Tiếp tục giải mã tranh Mona Lisa - “Nụ cười bí ẩn” đã thuộc về người khác

12/01/2011 14:19 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sử gia nghệ thuật Italia, bà Carla Glori tuyên bố đã giải mã được bí ẩn của “mật mã” Da Vince sau khi xác định được cây cầu làm nền trong bức tranh nổi tiếng Mona Lisa. Và người làm mẫu trong bức tranh nổi tiếng thời Phục hưng này là Bianca Giovanna Sforza chứ không phải Lisa del Giocondo.

Trong nhiều thế kỷ, nụ cười bí ẩn của “nàng” Mona Lisa đã làm bối rối các chuyên gia và họ đã đưa ra nhiều giả thuyết về lịch sử bức họa kiệt tác của Leonardo da Vinci.

Giả thuyết mới

Tháng trước, ông Silvano Vinceti, Chủ tịch Ủy ban Di sản Văn hóa Quốc gia Italia, tuyên bố ông đã phát hiện ra nhiều con số và chữ cái trong mắt Mona Lisa cũng như cây cầu làm nền trong tranh ở phía bên vai trái của “nàng”. Giờ đây, sử gia nghệ thuật Carla Glori cho hay trên nhịp của cây cầu đá có con số 72 được giấu một cách khéo léo. Và đặc biệt, nếu như trước đây, cây cầu trong tranh vẫn được cho là một sự tưởng tượng của Da Vinci, thì bà Glori cho rằng đó chính là cây cầu đá vắt qua sông Trebbia ở Bobbio, một thị trấn nhỏ ở miền Bắc Italia.

Có thể giả thuyết của bà dựa theo những mô tả của nhà văn Mỹ Dan Brown trong cuốn sách best-seller Mật mã Da Vinci. Cuốn sách cho rằng bức tranh Mona Lisa ẩn chứa những thông tin về địa điểm của chiếc chén Thánh, chiếc chén mà Chúa Jesus Christ dùng trong bữa tiệc cuối cùng. Tiểu thuyết Mật mã Da Vinci sau đó được Hollywood đưa lên màn bạc với sự thủ diễn chính của Tom Hanks và quả bom tấn này đã khiến tòa thánh Vatican tức giận vì trong đó nói đến việc Chúa Jesus kết hôn với Mary Magdalene.

Sử gia Glori từng là tác giả cuốn Leonardo bí ẩn: Giải mã và Khám phá. Bà tin rằng người phụ nữ trong tranh là Bianca Giovanna Sforza - con gái của Công tước Ludovico il Moro, nhà quý tộc cai quản Bobbio từ cách đây 500 năm. Theo bà, những chữ cái được phát hiện trong mắt Mona Lisa hồi tháng trước là S và G - 2 chữ cái đầu trong họ và đệm của Bianca.

“Sau một quá trình nghiên cứu, tôi tin người mẫu trong tranh là Bianca Giovanna Sforza và cây cầu làm nền trong tranh là cây cầu bắc qua sông Trebbia ở Bobbio. Cách đây 500 năm, Bobbio là một trung tâm văn hóa với một thư viện nổi tiếng. Rất có thể, giống như nhiều nghệ sĩ khác, Da Vinci đã tới Bobbio vì thư viện này và vài năm sau ông đã vẽ bức tranh theo ký ức của mình, có thể khi đó ông đã sống ở Pháp. Trải qua nhiều thế kỷ, rõ ràng vị trí của miền đất này đã thay đổi nhưng con đường mang hình con rắn mà bạn có thể nhìn thấy trong nền bức tranh Mona Lisa vẫn còn thấy rõ ở Bobbio” - sử gia Glori khẳng định.

Bà còn nói thêm, cấu trúc của cây cầu có nhịp cuốn giống với cây cầu vắt qua sông Trebbia - đã được làm lại sau khi bị lũ cuốn trôi hồi năm 1472 và 2 con số cuối cùng được vẽ mờ trên nhịp cây cầu trong bức tranh ám chỉ đến năm 1472.

Còn tranh cãi

Thung lũng có thị trấn Bobbio từng được nhà văn Mỹ Ernest Hemingway mô tả là thung lũng đẹp nhất thế giới. Còn cây cầu của thị trấn này từng được mệnh danh là “Cầu của quỷ dữ”.

Tương truyền rằng, cây cầu do một ác quỷ xây dựng trong một đêm sau khi thỏa thuận với Thánh Columbanus, người đã hứa trao cho hắn linh hồn của người đầu tiên đi qua cầu. Nhưng cuối cùng vị Thánh này đã để một con chó đi qua cầu đầu tiên.

Tuy nhiên, ông Martin Kemp, một giáo sư đã nghỉ hưu đồng thời là một chuyên gia về Da Vinci lại cho rằng giả thuyết của sử gia Glori không thuyết phục. “Chân dung trong tranh gần như chắc chắn là của nữ quý tộc Italia Lisa del Giocondo, mặc dù ý tưởng đó có thể không mang tính lãng mạn và bí ẩn. Từ trước tới nay đã có nhiều nỗ lực nhằm xác định không gian làm nền trong bức tranh và tôi không thấy có bất cứ điểm tương đồng nào với thị trấn Bobbio. Da Vinci tái tạo nguyên mẫu một khung cảnh dựa theo kiến thức cơ bản của ông về luật viễn cận” - ông Kemp khẳng định.

Còn ông Vinceti thì cho rằng: “Ở đây không hề có mật mã Dan Brown nào cả, mà đó chỉ là những thông điệp bộc lộ suy nghĩ của danh họa”. Nhóm của ông Vinceti còn nghiên cứu về những người có thể làm người mẫu trong bức tranh Mona Lisa, nhưng “chúng tôi tin người trong bức tranh không phải là Bianca Giovanna Sforza vì bà chết khi mới 15 tuổi, trong khi người mẫu trong tranh ít nhất là 22 tuổi”, ông Vinceti nhận định. Nhưng bà Glori lập luận Da Vinci có thể đã vẽ cho gương mặt của Sforza già đi nhằm che giấu danh tính của người phụ nữ này sau khi cha bà thất thế.

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm