Bốc thăm AFF Suzuki Cup 2018: Đối thủ lớn nhất là… chúng ta!

04/05/2018 07:08 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Lá thăm có thể nói là may mắn đưa đội tuyển Việt Nam nằm cùng bảng đấu với Malaysia, Myanmar, Lào và Campuchia – một bảng đấu được xem là dễ thở, nhưng với phần lớn chúng ta, thì cuộc chơi dường như chỉ bắt đầu từ vòng knock-out và không vào chung kết đã bị xem là thất bại với tầm vóc của đương kim á quân U23 châu Á 2018? Chúng ta sẽ chơi với tâm thế nào để giành chiến thắng: Đá cửa trên hay chấp nhận lùi lại kèo dưới, tính toán chiến thuật cho từng trận đấu - đối thủ cụ thể?

Khách mời của Thể thao & Văn hóa tuần này là Minh Phương, Tài Em và Phước Tứ - những người hùng từng đưa bóng đá Việt Nam lần đầu tiên và duy nhất tới thời điểm này lên đỉnh Đông Nam Á cách đây 10 năm. Họ giờ đã là các HLV cầm các đội bóng ở V-League, cũng như đào tạo trẻ.

Chú thích ảnh

* Thể thao & Văn hóa: 10 năm trước, thế hệ vàng 10 của các anh cùng phù thuỷ Henrique Calisto đã làm điều đó như thế nào nhỉ?

- HLV trưởng SHB Đà Nẵng – Nguyễn Minh Phương: Ngay trận đấu đầu tiên gặp Thái Lan, tinh thần của đội rất tốt, rất hưng phấn. Tuy nhiên, họ dường như không quan tâm đến điều đó. Đối thủ biết mình yếu hơn, nên họ đá phủ đầu, mình không kịp chống đỡ và thua 0-2. Để có thể bước tiếp, HLV Calisto họp đội ngay tại hành lang khách sạn sau trận đấu và vạch ra những phương án, quan trọng nhất là cởi được nút thắt Malaysia.

Câu chuyện sau đó thì tất cả đều biết rồi. Đương kim vô địch Singapore ở bán kết, không phải không thể đánh bại. Trận lượt đi, Tuyển Việt Nam chơi tốt, nhưng lại bị chia điểm. Trận lượt về, đối phương đè mình phần lớn thời gian trận đấu, tạo ra nhiều tình huống ăn bàn. Nhưng hôm đó Dương Hồng Sơn quá xuất sắc. Khoảng 10-15 phút cuối, chúng ta có bàn thắng của Quang Hải và bảo toàn được chiến thắng.

Chú thích ảnh

Trận chung kết, Việt Cường bị treo giò, vì thẻ phạt, điều này khiến HLV Calisto có chút băn khoăn. Tôi đã được thầy “Tô” ướm vào vị trí của Việt Cường, nhưng sau đó ông dùng Quang Cường, bởi tôi không có được thể trạng tốt nhất vào thời điểm đó.

Thái Lan với vị thế trên mình, họ nghĩ đá với Việt Nam chắc chắn là thắng. Từ chính sự chủ quan đó, trong khi chúng ta lại có sự chuẩn bị tốt, tinh thần lại đang lên sau 2 trận bán kết, đội bóng giành chiến thắng 2-1, thay vì đáng ra phải là 2-0 hoặc có thể là 3-1. Trở lại Mỹ Đình là một áp lực rất lớn, sự kỳ vọng lên cao. Nhiều anh em có tâm lý không tốt và bị dẫn sớm ngay trong hiệp 1. Còn khoảng 10 phút, HLV Calisto gọi Phương lại dặn dò. Quả đá phạt ấy, thú thực là mình chỉ muốn đá trực tiếp về phía cầu môn, với quỹ đạo đường cong và chờ anh em nhao vào băng cắt. Vinh là người chọn vị trí tốt nhất và cậu ấy có một bàn thắng để đời, giúp Việt Nam đăng quang.

- HLV trưởng Sài Gòn FC – Phan Văn Tài Em: Trong chiến dịch chuẩn bị AFF Suzuki Cup 2008, với chuỗi trên dưới 10 trận giao hữu – đấu tập, đội bóng không hề biết chiến thắng. Sự nghi kỵ là điều dễ xảy ra nhất trong lòng người hâm mộ. HLV Calisto cũng cảm thất rất áp lực và thực sự muốn buông xuôi. Ông họp đội lại và hỏi chúng tôi: Nếu tất cả các cầu thủ ở đây muốn thầy làm tiếp, thì chúng ta sẽ cùng cố gắng và chiến đấu cùng nhau, còn không thì thầy sẽ nghỉ. Chúng tôi đồng lòng, động viên ông cầm cương, bởi giải đấu chính thức đã cận kề rồi.

Henrique Calisto quá am hiểu con người Việt Nam (chứ đừng nói cầu thủ), sau nhiều năm sống và làm việc trong môi trường bóng đá Việt. Ông cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu đối thủ, để có phương án hợp lý nhất.

Chú thích ảnh

Khi Việt Nam thắng Singapore ở bán kết lượt về, thậm chí chúng tôi còn nhận được chính những lời chúc mừng từ phía những người mà vài phút trước đó, vẫn kèn cựa nhau từng mét vuông mặt cỏ. Họ nói với tôi rằng, chúc các bạn may mắn và thắng Thái Lan nhé! Theo tôi được biết, cầu thủ Singapore rất thích đồng nghiệp Việt Nam và dành cho HLV Calisto sự tôn trọng lớn. Họ còn nói, chỉ ngại đụng Việt Nam chứ Thái Lan thì không. Nên nhớ, thời điểm đó Singapore đang là đương kim vô địch và không ít lần họ vượt qua Thái Lan ở chung kết (hoặc bán kết).

- HLV Lê Phước Tứ - PVF: 10 năm trước, sự phân cấp trong làng bóng đá Đông Nam Á cũng không khác bây giờ là mấy. Thực tế, chúng ta chỉ nằm “kèo dưới” khi đối đầu với Thái Lan tại vòng bảng và các trận chung kết thôi, chứ trước các đối thủ còn lại, Việt Nam chơi tấn công phủ đầu và nhanh chóng có các bàn thắng.

Đấy cũng nằm trong tính toán của HLV Henrique Calisto. Một hành-trình-giải-đấu kỳ diệu mà chúng tôi không thể quên. Lứa vô địch 2008 tốt đều, nhưng bóng đá sau này khác biệt lớn lắm, cầu thủ được tập luyện giáo án hiện đại và tầm vóc cũng cao lớn hơn nhờ dinh dưỡng. Họ phải hay hơn trước chứ!

Chú thích ảnh

Lúc này, sau thành công bước đầu với bóng đá trẻ Việt Nam, chúng ta cũng có cơ hội nhưng thẳng ra chưa bằng được Thái Lan. Nên nhớ, ở cấp độ đội tuyển trẻ và các giải đấu trẻ, hoàn toàn khác so với môi trường – cấp độ, sức ép tại các giải đấu dành cho ĐTQG.

Tôi chưa làm việc với HLV Park Hang Seo, nên không có cảm nhận rõ rệt về phương pháp của ông ấy, chỉ một điều mà bất cứ ai cũng có thể nhìn ra được, đấy là đội bóng dưới thời ông Park đá phòng ngự/phản công, chuyển đổi hay, nhưng chơi tấn công như thế nào, vẫn là một dấu hỏi. Chúng ta cần thêm một vài trận đấu đỉnh cao ở cấp độ ĐTQG để kiểm nghiệm, bởi tại Đông Nam Á, Việt Nam không thể chơi phòng ngự/phản công trước mọi đối thủ được.

* Thể thao & Văn hóa: Sau lá thăm đưa Việt Nam nằm cùng bảng đấu với Malaysia, Myanmar, Lào và Campuchia, cảm nhận đầu tiên của các anh là gì? Tại một bảng đấu được xem là dễ thở, nhưng với đội tuyển Việt Nam, thì cuộc chơi dường như chỉ bắt đầu từ vòng knock-out và không vào chung kết đã bị xem là thất bại với tầm vóc của đương kim á quân U23 châu Á 2018?

- Nguyễn Minh Phương: Kể từ sau 2008, bóng đá Việt Nam vẫn không ngừng sản sinh ra các thế hệ cầu thủ tài năng. Chúng ta có cơ hội ngang bằng với các đội trong khu vực. Nhưng, khi tất cả đều kỳ vọng và nó tạo ra một áp lực rất lớn. Đội chơi tốt, tuy nhiên vào knock-out lại văng, bởi không thể vượt qua được áp lực, thì làm sao thắng được đối thủ!

Như tình huống của U23 Việt Nam vậy, áp lực nhẹ đi và mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Vấn đề không phải mình sẽ chơi như thế nào ở vòng bảng, mà phải tính toán để vào bán kết, rồi chung kết. Phải có chiến lược. Việc thắng Lào hay Campuchia lúc này cũng khó khăn rồi. Khu vực Đông Nam Á không có bảng đấu dễ hay khó.

Mỗi HLV có cách nhìn và cách làm khác nhau, mình không đánh giá được. Họ chuẩn bị cho đội bóng theo quá trình hoặc từng trận đấu được. Thực sự tôi rất tin tưởng hào khí U23 Việt Nam sau kỳ tích Thường Châu, tiếp tục phát triển ở cấp độ ĐTQG.

Chú thích ảnh

Chỉ là nếu không làm được, thì mọi thứ trở nên rất tệ. Tôi cho rằng, lúc này chúng ta đang chịu áp lực khủng khiếp, lớn hơn cả các giai đoạn và những giải đấu trước đây. Đó mới là vấn đề thực sự của bóng đá Việt Nam, chứ không phải lối chơi hay chiến thuật.

- Phan Văn Tài Em: Vị thế có được ở VCK U23 châu Á 2018 không cho phép chúng ta nằm “cửa dưới”. Các đối thủ trong khu vực hẳn cũng đã và đang nghiên cứu rất kỹ đội tuyển Việt Nam. Họ đã biết Quang Hải, Văn Đức, Xuân Trường, Công Phượng…, chơi bóng như thế nào.

Vì nằm ở bảng đấu được cho là nhẹ, nên việc tính toán làm sao có thể chọn đối thủ ở bán kết là rất quan trọng cho mục tiêu đi đến trận đấu cuối cùng. Bởi, nếu chúng ta chung bảng với Thái Lan hay Indonesia, liệu có thể chọn được không? Thậm chí, nằm ở bảng nặng ký mình phải căng hết sức giành giật chiếc vé đi tiếp, rồi đến vòng “knock-out” thì văng, như bài học của đội bóng dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng.

Chúng ta thậm chí không cần thắng 4 – 5 bàn, trước các đối thủ yếu, ý tôi là, phải tính toán phối sức và xoay tua cầu thủ hợp lý.

- Lê Phước Tứ: Tôi cho rằng chúng ta không nên nghĩ nhiều quá, bởi muốn vô địch thì phải thắng tất cả các đối thủ mà mình gặp. Theo tôi, ở Đông Nam Á thì Thái Lan và Malaysia là mạnh nhất rồi. Chúng ta phải giải quyết được họ ở những nút thắt quan trọng, đội bóng sẽ lên ngôi.

Chú thích ảnh
Đoàn quân thiện chiến này đã đủ chín cho tham vọng bá chủ Đông Nam Á. Ảnh: Tuấn Phong

Quân tiên phong, cờ đến tay phải phất

* Thể thao & Văn hóa: Thế hệ 2007-2008, các anh cũng là những người đầu tiên dấn thân vào nghiệp huấn luyện ngay sau khi giải nghệ. Trong đó, Minh Phương và Tài Em hẳn là những cánh chim đầu đàn, hiện đang nắm các đội bóng tại sân chơi cao nhất Việt Nam; Phước Tứ lại chuyên tu đào tạo trẻ...

- Nguyễn Minh Phương: Tôi đã từng trải qua nhiều cấp bậc – trình độ huấn luyện, từ hạng Nhất, hạng Nhì, đến chuyên nghiệp..., sau khi treo giày. Ở mỗi cấp độ, đòi hỏi phải cao hơn. Lãnh đạo SHB Đà Nẵng ngay từ đầu không đặt chỉ tiêu, khi chúng tôi đang trẻ hóa lực lượng và tiến tới sự ổn định.

Quan trọng đội bóng thi đấu tốt và nhìn thấy được tương lai. Làm sao để cầu thủ nâng dần chuyên môn, người trẻ cứng cáp lên, rồi mới nghĩ đến chuyện tranh chấp huy chương. Tất nhiên, là một HLV, bạn phải tự đặt tham vọng và áp lực cho mình. Bóng đá là thế, vào sân phải chiến đấu, phải chơi. Nếu các cầu thủ của tôi chơi tốt, họ sẽ có cơ hội trên các ĐTQG.

Mùa này, về lực lượng thì Hà Nội và Thanh Hóa trội hơn so với mặt bằng V-League. Nhưng đừng bỏ qua Than Quảng Ninh và S.Khánh Hòa BVN, họ cũng rất khó chịu. Ngoài ra, SLNA và B. Bình Dương là những đội bóng có tiềm năng.

Tuyển Việt Nam có 3 trận giao hữu trước AFF Cup, Công Vinh từ chức vì lý do cá nhân

Tuyển Việt Nam có 3 trận giao hữu trước AFF Cup, Công Vinh từ chức vì lý do cá nhân

Việt Nam có 3 trận giao hữu trước AFF Cup, Công Vinh từ chức quyền Chủ tịch CLB TP.HCM vì định hướng hoạt động của đội bóng không giống như kế hoạch ban đầu là những tin chính bóng đá Việt ngày 3/5.

- Phan Văn Tài Em: Khi đã xác định bóng đá là cái nghiệp, thì bạn phải có sự chuẩn bị tốt cho từng giai đoạn khác nhau, trước, trong và sau thi đấu. Tôi và Minh Phương may mắn khi chưa nghỉ thi đấu đã được cho đi học các lớp HLV, đồng thời lại được huấn luyện ngay sau khi giải nghệ. Bản thân tôi chưa có nhiều kinh nghiệm cầm một đội bóng ở V-League, nhưng kinh nghiệm không tự nhiên đến, tất cả các HLV giỏi nhất đều bắt đầu từ con số 0 mà! Đây là một công việc đầy áp lực.

Tôi là người biết lắng nghe, ham học hỏi và thích trải nghiệm. Tôi chia sẻ với cầu thủ và hy vọng, họ cũng chia sẻ với mình. Đội bóng phải đồng lòng, đồng thuận thì mới mong đi cùng nhau trên chặng đường dài, tiến đến thành công được.

- Lê Phước Tứ: Công việc của một HLV làm trẻ, thì không tạo ra được những đột biến. Chúng tôi thực hiện giáo án, duy trì tính ổn định, lặp đi lặp lại để rèn và trang bị các kỹ năng chơi bóng cho các em. Hiện tôi đang làm việc cùng với HLV Nguyễn Việt Thắng tại U17 PVF.

Tự mình phải tạo ra được sự thú vị cho công việc, để đam mê cũng đồng nhất với nó. Tôi cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc với những gì đang có.

* Xin cảm ơn các anh về cuộc trao đổi và chúc các anh thành công với nghiệp huấn luyện!

Chú thích ảnh

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm