Chuyện nước Mỹ: Có những người Mỹ vô nghĩa trong cuộc bầu cử

03/11/2012 06:30 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH Cuối tuần) - Có hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu người Mỹ hiểu rằng dù họ có đi bỏ phiếu thì lá phiếu của họ cũng chỉ để vứt vào sọt rác, trong khi chỉ một số ít hơn lại đang nắm sự quyết định tới ai là người sẽ là tổng thống Mỹ trong 4 năm tới.

>> Chuyên đề: Bầu cử tổng thống M

Quan trọng là ở bang nào

Ông A.J, xin được viết tắt tên, hiện làm cho World Bank tại trụ sở chính Washington D.C, tự hào là người Ohio, nơi mà từng lá phiếu sẽ được đếm kỹ càng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra chính thức ngày 6/11. Và ông bảo, lá phiếu mà ông cầm sẽ gạch tên ông Romney, chọn Obama, biết đâu đấy sẽ giống như một bàn thắng quyết định đưa vị tổng thống da màu ở lại Nhà Trắng thêm 4 năm nữa.

Nhưng Benjamin Rhode, người New York, cũng đang công tác ở Washington D.C cho Hãng bảo hiểm State Farm, tuyên bố sẽ không đi bỏ phiếu, dù ông không hề mong muốn ông Obama tái đắc cử. “Tôi đi làm, rồi về chơi tennis với ông hàng xóm. Hôm ấy (ngày 6/11) tôi sẽ chẳng tham gia bỏ phiếu vắng mặt làm gì. Dù gì đi chăng nữa rồi ông Obama lại “ăn” đủ số phiếu ở New York của tôi thôi”.

Tổng thống Barack Obama (phải) và đối thủ Mitt Romney tranh luận trên truyền hình

Ohio nằm trong số 9 bang được coi là những nơi sẽ diễn ra những cuộc đua tranh quyết định tới cục diện thắng thua trong cuộc bầu cử 2012 ở Mỹ. Chính trường Mỹ gọi nó là “swing state”, tức là những bang mà sự chênh lệch giữa tỷ lệ ủng hộ của ứng viên này không nhiều hơn là bao so với ứng viên kia, và người thắng cử lần này có thể là của đảng Cộng hòa hay Dân chủ thay đổi theo từng mùa bầu cử.

Có cả thảy chẵn chục bang ở trong tình trạng như Ohio trong cuộc bầu cử này. Liệt kê sau đây không nhằm đến sự hơn thua ở tống số phiếu đại cử tri, có Florida, Virginia, Colorado, Wisconsin, New Hempshire, North Carolina, Nevada, Iowa và Pennsylvania.

Còn New York nằm trong số 41 bang và đặc khu, nơi mà mỗi bang khác nhau đã và đang được coi là lãnh địa hoặc là của Cộng hòa hoặc Dân chủ do đã thắng liên tục trong nhiều kỳ bầu cử gần đây. New York trong 8 cuộc bầu cử tổng thống gần đây đều “dâng” tất cả 29 phiếu đại cử tri cho đảng Dân chủ, dù bất kể ứng viên của đảng này là ai, và người đó có non kém so với ứng viên của đảng Cộng hòa hay không. Có cả thảy 18 bang được coi là sân nhà của đảng Dân chủ. Còn lãnh địa của đảng Cộng hòa nhiều hơn năm bang.

Những người như ông A.J sống ở chục bang “chiến địa bầu cử” vì thế “đang sống một cuộc sống chính trị có ý nghĩa” (như lời của ông tự phân tích). Còn Benjamin Rhode, nói là vô nghĩa thì không đúng, nhưng họ chỉ có giá trị thực sự khi xảy ra một số trường hợp như việc một tỷ lệ lớn cử tri độc lập cùng dồn phiếu cho ứng viên thuộc về đảng xưa nay vốn lép vế ở một bang cụ thể.

Các năm mà người đắc cử tổng thống Mỹ nhận ít phiếu phổ thông hơn là 1824, 1876, 1888 và 2000 (năm ông G.W.Bush thắng ông Al Gore dù nhận ít hơn nửa triệu phiếu phổ thông)

“Tôi không ngây thơ để trông đợi rằng có thêm một vài triệu người xưa nay vẫn tỏ ra trung lập và phi đảng phái ở New York sẽ cùng nhau đi bỏ phiếu cho ông Romney”, Benjamin phân tích một cách đơn giản. 35% số cử tri ủng hộ cho ông Romney ở New York là quá ít so với tỷ lệ khoảng 60% ủng hộ ông Obama.

Nhưng “số người vô nghĩa” ở New York chưa phải đông nhất. Vì bang California, với số dân lên tới 37 triệu người và khoảng 23,7 triệu người đủ tiêu chuẩn đi bỏ phiếu, cũng nằm trong số các bang thuộc sân nhà của ông Obama. Nếu tính theo tỷ lệ gần 40% cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa, con số người của bang có đi bỏ phiếu mà vẫn không “được tính” lên tới chẵn chục triệu người.

Lỗi hệ thống bỏ phiếu?

Cách tính phiếu trong bầu cử tổng thống Mỹ giờ đây không còn xa lạ với nhiều người. Nó không được đếm theo tổng số phiếu bầu trên toàn nước Mỹ, mà được tính riêng lẻ ở từng bang với số phiếu đại cử tri được xác định theo quy mô dân số trong một giai đoạn dài, để rồi người giành đa số phiếu ở bang nào sẽ thâu tóm tất cả số phiếu đại cử tri ở bang đó.

Cách tính này làm tăng vai trò của từng bang, thể hiện theo đúng lịch sử chính trị của một đất nước được dựng lên từ các tiểu bang khác nhau từ con số 13 tiểu bang đầu tiên vào năm 1776 cho tới hai bang cuối cùng vào năm 1959 (Alaska vào tháng Giêng và Hawaii vào tháng Tám). Nhưng nó lại dẫn tới một thực tế là đôi khi kết quả bỏ phiếu tổng thống lại không phản ánh đúng ý nguyện và kết quả của người dân Mỹ nói chung.

Ông Romney trong một cuộc vận động tranh cử

Người Mỹ đang chờ đợi một cuộc bầu cử thứ năm trong lịch sử mà người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng lại không phải là người được đa số dân Mỹ bầu; chiến thắng của ông này chỉ đơn giản là dựa vào việc ông thắng số phiếu đại cử tri với cột mốc tối thiểu là 270 phiếu.

Các cuộc thăm dò dự báo ông Mitt Romney sẽ chiếm được số đông người Mỹ bầu chọn, nhưng ông vẫn thất bại trước tổng thống đương nhiệm, vì ông Obama mới được cho là người sẽ đạt tới (và vượt) qua cái ngưỡng 270 phiếu đại cử tri nhờ chắc thắng ở 18 bang truyền thống của đảng Dân chủ và có khả năng thắng ở năm bang “chiến địa” trong đó có bang tối quan trọng là Ohio.

Rõ ràng là trong giọng nói của ông A.J cũng cho thấy ông hài lòng với cách thức bầu cử của nước Mỹ. Vì nó cho thấy giá trị cũng như cơ may của người Ohio. Phần lớn số tiền gần hai tỷ USD vận động cho cuộc tranh cử lần này được tiêu ở các bang “chiến địa”. Chỉ trong vòng nửa đầu tháng Mười, ông Obama có tới ba chuyến chạy sô vận động từ Ohio tới Virginia rồi lại xuống đến tận Florida ở miền Nam xa xôi. Nghĩa là có một bộ phận không nhỏ người dân Mỹ và các công ty, tờ báo hay đài truyền hình ở các bang này hưởng lợi về nguồn thu tài chính từ độ nóng của chính địa phương mình.

Còn ông Benjamin lại bất mãn với hệ thống bầu cử có lẽ là phức tạp, căng thẳng, tốn kém nhất thế giới này mà “chẳng giống ai” (như ông bảo). New York, California, Texas, New Jersey... chỉ là nơi để cho các ứng viên đến vận động qua loa, với mục đích quyên tiền là chính rồi đem tiền ấy đi rải ở các bang khác.

Một cuộc thăm dò trên website “tranh luận” debate.org cho ra kết quả chỉ có 18% số người hài lòng với cách thức bầu cử hiện nay, trong khi có tới 82% số người cho rằng cách tính cử tri đoàn (hay phiếu đại cử tri) là một sự bất công ở một đất nước được coi là thiên đường của dân chủ.

Lập luận của một cử tri phản đối cho rằng nếu chỉ để trở thành tổng thống, một người nào đó không cần phải được hơn 50% số cử tri bỏ phiếu cho mình mà chỉ cần thắng ở đúng 11 bang nằm trong danh sách có nhiều phiếu đại cử tri nhất như California, Texas, New York, Florida... là đủ.

Nhưng, như đã nói ở trên, hệ thống bầu cử này lại phản ánh đúng lịch sử hình thành một nước Mỹ non trẻ, mà vai trò của mỗi bang đều được thể hiện cùng với tính độc lập được đề cao. Nếu chỉ tính số phiếu phổ thông, thì khi đó các tiểu bang có dân số nhỏ hơn sẽ bị bỏ rơi trong cuộc vận động, đua tranh.

Và điều quan trọng, rằng sự tranh cãi ở đây là về luật bầu cử, chứ không phải sự minh bạch bị đánh cắp bởi những gian lận trong kiểm phiếu, và không có những con số bỏ phiếu không tưởng.

Và điều cuối cùng là nếu ông Obama chỉ thắng theo quy chế cử tri đoàn thì đây mới chỉ là lần thứ năm trong tổng số 57 kỳ bầu cử tổng thống Mỹ mà số phiếu phổ thông tỷ lệ nghịch với số phiếu đại cử tri. Sự tranh cãi này cũng phản ánh chính một điều mà người Mỹ đang “cãi nhau”, là ông Obama dù chẳng phải là vị tổng thống kỳ tài, thì ông Romney cũng chỉ là “sự lựa chọn của liều lĩnh”.

Báo chí nước Mỹ có một truyền thống là đến gần thời điểm bầu cử, họ sẽ công bố quan điểm của tòa soạn, là ủng hộ ứng viên nào. Sự ủng hộ này được thể hiện thông qua một bài phân tích kiểu như “dự đoán thể thao” với những phân tích điểm mạnh, yếu cũng những thành tích và tồn tại của mỗi người. Cho tới thời điểm 10 ngày trước ngày bầu cử, trong số 67 tờ báo có số lượng phát hành khoảng 80 ngàn cho tới hơn 2 triệu tờ mỗi ngày công bố sự ủng hộ, thì 33 tờ (với 8,7 triệu bản mỗi ngày) trong đó có New York Times, Washington Post chọn ông Obama, 27 tờ chọn ông Romney (4,9 triệu bản) trong đó có New York Post. Hai tờ có số phát hành lớn nhất là Wall Street Journal USA Today giữ truyền thống không bày tỏ ý kiến tòa soạn chọn ai. Tuy nhiên, việc làm truyền thống của các tờ báo ở Mỹ này được cho là không ảnh hưởng nhiều tới quan điểm của các cử tri, vì dân trí của Mỹ cao và hàng ngày họ được tiếp cận với nhiều thông tin được cho là trung thực để tự đưa ra quyết định.

Phạm Tấn (P/v TTXVN tại Mỹ)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm