Chiếu dời đô vang vọng đêm bế mạc Festival nhạc mới Á Âu

13/10/2014 11:00 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Tối 12/10, Festival Âm nhạc mới Á – Âu 2014 đã khép lại trong đêm bế mạc diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình quy tụ nhiều nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam tham gia trình diễn những tác phẩm đặc sắc nhất. Nhân dịp này, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam” cho các nhạc sĩ quốc tế tham dự festival.

Diễn ra trong 5 ngày từ 8-12/10 tại Hà Nội và TP Hạ Long (Quảng Ninh), Festival đã giới thiệu với khán giả gần 100 tác phẩm tiêu biểu của các nhạc sĩ đến từ hơn 30 quốc gia châu Á, châu Âu và Việt Nam ở hầu hết các thể loại như Giao hưởng, Thính phòng, Dân gian, Dân tộc, Nhạc kịch, Vũ kịch, Hợp xướng ... Đặc biệt, buổi hoà nhạc dân tộc Việt Nam tại hang Đầu Gỗ đã để lại ấn tượng sâu sắc với các đại biểu và du khách quốc tế.

Trước khi diễn ra lễ bế mạc là phần trình diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cùng các nghệ sĩ:


Nhạc trưởng Honna Tetsuji


Nghệ sĩ violon Bùi Công Duy


Nghệ sĩ violon Stepan Yakovich


Ca sĩ Nhật Thủy


Nghệ sĩ đàn Harp Nana Kinemura

Với 7 tác phẩm, gồm: Nostalgia Passacaglia (Kyrgyzstan); Những ô cửa Chương I (nhạc sĩ Trọng Đài – Việt Nam); A time for prayer (Nhật Bản); Bản Giao hưởng số 9 Cửu Long dậy sóng, chương 3 Đêm trăng Tháp Mười (nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam – Việt Nam); Miền xa thẳm (nhạc sĩ Đức Trịnh – Việt Nam).

Đặc biệt là trích đoạn opera Cô Sao (Đỗ Nhuận) - tác phẩm nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam vừa mới được phục dựng và biểu diễn trong thời gian gần đây và tác phẩm Oratorio Chiếu dời đô (Doãn Nho)


Thanh xướng kịch Chiếu dời đô được nhạc sĩ Doãn Nho viết nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (2010)

Cuộc hành trình dời đô từ Hoa Lư đến Thăng Long của vua Lý Công Uẩn (thế kỷ XI) bằng đường thủy qua nhiều con sông như: sông Hoàng Long, sông Châu Giang, sông Đáy, sông Hồng cùng nhiều địa danh và cuối cùng đã đến được thành Đại La... không chỉ đưa đến những nhân vật có thật trong lịch sử của Việt Nam như vua Lý Công Uẩn, Quốc sư Vạn Hạnh, võ tướng Đào Can Mộc... mà còn có sự xuất hiện của tuyến nhân vật thần thánh trong truyền thuyết dân gian Việt Nam như: Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Thần nữ My Nương (mẹ Lúa), công chúa Tiên Dung.

Ngoài ra, còn có tuyến các nhân vật đại diện cho các nghề truyền thống ven sông Hồng như: nghề nông, rèn, đúc, giấy, dệt... trong Chiếu dời đô đã đem lại một tác phẩm âm nhạc như một bức tranh khá toàn diện về văn hóa, con người Việt Nam để giới thiệu đến bạn bè quốc tế trong sự kiện này.


Kết thúc đêm bế mạc, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam” cho các nhạc sĩ quốc tế tham dự festival.

Lam Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm