Sốt xuất huyết: nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh

25/04/2022 09:57 GMT+7 | Bạn cần biết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch, do virus dengue gây ra. Ở Việt Nam, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa.

Phân biệt Covid-19 và sốt xuất huyết

Phân biệt Covid-19 và sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết và COVID-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus. Hai bệnh tuy triệu chứng ban đầu giống nhau nhưng có những điểm đặc trưng riêng về yếu tố dịch tễ, đường lây truyền cũng như bệnh cảnh.

Trong những tuần vừa qua, các tỉnh Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết nặng gia tăng và đã có trường hợp tử vong. Vì vậy, người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu của sốt xuất huyết để phòng tránh và điều trị kịp thời.   

Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp ở TP Hồ Chí Minh      

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tính đến giữa tháng 4, Thành phố ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện.   

Đây là số liệu báo động vì so sánh với năm 2019, năm sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc thì số ca bệnh nặng cũng chỉ là 38 ca. Bên cạnh đó, số ca mắc đang gia tăng và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, 2021. Theo các chuyên gia, số mắc bệnh trong cộng đồng có thể nhiều hơn số ca được ghi nhận.   

Nguy hiểm hơn, tại TP Hồ Chí Minh đã có 2 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết do phát hiện muộn và nhập viện muộn.   

Chú thích ảnh
Các bệnh nhi điều trị tại Khoa Nhi (bệnh viện Thanh Nhàn) đều thuộc các nhóm bệnh mùa hè: sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn, hô hấp. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh - diễn biến này phù hợp với chu kỳ dịch bệnh của sốt xuất huyết, một loại dịch bệnh đặc hữu của Thành phố và các tỉnh khu vực phía Nam.   

PGS.TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật triển khai tập huấn nhắc lại ngay cho các cơ sở y tế công, tư trên địa bàn. Tất cả nhân viên y tế cần được cảnh báo để nhận diện sớm bệnh sốt xuất huyết, tránh bỏ sót gây chậm trễ trong việc điều trị.   

Sở Y tế yêu cầu UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức triển khai ngay các biện pháp dự phòng sốt xuất huyết, trong đó cần tăng cường truyền thông đến tận nhà dân và có biện pháp xử phạt cá nhân, đơn vị không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.         

Đồng thời, khuyến cáo người dân cần hành động ngay để bảo vệ cho chính mình và người thân. Phòng sốt xuất huyết bắt đầu từ những hành động nhỏ nhưng rất hiệu quả ngay từ trong gia đình, như: dành 10-15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh loăng quăng; lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến, cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối; đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh loăng quăng, muỗi… .  

Sốt xuất huyết: nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh   

- Về sốt xuất huyết   

Cho đến nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Bệnh thường gây dịch lớn với nhiều người mắc cùng một lúc khiến công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong, đặc biệt là với trẻ em. Hơn 85% các ca mắc sốt xuất huyết dengue và 90% trường hợp tử vong xảy ra ở các tỉnh phía Nam Việt Nam. Trong đó, 90% các ca tử vong do sốt xuất huyết là dưới 15 tuổi.   

Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 tuýp, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 tuýp virus này đều có khả năng gây bệnh ở Việt Nam và luân phiên gây ra dịch bệnh. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ đặc hiệu đối với từng tuýp riêng lẻ, vì vậy có thể hiểu rằng: một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 tuýp virus khác nhau.   

- Phân loại các mức độ của sốt xuất huyết   

Bệnh sốt xuất huyết được chia làm 3 mức độ (Theo Tổ chức Y tế Thế - WHO năm 2009):    Sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng (Sốc sốt xuất huyết Dengue).   

Chú thích ảnh
Phun hóa chất diệt muỗi khu vực có người mắc sốt xuất huyết. Ảnh: Nguyễn Chinh - TTXVN

- Dấu hiệu nhận diện từng mức độ sốt xuất huyết   

Bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện khá đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.   

Cần lưu ý giai đoạn sốt tương ứng với thể bệnh sốt xuất huyết Dengue thông thường, nếu đã chuyển qua giai đoạn nguy hiểm tức là đã chuyển qua mức độ của thể bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng. Khi đó cần phải cho bệnh nhân nhập viện ngay vì có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh sẽ giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.   

+ Giai đoạn sốt   

Giai đoạn sốt sẽ xuất hiện sau thời gian ủ bệnh, kéo dài từ 4 đến 10 ngày sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt. Đau đầu dữ dội ở vùng trán, nhức hai hố mắt sau nhãn cầu. Có thể có nổi mẩn, phát ban, da xung huyết; chán ăn, buồn nôn; Đau cơ, đau khớp...   

+  Giai đoạn nguy hiểm   

Thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Nhiệt độ giảm không nhất thiết có nghĩa là người bệnh đang hồi phục, ngược lại cần phải đặc biệt theo dõi biểu hiện của sốt xuất huyết dengue có dấu hiệu cảnh báo và tiến triển thành sốt xuất huyết dengue nặng.   

Thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 - 48 giờ); tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, nề mi mắt, gan to, có thể đau. Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 25 mmHg), tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít.   

Xuất huyết: Xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết, thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Xuất huyết ở niêm mạc: Chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu. Kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Xuất huyết nội tạng như: Tiêu hóa, phổi, não là biểu hiện nặng (nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen do bị xuất huyết nội tạng).   

Một số trường hợp sốt xuất huyết dấu hiệu nặng có thể có biểu hiện suy tạng như: viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.   

Đau bụng, buồn nôn, tay chân lạnh, vật vã hốt hoảng (đây là hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu và tụt huyết áp), cần phải cấp cứu nhanh chóng.   

Ngứa khi sốt xuất huyết   

Xuất huyết dưới da thường xuất hiện trong giai đoạn nguy hiểm của bệnh   

+ Giai đoạn hồi phục  

 Khoảng 24-48 giờ sau giai đoạn nguy hiểm, cơ thể bệnh nhân có hiện tượng tái hấp thu dần dịch từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch, giai đoạn này sẽ kéo dài trong khoảng 48-72 giờ.   

Bệnh nhân hết sốt, tổng trạng tốt lên, thèm ăn uống trở lại, huyết động ổn định và đi tiểu nhiều.   

Có thể có nhịp tim chậm và thay đổi về điện tâm đồ.   

Trong giai đoạn này, nếu truyền dịch quá mức cho bệnh nhân có thể gây ra phù phổi hoặc suy tim.   

- Cách phòng bệnh   

Tránh muỗi đốt: Ngủ màn, không để trẻ chơi ở chỗ tối, bôi kem chống muỗi.   

Diệt muỗi và loăng quăng: nhà cửa luôn thoáng mát, sạch sẽ ngăn nắp. Không để các dụng cụ chứa nước hoặc nếu có phải đậy nắp và thường xuyên thay rửa, loại bỏ các ổ nước đọng.   

Ngoài những hướng dẫn trên, cần lưu ý luôn theo dõi sát thân nhiệt, báo ngay cho bác sĩ nếu nhận thấy dấu hiệu sốt lên, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc chưa có sự chỉ định của bác sĩ.

Phương Phương/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm