Đạo diễn phim về Bin Laden: Người đàn bà góc cạnh của Hollywood

29/01/2013 13:37 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Người phụ nữ mạnh mẽ ấy đã trải qua nhiều thử thách, từ bộ phim giành giải Oscar nhưng vắng khách The Hurt Locker đến Zero Dark Thirty, dẫn đầu doanh thu phòng vé nhưng khiến một bộ phận dư luận tức giận. Trải qua những thử thách đó, vẫn bình tĩnh và vẫn kiên quyết với những gì mình đã làm, chỉ có thể là Kathryn Bigelow.

Bigelow, 61 tuổi, có vẻ không hợp với vị trí trung tâm trong các cuộc tranh cãi nhưng lại vẫn hay vướng vào tranh cãi. Đó là điều không thể khác bởi con đường điện ảnh khác người mà nữ đạo diễn xuất thân là họa sĩ này đã chọn: đầy góc cạnh không khác gì vẻ bề ngoài của bà.

Từ phim Oscar vắng khách đến phim dẫn đầu doanh thu phòng vé

Đạo diễn Kathryn Bigelow thể hiện hình ảnh một phụ nữ mạnh mẽ và quyền lực trên bìa tạp chí Time số sắp ra vào ngày 4/2.

The Hurt Locker là bộ phim đã cùng Bigelow làm nên lịch sử khi với tác phẩm này, bà trở thành nữ đạo diễn đầu tiên giành giải Oscar Đạo diễn xuất sắc. Bản thân bộ phim cùng giành giải Phim hay nhất. Nhưng những thành công về chuyên môn đã phần nào làm lu mờ thất bại về thương mại của bộ phim: kinh phí 15 triệu USD, chỉ thu về hơn 17 triệu USD. Năm 2010, sau khi đoạt giải Oscar, vẫn chỉ rất ít rạp phim ở Mỹ dám chiếu The Hurt Locker vì hiểu rõ bộ phim rất kén khán giả.

Còn Zero Dark Thirty thì may mắn hơn.

Hiếm phụ nữ nào lại làm được những bộ phim chính trị gây tranh cãi như Zero Dark Thirty, vừa được giới phê bình ca ngợi về mặt nghệ thuật, vừa đạt doanh thu cao tại phòng vé (đứng đầu bảng xếp hạng Bắc Mỹ ngay tuần đầu tiên được chiếu rộng khắp), được 5 đề cử Oscar, nhưng cũng bị chỉ trích gay gắt vì nội dung phim đề cập đến tra tấn. Lần này đến lần khác, Bigelow đã bảo vệ đến cùng bộ phim của mình.

Vào những năm 1970 ở Manhattan (New York), Bigelow là một họa sĩ và nghệ sĩ ý niệm. Các nghệ sĩ lớn Susan Sontag, Brice Marden và Vito Acconci là thầy của Bigelow, còn những tên tuổi như Robert Mapplethorpe, Cindy Sherman và Philip Glass là đồng nghiệp cùng thời.

Đầu những năm 1980, Bigelow chuyển qua làm phim, đầu tiên là những phim hành động cường độ cao với các nhân vật cơ bắp (cái gu thật khác người của một phụ nữ) như Point Break hay Strange Days. Phong cách quan sát và chiêm nghiệm như trong The Hurt Locker mãi về sau mới xuất hiện.

Những anh hùng đầy tì vết

Theo Time, hiện tại Bigelow có lẽ là đạo diễn phim hành động xuất sắc nhất Hollywood, chứ không phải một đạo diễn nam nào đó.

Theo Time, hiện tại Bigelow có lẽ là đạo diễn phim hành động xuất sắc nhất Hollywood, chứ không phải một đạo diễn nam nào đó. Điều này đã được chứng minh với Zero Dark Thirty (cái tên rất hình ảnh, tạm dịch là Thời khắc 0h30), một phim ngoạn mục và nghẹt thở.

Nữ đạo diễn đã quyết định cho khán giả thấy những gì người ta làm, không phải những gì người ta nghĩ hay cảm, và cũng không phải những gì khán giả nên nghĩ hay cảm nhận. Bộ phim để mặc khán giả tự hình dung chi phí nhân lực trong vòng 10 năm tìm diệt trùm khủng bố Bin Laden và al-Qaeda, để khán giả tự phán xét hành động của những chuyên gia săn lùng khủng bố như nhân vật Maia (Jessica Chastain đóng).

Tất cả các phim của Bigelow cho người xem thấy một sắc thái khác của chủ nghĩa anh hùng, hoặc vượt ra ngoài chủ nghĩa anh hùng thuần túy. Các bộ phim không cung cấp cho khán giả một nhân vật chính lúc nào cũng hành động đúng để có thể ủng hộ. Trong Point Break, người tốt không bắt được kẻ xấu. Trong Strange Days, người hùng vô danh thực ra là một kẻ vớ vẩn. Trong The Hurt Locker, vai chính William James - nhân vật mà Bigelow rất quan tâm và đầu tư - luôn phạm sai lầm.

Đơn giản vì “Về cơ bản họ đều là rất con người” - nữ đạo diễn giải thích - “mà con người không đúng hết cũng không sai hết. Bản chất của con người là có thiếu sót và tì vết”. Nhưng giới tính của Bigelow thể hiện tiếng nói của nó khi bà hơi ưu ái một nhân vật nữ chính: “Mặc dù vậy, tôi nghĩ nhân vật của Jessica Chastain (trong Zero Dark Thirty) là một người rất dũng cảm”.

Rời bỏ mỹ thuật tinh hoa, đến với điện ảnh đại chúng

Bigelow sinh năm 1951 ở San Carlos, California. Niềm đam mê nghệ thuật bà có được chính là nhờ người bố, một giám đốc nhà máy sơn. Bà bắt đầu vẽ, bằng sơn của bố, từ năm 6 tuổi.

Tốt nghiệp trung học, Bigelow theo học Học viện Nghệ thuật San Francisco, đó là nơi bà đứng trước những tấm toan, xung quanh là sơn dầu, với chổi lông khổng lồ trong tay và vẽ những bức tranh thật lớn theo trường phái chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng.

Thời sinh viên, Bigelow sống ở New York trong một kho chứa tiền của ngân hàng, đó là khi bà được gửi đến theo học một chương trình đào tạo độc lập về mỹ thuật. Nơi bà sống hiện giờ là khu Manhattan giàu có nhưng hồi đó thì “tôi ở trong kho chứa tiền lạnh băng, nằm trong túi ngủ và thường xuyên nghe tiếng súng từ phía trên dội xuống”.

Phim đầu tay của Bigelow là The Loveless làm từ đầu thập niên 1980. Cả mỹ thuật và điện ảnh, hai ngành bà theo đuổi đều là nghệ thuật. Khi được hỏi sự chuyển tiếp giữa hai môn này với bà đã diễn ra như thế nào, Bigelow nói: “Điểm mấu chốt của cả mỹ thuật và điện ảnh đều là tường thuật. Tôi đã có một cuộc nói chuyện với Andy Warhol (một họa sĩ Mỹ nổi tiếng - TT&VH), và Andy đã nói rằng điện ảnh có tính đại chúng hơn, còn mỹ thuật thuộc về tầng lớp tinh hoa. Khi tôi chọn điện ảnh, tôi đã hướng đến một đối tượng công chúng rộng hơn”.

Mỹ thuật đòi hỏi người xem phải có một nền tảng kiến thức thì mới tiếp nhận được, còn điện ảnh thì không, Bigelow đã nhận ra điều đó sau khi đã theo đuổi cả hai môn nghệ thuật. "Khi tôi đến Bảo tàng nghệ thuật đương đại xem tranh của Malevich và Mondrian, tôi đã có một ý nghĩ: Khán giả của những tác phẩm này là một nhóm người riêng biệt. Khán giả của phim không cần điều đó".

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm