Cà phê bóng đá: Bóng đá nữ, môn thể thao bị ghẻ lạnh!

22/09/2012 14:56 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH Cuối tuần) - Tuần này Sài Gòn gần như ngày nào cũng mưa. Ấy vậy nhưng hai ông, chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú và nhạc sĩ Dương Thụ vẫn “hẹn hò” nhau ra sân Thống Nhất theo dõi giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á và bàn luận sôi nổi không kém gì khi họ theo dõi các trận đấu của các chàng trai. Và trong chầu Cà phê bóng đá tuần này, nhạc sĩ Dương Thụ quyết định tra vấn ông Trưởng ban bóng đá nữ LĐBĐVN kiêm Trưởng đoàn bóng đá nữ Việt Nam tại giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á năm nay.

Dương Thụ: Anh Tú này, mình thấy  thương cho bóng đá nữ. Giải vô địch Đông Nam Á tổ chức tại sân nhà mà khán giả đến sân nhìn thấy… ớn lạnh quá. Mấy hôm nay lên mạng để theo dõi các nhà báo bình luận, các trang mạng thể thao kể cả cái gọi là tin nhanh cũng rất thờ ơ, báo viết cũng thế. Đội tuyển nữ của mình đá đâu có tệ, luôn trong tốp đầu và thành tích thì khá hơn đội tuyển nam. Sao vậy ông?

Phan Anh Tú: Có nhiều lý do để giải vô địch bóng đã nữ khu vực “buồn” như thế trước tiên là vì cái tầm của AFF. Tuy là thuộc hệ thống FIFA, nhưng thực ra FIFA chỉ công nhận có AFC. Đây chẳng qua là “vùng trũng” chúng ta tự tổ chức lấy để thúc đẩy phong trào bóng đá trong khu vực nên cái tầm cũng hơi bị “hoa hậu phường” một tí.  Yếu thế nên điều kiện tài chính để quảng bá thiếu hụt, không có tiền để PR, rầm rộ sao được. Đấy cũng là lý do vì sao giải rất “kén” nước đăng cai. Ta nhận về vì dù sao ta cũng có phong trào mạnh hơn nhiều nước. Anh thấy như Singapore, Indonesia hay Malaysia thường thua với tỷ số quá một ván tenis,  tổ chức giải ai xem. Ở ta giải tổ chức trong bối cảnh bóng đá VN đang gặp nhiều khó khăn và kinh tế đang gặp khủng hoảng nên xin tài trợ cũng rất khó. Được như thế này cũng là tốt lắm rồi.


Khán giả lèo tèo trên sân Thống Nhất xem giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á 2012

Còn lý do khác lại nằm trong chính bản thân bóng đá nữ. Con gái mà mặc quần đùi áo số, lại chạy hùng hục khắp sân nên không hấp dẫn khán giả cho lắm. Bóng chuyền, tenis “mát mắt’ hơn nhiều: toàn là các cô “chân dài”, xinh đẹp, lại thi đấu trong nhà nên trắng trẻo, trang phục lại “thiếu vải”, người xem được “cận cảnh” hơn.

Dương Thụ: Quay lại chuyện đội tuyển của ta trong giải này, theo anh đâu là mặt mạnh, mặt yếu?

Phan Anh Tú: Cầu thủ nữ của ta có tố chất kỹ thuật, các cháu khá khéo léo, nhưng kém về sức mạnh.

Dương Thụ: Gặp đối thủ yếu như Singapore thì phô diễn một lối đá bài bản đẹp mắt. Đá một chạm, chuyền bóng ngắn, miếng tấn công phong phú. Khả năng kiểm soát trận đấu tốt. Tôi thấy đá có vẻ tiki-taka lắm.

Phan Anh Tú: Nhưng gặp Myanmar hay Thái Lan thì có vấn đề ngay. Nhất là Myanmar. Cầu thủ họ rất khỏe, nếu họ tìm cách đá rát, phá lối chơi của mình, có thể họ “đè” mình đấy. Đội tuyển nữ của ta đá rất có nhịp điệu, nhưng thiếu sức mạnh nên nhiều lúc không phát huy được các tố chất của mình. Như khâu dứt điểm chẳng hạn, chậm một nhịp hay không quyết liệt là hỏng ăn. Ta có rất nhiều cơ hội ngon ăn bị bỏ lỡ. Còn họ chỉ có một cơ hội nhưng thành bàn. Một trận đấu rốt cuộc vẫn là tỷ số. Đá hay, đá trên chân, hãm thành liên tục, nhưng thua 1-0 là hỏng rồi. Trận với Philippines vừa rồi, ta hoàn toàn ép sân nhưng chỉ có bốn bàn thắng, ngược lại Philippines chỉ lên bóng đúng hai lần thành bàn luôn. Tỷ lệ giữa cơ hội và bàn thắng như thế là không hợp lý.

Dương Thụ:Dứt điểm yếu như thế chẳng lẽ hoàn toàn chỉ là do thiếu sức mạnh?

Phan Anh Tú: Đúng là dứt điểm yếu còn có một lý do khác là đội tuyển hiện nay không có ngôi sao. Hòa, Nguyệt, Muôn chưa thể như Ngọc Châm, Kim Chi hay Lưu Ngọc Mai. Cả về kỹ tuật lẫn sức mạnh và độ rướn các cháu  đều không thể bì với đàn chị.

Dương Thụ:Trở lại chuyện sức mạnh, biết vậy sao các anh không tập trung vào việc rèn thể lực cho cầu thủ. Thế không có chuyên gia thể lực riêng hả anh?

Con gái mà mặc quần đùi áo số, lại chạy hùng hục khắp sân nên không hấp dẫn khán giả cho lắm. Bóng chuyền, tenis “mát mắt’ hơn nhiều: toàn là các cô “chân dài”, xinh đẹp, lại thi đấu trong nhà nên trắng trẻo, trang phục lại “thiếu vải”, người xem được “cận cảnh” hơn

Phan Anh Tú: Thưa anh là chưa có. Bởi vì ta làm việc chưa khoa học, chưa có định hướng rõ ràng, qui trình không hợp lý. Như ở Nhật bóng đá phát triển như bây giờ vì họ biết làm cái gì trước, cái gì sau. Đầu tiên là chuyện kỹ năng, họ mời thầy Braxin. Có kỹ năng tốt rồi họ tập trung đến sự phối hợp, chiến thuật và lối chơi. Bước cuối cùng họ tập trung vào rèn sức mạnh. Trình tự ấy được tuân thủ nghiêm túc. Ta đâu có rõ ràng như thế.

Dương Thụ: Nói chuyện bóng đá nữ, tôi có cảm giác dù Nhật vô địch thế giới, nhưng có một cái gì đó chưa được vững chắc như bóng đá Mỹ hay như các nước Châu Âu. Anh nghĩ sao?

Phan Anh Tú: Đúng vậy, nguyên nhân ở vấn đề thế hệ và phong trào. Ở châu Á phải sau một thời gian mới xuất hiện thế hệ vàng, vì đào tạo theo kiểu gà nòi công phu lắm. Lớp này luống tuổi, là thành tích đi xuống theo. Đội tuyển Trung Quốc mấy năm trước vô địch thế giới nay mất tiêu vì các ngôi sao của họ đã già mà chưa kịp có người thay thế. Nhật Bản chắc hai ba năm nữa cũng thế thôi, thế hệ này của họ đã lớn tuổi rồi. Chỉ có Hàn Quốc còn trẻ thì may ra. Mỹ và các nước châu Âu vấn đề thế hệ không quá lớn như châu Á bởi vì họ có phong trào bóng đá trường học. Ở tuổi học sinh, phong trào này không phân biệt nam nữ, đá chung với nhau nên lực lượng rất dồi dào, kiếm người thay thế không khó. Các nước châu Á không có phong trào như thế nên phải chờ đào tạo. có được một thế hệ vàng là lâu lắm.

Dương Thụ: Lại nghĩ đến Việt Nam, chuyện thế hệ và phong trào. Đội tuyển nữ hôm nay chưa cho thấy trình độ như thế hệ đàn chị. Chưa thấy bóng dáng của thủ lĩnh, của ngôi sao, chưa có ai chạy cánh như Văn Thị Thanh, trung phong như Ngọc Châm, tiền vệ tổ chức như Kim Chi, tiền vệ phòng ngự như Mai Lan, trung vệ như Đào Thị Miện.

Phan Anh Tú: Đầu vào kém. Quá ít tuyển thủ để mà lựa chọn. Để đạt được sự tnh tế về kỹ thuật thì lâu lắm Có được thế hệ vàng phải hàng.

Dương Thụ: Anh nghĩ thế nào về đội tuyển nữ bây giờ. Liệu họ có thể vô địch Đông Nam Á kỳ này?

Phan Anh Tú: Vẫn nằm trong tốp có khả năng tranh huy chương. Còn liệu có vô địch không thì với tư cách là trưởng đoàn tôi vẫn nói với các em phải quyết tâm đá để vô địch. Việc thắng Myanma ở vòng bảng để dẫn đầu bảng A như vậy là 90% lọt vào trận chung kết rồi. chỉ còn cửa ải cuối cùng là Thái Lan. Theo tôi Thái Lan không đáng sợ bằng Myanma. Nhưng nếu không vô địch thì các bạn đừng buồn vì bóng đá mà, cũng hên sui lắm. Vả lại đội tuyển ta bây giờ chưa bằng đàn chị, cò thiếu kinh nghiệm lắm. Phải vài năm nữa.

Dương Thụ: Tôi cũng nghĩ như anh, nhưng riêng tôi, đã xem trực tiếp các trận đấu của đội tuyển, tôi thấy ngoài các cựu binh như Kiều Trinh, Kim Hồng, Lê Thị Thương, Minh Nguyệt vẫn còn đá tốt còn có một nhân vật mới tinh để chúng ta hy vọng đó là số 3 Chương Thị kiều, thể hình và thể lực rất tốt, đá điềm đạm bình tĩnh, thông minh “đá đâu trúng đó” đã có cú móc bóng “thần sầu” vào lưới Myanma dù cháu chỉ là một cầu thủ phòng ngự. Có lẽ đó một hình mẫu mới cho các cầu thủ nữ trong tương lai.

Phan Anh Tú: Đúng vậy. Tôi cũng rất thích số 3. Và hình như khán giả ai cũng thích sổ 3. Trong lúc khó khăn như thế này chúng ta cũng có quyền hy vọng chứ !

Cà phê bóng đá

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm