cho đàng hoàng. Dance là dance và miễn sao làm cho đúng chất! Gì chứ riêng Latin dance thì dám chắc trong làng hát không ai qua mặt được Khánh Thi! Vì thế mà tôi mới xui Khánh Thi đi hát và cái đích đến trong tầm tay của cô ấy là trở thành một ca sĩ giải trí…

* Trở lại với trường hợp của anh. Không biết có phải vì định kiến không mà có người đã gọi cách “bày trò” bằng nhạc kịch của anh là “lấy thịt đè người”…

- “Lấy thịt đè người” là đương nhiên vì đôi khi nó cần phải thế! Có những cái cần đặc tả, nhưng cũng có những cái lại cần đến đại cảnh. Chẳng phải điều người ta nhớ nhất khi xem những bộ phim dã sử của Trung Quốc là những đại cảnh được dàn dựng công phu và hoành tráng sao? Nhỏ có cái đẹp của nhỏ, to có cái đẹp của to, không có sai hay đúng ở đây! Và bày trò cũng ba bảy bày trò! Cái bày trò của người chuyên nghiệp, hiểu nghề nó khác với cách bày trò của người nghiệp dư, hay làm nghề chụp giật. Bày trò một cách chuyên nghiệp, đàng hoàng nó khác với bày trò một cách xuê xoa, thừa giấy vẽ voi… Hãy thử hỏi vì sao Lady Gaga luôn gây chú ý? Đâu phải bởi phong cách thời trang quái dị mà chính là vì âm nhạc mang đậm cá tính của cô ấy. Những sự chú ý khác ngoài âm nhạc chẳng qua cũng chỉ vì phải là cô ấy làm thì người ta mới để ý chứ không là nguyên nhân biến cô ấy thành tâm điểm...

* Anh nghe cả Lady Gaga nữa sao?

- Ồ, gì chứ riêng nghe thì tôi đa dạng và hồn nhiên lắm! Từ Lady Gaga đến hiphop, rap… và thậm chí, cả… “Da nâu”. Nghe để biết hay hay dở thế nào, có đúng như người ta nói, và quan trọng, là để nhìn rõ hơn những gì mình đang làm…



* Hát Phạm Duy mà anh không thấy “Da nâu” là quá… ngắn sao?

- Cái hay hay dở của một bài hát không phải ở chỗ nó ngắn hay dài, khi mà lịch sử âm nhạc thế giới từng chứng kiến không ít ca khúc chỉ có từ 2 – 4 câu mà vẫn bất hủ như thường, chẳng hạn như trường hợp của “Happy Birthday”, “Merry Christmas”…vì nó giản dị hồn nhiên, dễ nhớ dễ thuộc…

* Biết vậy mà sao anh toàn chọn hát những bài khó nhớ khó thuộc?

- Cái này ngộ lắm nha chị! Vì nó là sở thích mà, khó giải thích lắm! Ngay từ năm 11, 12 tuổi, “gu” nghe nhạc của tôi đã có vẻ “có vấn đề” rồi, già trước tuổi một cách trầm trọng.

Tôi cũng đi hát đám cưới

* Tới giờ này thì đúng là không còn ai nghi ngờ gì nữa về cái sự “nói được làm được” của anh. Nhưng lại nghi ngờ về cách anh… kiếm đâu ra tiền để có thể hiện thực hóa giấc mơ lớn ấy của mình: chơi nguyên cả một dàn nhạc giao hưởng hoành tráng cho live show của mình, mời nguyên cả một êkip người Anh gồm những tên tuổi lừng danh từ nhạc trưởng đến biên đạo múa, chuyên viên thiết kế sân khấu,… hay nội cái màn che sân khấu chuyên dụng “nửa kín nửa hở” cũng đã lên tới gần trăm triệu… Bốn chữ “đại gia chống lưng” không lẽ có thể có trên một con đường sạch sẽ và sang trọng như của anh sao?

- Ô, tiền ở đâu ra ư? Tiền tôi đi hát chứ từ đâu! Thì chị bảo làm nghề ngần ấy năm, ở vào tầm này... Và với một nhu cầu sống không cần đến siêu xe, siêu căn hộ… thì đâu đến nỗi ngốn của tôi mất quá nhiều tiền…

* Câu hỏi “hoành tá tràng” thế kia mà anh nỡ trả lời… nhiêu đó thôi sao?

- Thì tôi còn biết trả lời sao vì đúng là tiền đi hát thiệt mà! Tôi đi hát quá trời luôn! Kể cả đi tỉnh và hát đám cưới.

* Đức Tuấn? Hát đám cưới? Ôi anh tươm tất sang trọng là thế kia mà!

- Ai bảo hát đám cưới là không sang trọng? Không chơi sang, người ta đã không làm đám cưới tới mức đó! Dự nhiều đám cưới, tôi thấy có những cuộc người ta tổ chức hay lắm, và họ dành cho nghệ sỹ một chỗ đứng trang trọng lắm chứ không xô bồ như mọi người nghĩ đâu…

* Và anh lại còn chăm ra album ở mức kỷ lục nữa! Nhưng ở Việt Nam liệu ai có thể giàu được bằng cách ra album cơ chứ?

Ai thì tôi không biết nhưng tôi ra album không có lỗ nha, chỉ có lãi! Còn nếu như để “tự sướng”, thì đó là những album… không phát hành. Vì khác với làm show, ra album không phải là một việc quá tốn kém để mà không làm được. Nhất là khi mình còn thích làm nữa, mình có quá nhiều ý tưởng phải vẽ ra bằng được. Không làm được khó chịu lắm! Chẳng hạn, ngay như lúc này đây, khi mà vừa ra liền lúc hai album (“Kỷ niệm”, gồm “món đặc sản nằm lòng” là những nhạc phẩm nổi tiếng của Phạm Duy và “By request” (Theo yêu cầu), phát hành ngày 2/4 vừa qua), thì trong đầu tôi cũng đã kịp có ít nhất mười cái gạch đầu dòng khác cho những album sắp tới. Nói sao nhỉ? Đã gọi là yêu thì không bao giờ là đủ hết!

* Anh phải biết là khi bình về chuyện Thanh Lam ra album sòn sòn dưới “thời” Lê Minh Sơn, nhạc sĩ Quốc Trung từng nói: Đến những diva tầm cỡ thế giới, người ta cũng không dám “đẻ dày” như vậy…

- Chuyện này, tôi thấy nói sao cũng có đúng có sai hết! Là thừa mứa, bội thực, nếu chất không đi cùng với lượng. Nhưng nếu như một khi đảm bảo được chất, thì lượng lại chẳng thành vấn đề! Elton John chẳng hạn, có khi tận ba, bốn năm mới ra một album, nhưng cũng có những năm, ông ra liền lúc hai album,… đâu có sao đâu! Quan trọng là đừng làm ẩu!

Nghi ngờ cũng là một động lực

* Thử viết một “bản tự kiểm điểm” nhé! Xem nào, tính xấu nhất của anh là gì?

- Thẳng tính!

* Tính tốt nhất?

- Thẳng tính!

* ???

- Vì đúng là thẳng tính thì làm mọi người khó chịu thật, và nó cũng làm tôi mất nhiều lắm, tôi biết chứ! Cái đó là tôi nói thiệt! Nhưng như thế, mọi người lại không phải đề phòng với tôi! Cuộc sống còn gì dễ chịu hơn khi sống mà không bị đồng loại đề phòng?

* Sự hiếu thắng mà không đáng đề phòng sao?

- Không thể nói bấy nhiêu nỗ lực trong suốt hơn mười năm qua là đến từ sự hiếu thắng vì trong chặng đua của mình, tôi không hề định lấy ai làm cột mốc để vượt qua. Thắng được chính mình thôi cũng đã là mệt mỏi lắm rồi và đó theo tôi mới là chiến thắng đáng nể và đáng chinh phục nhất!

* Anh không có thần tượng sao?

- Sao không? Nhưng có điên mới nghĩ đến chuyện vượt mặt thần tượng!

* Vậy thần tượng của anh là ai?

- Hồi còn nhỏ thì đó là ABBA, mê cách họ hát bè… Nhưng lớn lên thì lại “chết” Whitney Houston, mê cái giọng đến là giàu kịch tính với những quãng cao và rộng chết người. Phải nói, động lực lớn để tôi muốn dấn thân vào con đường ca hát chuyên nghiệp chính là Whitney Houston.

* Vậy hôm nghe tin Whitney Houston ra đi, anh làm gì?

- Tôi chẳng làm gì cả, thậm chí là nghe lại những ca khúc bất hủ của bà. Chỉ đơn giản là tôi không tin vào cái điều mà tôi biết rõ là nó đúng!

* Anh có nghĩ đó cũng là cảm giác của mọi người về lựa chọn của anh: Không tin vào cái điều mà ai cũng biết rõ là nó đúng!

- Có hề gì! Chẳng phải nghi ngờ đôi khi cũng là một động lực sao?

Theo Đẹp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm