Biến 700 nghìn người thành 'chuột bạch', Facebook có thành tâm xin lỗi?

04/07/2014 13:57 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Gần đây, báo chí liên tục đưa tin về việc Facebook đã bí mật tiến hành nghiên cứu trạng thái tâm lý của gần 700.000 người dùng trong vòng một tuần năm 2012 trong khi người dùng không hề hay biết. 

Cuộc nghiên cứu ngầm này đã được đưa ra ánh sáng và gây lên làn sóng vô cùng phẫn nộ từ dư luận khi thông tin được các tạp chí Slate và một số trang web như Atlantic đăng tải.

Theo đó, với sự phối hợp thực hiện của hai trường đại học Mỹ là đại học Cornell và đại học California tại San Francisco, Facebook đã tiến hành cuộc nghiên cứu bằng cách dùng một thuật toán để đăng tải các nội dung trên bảng tin của người dùng, từ đó nghiên cứu xem những nội dung này ảnh hưởng đến tâm trạng của người dùng như thế nào.

Trái ngược với tâm trạng hoang mang và tức giận của người dùng, giáo sư tâm lý học Katherine Sledge Moore của trường đại học Elmhust nhận định “việc nghiên cứu này là chuyện bình thường, không những không ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân người dùng nào, mà nó còn mang lại những trạng thái tâm lý tích cực thông qua quy chế “lây lan cảm xúc” mà Facebook đã nghiên cứu”.

Giải thích với báo chí về cáo buộc điều tra ngầm, Facebook nhấn mạnh chỉ muốn cải thiện chất lượng dịch vụ và để những nội dung trên bảng tin có ảnh hưởng tích cực với người dùng hơn. Facebook khẳng định, không có thông tin cá nhân của một tài khoản cụ thể nào được sử dụng trong nghiên cứu.

Bà Sheryl Sandberg: "Facebook chỉ cố gắng cải thiện các dịch vụ"

Nhưng ngoài những lời giải thích liên quan đến mục đích của thí nghiệm, phía Facebook vẫn chưa có động tĩnh gì thể hiện sự xin lỗi của mình khi biến 700.000 người thành “chuột thí nghiệm”. Bà Sheryl Sandberg thành viên hội đồng quản trị, giám đốc điều hành và là nhân vật thứ hai của Facebook khẳng định tại buổi họp trong một sự kiện thương mại diễn ra ngày 2/7 tại New Delhi, Ấn Độ: “Facebook không hề cố ý gây bức xúc và lo lắng cho người dùng, chúng tôi tiến hành cuộc thí nghiệm này chỉ nhằm kiểm tra và cải thiện các dịch vụ của công ty. Sự việc chỉ có vậy, dường như tất cả người dùng đều hiểu sai bản chất của nó”.

Trong cuộc phỏng vấn của truyền hình New Delhi, bà Sandberg cũng cho biết thêm, Facebook chỉ xin lỗi khách hàng vì đã không giải thích rõ ràng với người dùng, còn việc thực hiện thí nghiệm này hoàn toàn không phải điều họ cần phải xin lỗi. 

Như vậy, lời xin lỗi có thực sự đáp ứng những gì người dùng đang cần? Không ít người sử dụng mạng xã hội này vẫn cho rằng, Facebook đã thay đổi mục dữ liệu mới của họ nhưng không phải sự thay đổi nào cũng mang đến trạng thái tích cực hơn cho chủ nhân, thậm chí còn khiến họ cảm thấy tiêu cực hơn. Không những thế, hiện tại cộng đồng mạng xã hội Facebook cũng dấy lên mối lo ngại về việc thông tin cá nhân và đời sống riêng tư của họ đang bị theo dõi mọi lúc mọi nơi.

Trước những phản ứng dữ dội của dư luận, văn phòng phụ trách thông tin Anh phối hợp với các cơ quan chức năng bắt tay vào điều tra sâu hơn về thí nghiệm của mạng xã hội Facebook và cam kết sẽ làm sáng tỏ mọi chuyện.

Duy Quỳnh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm