Bản quyền truyền hình V-League: Khi con gà biết... đẻ trứng!

04/11/2022 07:49 GMT+7 | Bóng đá Việt

Khi VFF và VPF công bố việc hợp tác chiến lược với FPT, trong có có hợp đồng khai thác thương mại bản quyền truyền hình các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam, thì V-League mới thực sự đạt được ý nghĩa là “con gà đẻ trứng vàng” như người ta kỳ vọng.

VPF hợp tác 5 năm liên tục với FPT

VPF hợp tác 5 năm liên tục với FPT

Ngày 1/11/2022, tại FPT Tower, Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Công ty TNHH Truyền hình FPT (FPT Play), thành viên của FPT Telecom, chính thức ký kết hợp tác chiến lược, hướng tới mục tiêu nâng tầm nền bóng đá Việt Nam tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.

Bản quyền truyền hình bao giờ cũng là nguồn thu chính của các giải đấu chuyên nghiệp. Từ trước đến nay, vì sao giá bản quyền không cao hoặc thậm chí là bán không ai mua thì hẳn cũng có nguyên nhân. Có lẽ điểm mấu chốt nằm ở chổ “con gà bản quyền” … không biết “đẻ trứng”, nghĩa là các sản phẩm cụ thể có thể đong đếm được nên có muốn bán cũng chẳng được.

Cái dễ thấy nhất hiện nay đó là các CLB đã hoạt động truyền thông hiệu quả hơn. Họ không đơn thuần chỉ là một đội bóng đá, mà vận hành theo cách của Công ty. Họ tạo ra doanh thu đa dạng hơn, không chỉ trông đợi vào bán vé hay quảng cáo. Nói cách khác, mỗi CLB hiện giờ đã có những phân khúc khách hàng riêng, có cộng đồng riêng và vì vậy mà nhiều CLB hiện có thể tự sản xuất ra những chương trình truyền thông riêng của mình.

Trước đây, các nhà tổ chức V-League không thể tự sản xuất được các chương trình trực tiếp nên phải nhờ hoặc trả tiền để các đài địa phương đem thiết bị đến để phát sóng. Vấn đề là có phát cũng chưa chắc có người xem. Nên có mùa giải, VPF phải làm một chuyện ngược đời là phát toàn bộ các trận đấu trên YouTube chủ yếu để trả quyền lợi cho nhà tài trợ. Nghĩa là có miễn phí, “cho không” thì cũng chẳng ai xem. “Con gà V-League” không thể tự mình đẻ trứng, nói gì đến vàng hay …chì.

Thế nên, ghi nhận bản hợp đồng lịch sử về bản quyền truyền hình không chỉ là ở số tiền thu về, mà ở sự chuyển biến lớn hơn từ chính các “Con gà CLB”. Chẳng có giải đấu nào tạo ra sức hút nếu những đội bóng thi đấu mà không quan tâm đến khán giả. Không thể có giá trị thương mại nào cho V-League nếu các CLB không biết giữ gìn thương hiệu hay hình ảnh để tăng số lượng CĐV trung thành cho mình.

vpf, fpt, vleague, bản quyền v-league, lịch thi đấu vleague 2022, bxh vleague, lịch thi đấu bóng đá hôm nay, trực tiếp bóng đá vleague, viettel vs bình định
Việc V-League bán được bản quyền truyền hình với giá cao là tín hiệu rất tốt cho nền bóng đá. Ảnh: ĐC

Ngày trước, CĐV HAGL có thể chỉ là ở Gia Lai, nhưng giờ đây họ có thể ở mọi nơi, miễn là được tiếp cận gần gũi với đội bóng mà họ thích. Như vậy, số lượng người xem V-League không còn gói gọn ở dân số tại địa phương, mà có thể là trên cả nước, bao gồm những nơi chưa từng có đội bóng chuyên nghiệp nào. Các đội bóng như HAGL hay Hà Nội FC hiện nay đang có lượng CĐV ngoại tỉnh còn đông hơn nhiều lần so với tại nơi họ đóng quân.

Nói cho cùng, nội lực của nền bóng đá luôn nằm ở các CLB. Họ là nơi đào tạo và phát triển của cầu thủ trẻ, cũng là nơi tạo ra nền móng cho các giá trị thương mại ở các giải đấu mà họ tham gia. Tuy nhiên, V-League vẫn dễ bị tổn thương khi ít được xem trọng trong chiến lược phát triển của bóng đá Việt Nam, nhất là sau khi sức hút từ HLV Park Hang Seo và các đội tuyển quá lớn trong 5 năm trở lại đây.

Số CLB chuyên nghiệp chưa tăng lên, những ứng cử viên vô địch chưa nhiều và sự thống trị của Hà Nội FC vẫn không thay đổi. Trong khi đó, chất lượng trọng tài vẫn còn đó tiếng thở dài bất lực ngay với chính các nhà tổ chức giải…

Con gà đã biết đẻ trứng, đó cũng là chuyện …đương nhiên, nhưng tính ra V-League cũng đã mất 20 năm ròng rã mới có được điều này. Cuộc đổi thay vì vậy không hề dễ dàng

Quang Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm