Làm sao để HLV Hữu Thắng bảo vệ di sản của Miura?

22/03/2016 06:07 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Tinh thần chiến đấu, thể lực, ý thức kỷ luật là những “đặc sản” của ĐT Việt Nam dưới thời Miura. Phải làm sao để ĐT, trong thời kỳ mới của Hữu Thắng, vẫn giữ được những di sản đầy giá trị ấy?

1. Những thay đổi đồng bộ và mạnh mẽ của tân HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng đã bước đầu mang tới thành công. ĐT Việt Nam đã thể hiện những hình ảnh tích cực thông qua 2 trận giao hữu đầu tiên với điếm nhấn là thắng lợi 4-0 trước Than Quảng Ninh. Nhưng để đạt được những thành công ấy, ĐT đã phải trả giá không ít.

Trong cả 2 trận giao hữu, ở phần lớn các buổi tập, bộ ba Tuấn Anh - Xuân Trường - Hoàng Thiên luôn được đá chính. Sự có mặt của họ, nhất là bộ đôi Xuân Trường, Tuấn Anh, đã triệt tiêu rất nhiều cơ hội ra sân của các tiền vệ trung tâm khác.

Hoàng Thịnh chỉ đá chính trận đầu, Duy Mạnh vào sân từ ghế dự bị, Huy Hùng thậm chí không được gọi. Đó đều là những trụ cột dưới thời Miura, đã mang về rất nhiều chiến tích cho bóng đá Việt Nam.

Ở những vị trí khác, tình hình cũng diễn ra tương tự. Triết lý mới của Hữu Thắng chỉ ưu tiên những cầu thủ kỹ thuật, giỏi kiểm soát. Triết lý ấy loại khỏi đội hình một số lượng khá lớn những cầu thủ mạnh mẽ, giàu sức chiến đấu. Minh Châu, Khánh Lâm, Quốc Trung... là những “nạn nhân” của sự thay đổi dưới thời Hữu Thắng.

2. Không còn những cái tên quen thuộc, hàng loạt di sản khác của Miura cũng đối diện với nguy cơ bị bỏ quên.

Khả năng pressing là điểm mạnh nhất mà HLV Miura trang bị cho ĐT Việt Nam. Dưới thời Miura, thể lực bao gồm sức mạnh và sức bền của ĐT được cải thiện rõ rệt. Thể chất ấy là nền tảng để ĐT Việt Nam áp dụng lối chơi pressing hiện đại, là nguyên nhân sâu xa dẫn tới những thành công rực rỡ ở ASIAD Incheon. Dưới thời Miura, ĐT Việt Nam kỷ luật và mạnh mẽ đã từng cầm hòa Iraq, chơi ngang ngửa với CHDCND Triều Tiên.

Triết lý Miura tạo nên một tập thể đầy sức chiến đấu với tinh thần kỷ luật và ý chí quyết thắng luôn ở mức cao nhất. ĐT Việt Nam (và U23 Việt Nam) khi đó luôn nhận được sự tôn trọng từ các đối thủ. Triết lý phòng ngự phản công cho phép chúng ta chơi ngang ngửa và thậm chí có thể tạo nên bất ngờ. Các kết quả trước U23 Uzbekistan, U23 Nhật Bản hay Iraq là bằng chứng.

3. Đương nhiên, mỗi HLV, mỗi triết lý lại có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Chỉ trích Hữu Thắng đã làm mất chất “thép” của ĐT hay ca ngợi “tiki-taka” của ông đều là vội vã.

Không rõ lương Hữu Thắng, HLV Miura từ chối Than Quảng Ninh

Không rõ lương Hữu Thắng, HLV Miura từ chối Than Quảng Ninh

Những thông tin xoay quanh ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam vẫn là tâm điểm bản tin bóng đá Việt sáng nay.


Sự thật là HLV Miura đã giúp ĐT Việt Nam tiến bộ rất nhiều. Điều quan trọng là làm thế nào để bảo lưu những tiến bộ ấy mà vẫn tiếp tục duy trì được lối đá ban bật của hiện tại.

Đó sẽ là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn cho Hữu Thắng bởi lịch sử bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐTQG chưa từng có một lối chơi thống nhất. Chúng ta từng đá bóng dài dưới thời Colin Murphy, thăng hoa cùng Henrique Calisto bằng bóng ngắn, kỳ vọng ở lối chơi Đức của Falko Goetz trước khi chuyển sang phong cách thể lực dưới thời Miura.

Mỗi thời kỳ, ĐT đá theo một kiểu khác nhau. Mỗi HLV mới lên, lối chơi của đội bóng lại đập đi xây lại. Đấy là hệ quả của một nền bóng đá không có tính định hướng, một V-League có quá nhiều bất cập. Hữu Thắng và những người tiền nhiệm chưa từng được làm việc trên một nền tảng triết lý đồng nhất - nơi hệ thống đào tạo trẻ, các CLB, giải VĐQG lẽ ra phải có cùng một lối chơi, một phong cách.

Nhiệm vụ xây dựng phong cách và bảo tồn giá trị của Miura, vì thế, đặt trọn lên vai một mình Hữu Thắng. Nếu HLV người Nghệ An có thể kết hợp tính kỷ luật, sức chiến đấu của Miura với phong cách bóng ngắn, kiểm soát, đó sẽ là một viễn cảnh rất đáng chờ đợi của ĐT Việt Nam.

0 Bộ đôi tiền vệ Tuấn Anh, Xuân Trường chưa phải ngồi ngoài một phút nào trong 2 trận giao hữu với Hà Nội T&T và Than Quảng Ninh của ĐT Việt Nam. Họ cũng là 2 tiền vệ hiếm hoi đá đủ 180 phút dưới thời Hữu Thắng.

1 Đối đầu với Đài Loan (Trung Quốc) ở lượt đi là lần duy nhất tại vòng loại World Cup này, ĐT Việt Nam ghi được nhiều hơn một bàn (thắng 2-1). 2 pha lập công tại Đài Loan được ghi bởi Đinh Tiến Thành và Trần Phi Sơn. Cả 2 cầu thủ này đều đang có mặt trên ĐT và nhiều khả năng sẽ chiếm suất đá chính.

4 Với 4 điểm kém hơn ĐT Iraq trong bối cảnh bảng F vòng loại thứ 2 World Cup 2018 khu vực châu Á vẫn còn 2 lượt trận, ĐT Việt Nam vẫn còn cơ hội giành vé tới vòng loại thứ 3 nếu đánh bại Đài Loan tại Mỹ Đình và Iraq trên sân trung lập ở Iran. Khi đó, chúng ta có thể cạnh tranh với 7 đội nhì bảng khác để giành 4 vé tới vòng loại cuối World Cup khu vực châu Á.


Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm