Bóng đá Đông Nam Á và giấc mơ World Cup

17/11/2023 15:00 GMT+7 | Bóng đá Việt

Đông Nam Á đã không thể "đi đường tắt" tới World Cup, khi kế hoạch đồng đăng cai World Cup 2034 đã tan thành mây khói. Và với những gì đã diễn ra tối qua, thì "đường thẳng" vẫn quá ư gập ghềnh.

1. Thất bại của Thái Lan – kỷ lục gia của AFF Cup với 7 lần vô địch, trong đó có 2 lần gần nhất – trước Trung Quốc tối qua là một minh chứng. Nó cho thấy chính đội bóng hàng đầu của khu vực vẫn còn một khoảng cách lớn với châu lục, chứ đừng nói tới việc vươn ra thế giới.

Trước trận đấu này, nữ trưởng đoàn Thái Lan Madam Pang đã chơi lớn khi công bố mức thưởng rất khủng cho toàn đội. Cụ thể, bà Pang sẵn sàng rút 3 triệu baht (tương đương 2 tỷ đồng) cho 1 trận thắng, 1 triệu baht cho một trận hòa. Ngoài ra còn khoản tiền thưởng 10 triệu bath cho việc vượt qua vòng loại thứ hai. Rõ ràng, tham vọng của những người đứng đầu bóng đá Thái Lan là rất lớn.

Ở Rajamangala, khá nhiều cầu thủ Thái Lan đã khấp khởi chuẩn bị tâm lý nhận thưởng sau khi Sarach Yooyen mở tỷ số ở phút 23 bằng một cú volley trái phá. Nhưng rồi, chính Sarach là người mất bóng dẫn đến bàn gỡ hòa vài phút sau đó. Và rồi, họ thua ngược ở hiệp hai bởi một đòn hồi mã thương, được kết thúc bằng cú đánh đầu như chỗ không người của Wang Shangyuan.

Nên nhớ, bóng đá Trung Quốc cũng chỉ là hạng khá, chứ chưa phải hay nhất ở châu lục. Và ở bảng C này, Thái Lan còn phải đụng một đối thủ cực mạnh khác là Hàn Quốc. Bởi thế, thất bại ngay trận ra quân trên sân nhà này đã đẩy Thái Lan vào thế khó trong cuộc chạy đua tấm vé vào vòng loại thứ ba.

Tiêu điểm: Đông Nam Á và giấc mơ World Cup - Ảnh 1.

Thái Lan đã khởi đầu chiến dịch vòng loại World Cup 2026 bằng trận thua ngược 1-2 trước Trung Quốc ngay tại Rajamangala

2. Vài tháng trước, khi FIFA thông báo rằng VCK World Cup 2034 sẽ trở lại châu Á, một số quốc gia Đông Nam Á đã ấp ủ ý định đồng đăng cai sự kiện này. Nhưng trong số đó, chỉ có Indonesia là có vẻ quyết tâm nhất. Thái Lan, Malaysia không còn mặn mà, trong khi Việt Nam thì có lẽ chưa đủ lực. Rốt cục, liên minh Đông Nam Á rút lui và quay sang ủng hộ Saudi Arabia.

Như vậy, con đường tắt để tới VCK World Cup của các nước Đông Nam Á đã đóng sập, và bây giờ chỉ còn "con đường thẳng" cho họ. Một con đường rất gập ghềnh, kể cả khi VCK tăng lên 48 đội, và châu Á được phân bổ 8 vé rưỡi.

Trong hai lần lọt vào vòng loại thứ ba World Cup khu vực châu Á, Thái Lan đều đứng bét bảng và chưa thắng trận nào. Thế hệ Kiatisuk, Tawan Sripan, Dusit Charlemsan chỉ giành 4 điểm ở vòng loại thứ ba World Cup 2002. Và sau này, khi Kiatisuk làm HLV ĐT Thái Lan, "Voi chiến" cũng chỉ giành 2 điểm tại vòng loại cuối cùng World Cup 2018. Mới đây nhất, Việt Nam đã gây ấn tượng tốt khi đánh bại Trung Quốc 3-1 và cầm hòa Nhật Bản 1-1, nhưng vẫn xếp cuối ở vòng loại thứ ba World Cup 2022.

Ngoài Việt Nam và Thái Lan, chưa có đội tuyển Đông Nam Á nào tiến xa đến vậy. Myanmar, đội tuyển từng nằm trong top đầu châu Á thập niên 60, 70 của thế kỷ trước (2 HCV ASIAD, 1 lần á quân Asian Cup) thì không tham dự vòng loại World Cup suốt giai đoạn 1954-1990. Tối qua, khi "chỉ" thua Nhật Bản 0-5, HLV Michael Feichtenbeiner của Myanmar tỏ ra… hài lòng: "Chúng tôi chỉ tập trung tránh thua 0-10 giống như trận đấu trước đó. Tôi tự hào vì các cầu thủ Myanmar đã cố gắng hết sức khi gặp đội bóng hàng đầu như Nhật Bản". Tất nhiên, lịch sử từng ghi nhận Indonesia là đội tuyển duy nhất của Đông Nam Á từng dự VCK World Cup 1938. Nhưng hồi ấy, đội bóng xứ vạn đảo góp mặt với tư cách Đông Ấn, thuộc địa của Hà Lan.


Tuấn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm