Ngắm tranh hàng chục triệu đô qua… sách

05/01/2012 10:16 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - NXB Trẻ vừa ấn hành cuốn sách Ngàn năm để lại của nhà văn Trần Tử Văn và nhà báo Vương Quang Vĩnh. Cuốn sách này giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật có giá trị từ vài chục triệu đô la trở lên nằm trong top đắt giá nhất từng được bán tại hai nhà đấu giá danh tiếng Sotheby’s và Christie’s.

Cuốn sách được chia thành hai phần: những bức tranh từng được bán đấu giá hàng chục triệu đô la và chân dung những nhà sưu tập hàng đầu trên thế giới.

Ngàn năm để lại giới thiệu nhiều tác phẩm “chục triệu đô” của các danh họa, như: Piccaso, Van Gogh, Monet, Renoir, Andy Warhol, Jackson Pollock, Willem De Kooning, Gustav Klimt, Paul Rubens, Bacon, Paul Cezane, Mark Rothko… Có tác phẩm lên đến 140 triệu USD như bức tranh N5 của Jackson Pollock, bán đấu giá tháng 10/2010 do tỷ phú David Geffen mua. Ngoài ra còn có tác phẩm của các nhà điêu khắc: Constantin Brancuci, Alberto Giacometti, Jeff Koons, Henri Matisse, Edgar Degas, Damien Hirst, David Smith, Auguste Rodin… và các cổ vật.

Nhà văn Trần Tử Văn (trái) và nhà báo Vương Quang Vĩnh

Ngoài những tác phẩm được bán đấu giá, sách còn giới thiệu những tác phẩm vô giá vì nó không đem ra bán đấu giá nhưng… rất “đắt”. Như bức Nàng Mona Lisa của Leonardo Da Vinci hiện được treo tại bảo tàng Louvre ở Paris. Đây là tác phẩm có phí bảo hiểm kỷ lục thế giới: năm 1962 - 1963 mức bảo hiểm là 100 triệu USD, nếu tính đến năm 2010 trị giá là 720 triệu USD.

Ngàn năm để lại còn cung cấp thêm chân dung những tỷ phú giàu có của thế giới không ngần ngại bỏ ra hàng trăm triệu thậm chí đến cả tỷ đô để sưu tập nghệ thuật. Chẳng hạn như người giàu nhất thế giới năm 2011 Carlos Slim (Mexico) đã xây dựng một bảo tàng tư nhân trị giá  800 triệu USD. Bảo tàng Soumaya - đặt theo tên người vợ quá cố của ông - có đến hàng trăm ngàn tác phẩm giá trị. Tỷ phú người Nga, chủ đội bóng Chelsea cũng là tay sưu tập khét tiếng. Ông bỏ ra vài trăm triệu USD để sưu tập những tác phẩm giá trị của các danh họa. Thậm chí ông đã mua một lâu đài cổ ở St Peterburg để xây dựng một bảo tàng nghệ thuật trị giá 400 triệu USD. Tỷ phú Francois Pinault, doanh nhân người Pháp, người điều hành công ty bán lẻ PPR có đến hơn 2.000 tác phẩm nghệ thuật trị giá 1,4 tỷ USD…

Đa số những tỷ phú sưu tập mỹ thuật không nhằm biến tranh, tượng thành những tài sản của riêng mình. Họ sưu tầm để bảo vệ nhằm không bị hư hỏng hoặc bị đánh cắp để giới thiệu đến đông đảo người thưởng ngoạn. Họ đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc lưu giữ những tuyệt tác của nhân loại và cũng nhờ họ mà thị trường mỹ thuật sôi động hơn, đắt giá hơn...

Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm