'Con cừu thuyền trưởng' và con cừu của GS Ngô Bảo Châu

02/07/2014 08:03 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Dư luận đang tranh cãi quyết liệt về bài toán con cừu: Trên tàu có 45 con cừu, 5 con bị rơi xuống nước. Hỏi ông thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?

Dù tác giả đã lên tiếng: “Tuổi thuyền trưởng” là bài toán kinh điển trên thế giới, người ra đề đưa giả thiết sai để tập cho trẻ thói quen đọc kỹ đề, phân biệt cái đã cho và cái phải tìm trước khi giải bài toán, rèn kĩ năng phát hiện vấn đề trước khi làm bài.

Bài toán phá bỏ tư duy cũ bắt học sinh chỉ có một lựa chọn thuần nhất, thụ động trong việc tiếp nhận tri thức, không dám nêu chính kiến. Vô tình nhưng nó khiến chúng ta nhớ tới hình ảnh con cừu của GS Ngô Bảo Châu khi ông nói chuyện với sinh viên: "Nếu chỉ có một cuộc đời để sống, bạn chọn cuộc đời làm con cừu hay phụ thuộc vào chính bạn. Nếu làm con cừu thì có thể không bao giờ chết đói vì được bầy đàn che chở. Ngược lại, không làm cừu có thể không có thức ăn, thậm chí còn bị chó sói ăn thịt. Việc không làm con cừu đòi hỏi sự quả cảm, quyết tâm của mỗi người. Nhưng mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, đã là sự lựa chọn của mình, tốt nhất không nên a dua theo người khác".

Nhưng trái với mong đợi, các em học sinh vẫn hoang mang tìm đáp án, không dám nêu chính kiến rằng dữ kiện sai. Điều đó có thể hiểu, bởi nếu em nói đề thi sai chính là nói thầy giáo sai. Và dư luận thi nhau phê phán người ra “đề thi con cừu” này.

2. Tôn trọng sự khác biệt là quy tắc tối thiểu cần phải có của một xã hội phát triển, nhất là với sự "khác biệt tích cực”. Có một câu, Steve Jobs đã nói về sự khác biệt. Năm 2005, trong buổi lễ phát bằng tại được Trường Đại học Stanford, Jobs đã nói: “Thời gian của bạn có hạn, do đó, đừng nên lãng phí nó vì cuộc sống của người khác. Đừng bị mắc kẹt bởi những giáo điều, đó là sống vì những suy nghĩ của người khác. Đừng để tiếng ồn của các ý kiến khác làm lấn át đi tiếng nói của chính bạn. Và điều quan trọng nhất, có can đảm để sống theo trái tim và trực giác của chính mình”. Nhưng cách giáo dục của chúng ta đang lấy tiếng nói số đông lấn át đi sự khác biệt ấy.

Ở đây cũng phải đặt ra một bài toán khác đối với ngành giáo dục, tại sao dư luận “bỏ bóng đá người”, tại sao người ta nghi ngờ người ra đề hơn là tập trung vào bản chất bài toán? Bởi tiền lệ có quá nhiều cái sai thảm họa khiến dư luận giật mình bức xúc như đề thi: Em có 5 ngón tay, em chặt bớt 2 ngón, hỏi còn mấy ngón?

Và trước đó là bài toán cũng về số tuổi: Nam năm nay 4 tuổi, bố Nam gấp 3 lần tuổi của Nam. Hỏi bố Nam năm nay bao nhiêu tuổi? Rất nhiều em học sinh tìm được đáp án “Bố Nam 12 tuổi” mà không hề có tư duy về sự phi lý của nó.

Vì thế, “ông thuyền trưởng không tuổi” đã chỉ ra căn bệnh của nền giáo dục mà “ông bố 12 tuổi” đặt ra, bởi cả hai bài toán đều liên quan tới những “con cừu”.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm