Ca khúc 'Summertime Sadness': Mùa Hạ sầu muộn của Lana Del Rey

18/09/2022 19:00 GMT+7 | Giải trí

Giữa âm thanh dance-pop tột cùng hạnh phúc đang thịnh hành ở thập niên 2010, Lana Del Rey xuất hiện - như bà mụ thứ 13 lúc tiệc tàn-mơ màng phiêu lãng giống như chất giọng sương khói của mình.

Album 'Blue Banisters' của Lana Del Rey: Cuốn tự truyện đầy triết học bằng âm nhạc

Album 'Blue Banisters' của Lana Del Rey: Cuốn tự truyện đầy triết học bằng âm nhạc

Tuần qua, Top 10 BXH Billboard 200 không có nhiều thay đổi. Chỉ có 2 album mới toanh trình làng là No.8 "Blue Banisters" của Lana Del Rey và No.10 "The Lockdown Sessions" của Elton John.

Không tìm kiếm những âm thanh tương lai giống các nữ đồng nghiệp khác, Del Rey đi ngược về văn hóa đại chúng Mỹ thập niên 1950, 1960 với những chủ đề gợi cảm xa vời của Lolita và Thời hoàng kim của Hollywood, biến cả mùa Hè rực nắng cũng trở nên u uất như trong Summertime Sadness (Mùa Hạ sầu muộn).

Khủng hoảng triết học

Sao chiếu mệnh dường như đã quyết định cuộc đời của cô bé Elizabeth Woolridge Grant - mà giờ mọi người quen gọi là Lana Del Rey - sẽ phảng phất màu lãng mạn bi thương. Sinh ra trong một gia đình êm ấm nhưng ngay từ khi còn rất nhỏ, mối bận tâm của Del Rey đã là cái chết.

“Tôi chìm trong nỗi lo lắng về thực tế rằng bố mẹ và tất cả những người tôi biết rồi ngày nào đó sẽ chết, và cả tôi cũng vậy. Đó là một kiểu khủng hoảng triết học. Tôi không thể chịu được rằng chúng ta phải chết. Suy nghĩ đó trùm bóng lên những trải nghiệm của tôi. Nhiều khi tôi không thấy vui. Tôi vướng vào nhiều rắc rối. Tôi thường uống rất nhiều. Đó là quãng thời gian khó khăn trong đời tôi” - Del Rey nhớ lại về thời niên thiếu.

Chú thích ảnh
Lana Del Rey trên bìa đĩa đơn “Summertime Sadness”

Rất may, vị cứu tinh của cô đã xuất hiện dưới hình dạng của một chiếc guitar khi cô khám phá ra “có thể viết hàng triệu ca khúc với sáu hợp âm đó”. Thế là, đồng thời với nghiên cứu về siêu hình học ở Đại học Fordham để “tìm hiểu xem chúng ta đến từ đâu và tại sao”, Del Rey tuôn tràn những suy nghĩ yếm thế vào âm nhạc. Qua đó, cô hi vọng sẽ gặp gỡ thêm mọi người (vì cô vốn ít bạn), yêu và bắt đầu một cộng đồng quanh mình, như cách mọi người làm vào thập niên 1960.

Và đúng là cô đã làm được như vậy. Không cố tỏ ra hợp thời và hấp dẫn, Del Rey xuất hiện đúng như bản thân cô ngày nhỏ với album độc lập đầu tay Lana Del Ray A.K.A. Lizzy Grant vào năm 2010. Khi đăng video tự làm cho ca khúc Video Games, cô trở thành hiện tượng và nhanh chóng có hợp đồng với hãng đĩa đình đám Interscope. Năm 2012, cô tái định hình lại hình ảnh của mình như là “gangster Nancy Sinatra” với màn ra mắt cùng hãng đĩa lớn Born To Die.

Pha trộn giữa trip-hop, baroque pop và chất điện ảnh, Born To Die - với giai điệu buồn bã tráng lệ hơn cả người tiền nhiệm -có tới năm đĩa đơn sẽ định hình giai đoạn đầu của sự nghiệp mainstream của cô: Video Games, Born To Die, Blue Jeans, National AnthemSummertime Sadness. Trong đó, Summertime Sadness nổi bật là một trong những ca khúc tươi sáng của album, nhưng sự thật về nó không thoát khỏi nỗi khủng hoảng hiện sinh thường trực ở Del Rey.

Bi kịch Hollywood

Những chuỗi âm không ngừng nghỉ của Summertime Sadness gợi nhớ tới những bản nhạc mà Angelo Badalamenti sáng tác cho phim của David Lynch. Lana Del Rey viết ca khúc ở Santa Monica.

“Tôi ngồi dưới dây điện thoại và nghe chúng kêu xèo xèo trong không khí ấm áp” - cô nhớ lại - “Tôi muốn lấy điện, hấp thụ nó để mang lại cho tôi sức sống. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc trong thời tiết ấm áp, và bắt đầu viết về cảm giác mùa Hè buồn và rực rỡ thế nào với tôi”.

Trong tưởng tượng, đó là một mùa Hè tươi đẹp mà Del Rey đang ngồi trên bờ biển ngập nắng như thiên đường với người yêu. Cô không ngần ngại thổ lộ rằng: “Cưng ơi, anh là người tuyệt vời nhất”. Vậy ở đây có lý do gì để gắn thêm từ “sầu muộn”? Bởi vì đó là Del Rey - người luôn dự cảm về sự mất mát. Cô xin người yêu hãy hôn mình thật say đắm trước khi đi và rằng “Em biết nếu ra đi/ Em sẽ chết trong hạnh phúc đêm nay”. Một kịch bản điển hình cho album mà Del Rey miêu tả là “Bi kịch Hollywood”.

Chú thích ảnh
Chất bi kịch Hollywood cũng thể hiện rõ trong MV “Summertime Sadness”

Del Rey viết ca khúc cùng với nhạc sĩ kỳ cựu Rich Nowels - người từng đứng sau loạt hit như Heaven Is A Place On Earth cho Belinda Carlisle hay White Flag cho Dido. Nowels nói với Billboard rằng, ông gặp Del Rey vào mùa Hè năm 2011. “Tôi có nghe một số ca khúc của cô ấy trên YouTube” - ông nói - “Và tôi yêu những gì cô ấy đang làm. Khi chúng tôi viết ca khúc, tôi nhận ra cô ấy là nhạc sĩ xuất chúng và là một nghệ sĩ đầy mê hoặc. Cô viết kiểu nhạc mà tôi muốn nghe”.

Bản chất vui buồn lẫn lộn của Summertime Sadness càng được khuếch đại trong MV, quay vào hè năm 2012. MV có sự tham gia của nữ diễn viên Jaime King - người vào vai mối tình đồng giới của Del Rey. Họ đã có một cuộc tình đẹp đắm say nhưng cũng như Romeo và Juliet, đã kết thúc bằng cái chết. MV do chính chồng của King khi đó là Kyle Newman đạo diễn, được đánh giá cao với hình ảnh như qua bộ lọc Instagram phổ biến thời điểm đó.

Từng có nhiều tin đồn quanh Summertime Sadness, rằng đó là về cái chết của một người bạn thân hoặc một người yêu. Tuy nhiên, Del Rey chưa bao giờ xác nhận điều này. MV có lẽ đã được làm theo đúng chất bi kịch Hollywood của Del Rey: Bất chấp nhiều chỉ trích về sến sẩm, nhạt nhẽo, nó đã luôn bắt đầu với hình ảnh ước lệ nhất khi Del Rey mở đầu bằng lời vĩnh biệt “Hãy nhớ là em luôn yêu anh, chào nhé” và kết thúc bằng Del Rey với bóng ma của cô lang thang một mình trên con đường vắng.

Bằng lời vĩnh biệt này, Del Rey cuối cùng lại có được một cộng đồng rộng khắp thế giới. Vào mùa Xuân năm 2013, Summertime Sadness đạt vị trí quán quân ở Ba Lan, Ukraine và Armenia. Ở châu Âu, đĩa đơn lọt Top 10 ở Áo, Bulgary, Đức, Hy Lạp, Luxembourg và Thụy Sĩ.

Thêm một bước ngoặt trớ trêu: Mùa Hè năm 2013, DJ/nhà sản xuất người Pháp Cedric Gervais đã remix Summertime Sadness thành “thánh ca sàn nhảy”lấp lánh, biến sự mỏi mệt của Del Rey thành phong cách pop mà cô trước đó luôn né tránh. Phiên bản của Gervais đã leo lên tới No.6 Billboard Hot 100, đưa Summertime Sadness lên thành đĩa đơn thành công nhất của Del Rey khi đó. Bản remix này còn thắng giải Grammy năm 2014 cho Bản remix hay nhất, thể loại phi cổ điển.

“Sau thành công của ca khúc Molly của tôi, rất nhiều người yêu cầu tôi remix nhạc của những nghệ sĩ lớn” - Gervais nói với Billboard về bản remix - “Với tôi, đó không phải vấn đề về tiền, thế nên, tôi đã từ chối nhiều người. Nhưng rồi Lana Del Rey xuất hiện. Tôi thậm chí không hỏi giá tiền, mà chỉ nói hãy gửi phần giọng ngay cho tôi và tôi đã làm ca khúc chỉ trong một ngày. Tôi không nghĩ tới chuyện nó có thành hit hay không. Tôi đơn giản là yêu và tôn trọng con người nghệ sĩ của cô ấy”.

Del Rey hẳn không thể đồng tình hơn. Sau tất cả những huyền bí thêu dệt trong mờ ảo, Del Rey nói cô đơn giản yêu Summertime Sadness bởi “Tôi đã không chút thỏa hiệp khi viết nó. Tôi đã viết chính xác những gì mình cảm thấy, đặt một giai điệu hoàn hảo cho ca từ của nó”. Liệu có phải là yếm thế khi người ta tìm cảm hứng và lẽ sống trong nỗi đau? Chẳng phải, chính Albert Camus cũng từng nói: “Chỉ có một vấn đề triết học duy nhất đáng bận tâm, đó là tự tử” sao?

Nữ hoàng u sầu

Del Rey kể từ đó đã phát hành nhiều album Top 10 và đạt nhiều đề cử Grammy. Giai điệu hoài niệm của cô cũng đi vào Hollywood như Young And Beautiful cho phim The Great Gatsby (2013), cover Once Upon A Dream cho Maleficent (2014), nhận đề cử Quả cầu Vàng cho ca khúc chủ đề cùng tên của bộ phim tiểu sử Big Eyes (2014), và cover Season Of The Witch cho phim năm 2019 của Guillermo del Toro Scary Stories to Tell In The Dark.

Del Rey cũng tiếp tục ghi những bản hit cho mùa nắng. Sau Summertime Sadness, cô phát hành đĩa đơn High By The Beach cho album Honeymoon (2015), Summer Bummer ft. A$AP Rocky cho Lust For Life (2019), cover Doin’ Time của Sublime cho Norman F***king Rockwell (2019) và cover Summertime của George Gershwin vào năm kế tiếp. Danh hiệu “Nữ hoàng u sầu” cũng chưa bao giờ rời xa Del Rey và cũng giống như với Summertime Sadness, Del Rey không bao giờ cố gắng làm nhạc khác đi chỉ để chiều lòng thị hiếu.

Năm 2021, Summertime Sadness được Rolling Stone xếp thứ #456 trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại.

Thư Vĩ (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm