Ca sĩ Mỹ Linh mở trường nhạc: Vẻ đẹp khác của diva sau ánh đèn sân khấu

24/06/2015 13:11 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Đến Học viện Young hit Young beat - ngôi trường sau một năm thử nghiệm đã chính thức đi vào hoạt động của ca sĩ Mỹ Linh có thể thấy đó là một không gian của thanh nhạc và các loại nhạc cụ.

Và ở đó gặp Mỹ Linh, không thấy chị lộng lẫy son phấn, váy áo thướt tha. Chỉ thấy một cô giáo Linh mặt “mộc”, chân trần, vừa tất bật với vị trí giảng dạy, tiếp phụ huynh rồi lại “bị” bọn trẻ quấn lấy “cô Linh ơi, cô Linh”. Đây chắc hẳn là một vẻ đẹp khác của diva Mỹ Linh sau ánh đèn sân khấu!

* Điều gì khiến chị mở học viện Young hit Young beat rồi lại tham gia đồng tổ chức cuộc thi Young hit Young beat - Nhí tài năng trong thời điểm nở rộ những trại hè âm nhạc cũng như các cuộc thi dành cho thiếu nhi?

- Thực ra học viện Young hit Young beat đã có một năm được chúng tôi thử nghiệm, năm nay mới chính thức ra mắt. Tham gia vào dự án này, tôi nhận ra mình rất yêu trẻ con. Mặt khác, tôi nhìn ra sự thiếu hụt một không gian sống của trẻ: các con không có nơi vừa học vừa chơi. Trong khi đó, phụ huynh cũng không yên tâm mỗi khi hè đến, không biết làm thế nào để con có một mùa hè bổ ích. Mặt khác, tôi cũng thích làm về giáo dục từ lâu. Vì tôi cũng là một phụ huynh, cũng đã từng đi tìm thầy tìm thợ cho con. Nên đến lúc này, khi các con tôi đã và đang từng bước “đủ lông đủ cánh bay đi”, tôi muốn chia sẻ những kinh nghiệm đó với mọi người bằng ngôi trường này.

Riêng với cuộc thi Young hit Young beat - Nhí tài năng, tôi tham gia cũng với mong muốn tìm kiếm được những tài năng trong mọi lĩnh vực nghệ thuật và đưa các bé về học viện để đào tạo bài bản, giúp các em có nền tảng để phát triển lâu dài.


Ca sĩ Mỹ Linh đặt nhiều kỳ vọng vào Học viện Young hit Young beat

* Ý chị là so với các cuộc thi khác, Young hit Young beat - Nhí tài năng có “hậu” trong việc không “bỏ rơi” những tài năng sau khi đăng quang?

- Đúng vậy! Đó chính là điểm khác biệt của cuộc thi này với những cuộc thi khác dành cho thiếu nhi. Nói vui thì cuộc thi này có “hậu mãi”, giúp các em không bị ngộ nhận về tài năng, cũng không bị bỏ rơi. Chúng tôi đặt ra một con đường dài hơi dành cho các tài năng từ 5 - 10 năm vì mong muốn sẽ đào tạo được những nghệ sĩ thực sự.

* Vậy với Học viện Young hit Young beat, chắc chị còn có nhiều điều muốn thực hiện hơn thế!

- Phải nói là tham vọng đấy! Chúng tôi đang soạn giáo trình riêng và tiến tới việc cấp bằng riêng cho mỗi học viên sau khi tốt nghiệp.

Trong vòng 5-10 năm nữa, tôi mong muốn phát hiện ra những nghệ sĩ trẻ, nghệ sĩ trình diễn, nhạc sĩ cho tương lai. Về tầm nhìn của 5 -10 năm nữa, chúng tôi hi vọng có thể mang giáo trình này đến các trường phổ thông để phát triển bề rộng.

Tôi thực sự mong muốn không chỉ có vài trăm em ở học viện được hưởng lợi ích này mà còn rất nhiều những em nhỏ tài năng ở khắp nơi cũng được tiếp cận với nghệ thuật. Ở khía cạnh giáo dục, bạn có thừa nhận với tôi rằng, khi trẻ con tiêu hao năng lượng vào những điều yêu thích sẽ sống có ích, ý nghĩa hơn không?

* Ngoài sân khấu, việc mở các trung tâm giảng dạy, các trường nghệ thuật của các nghệ sĩ hiện nay đã khá phổ biến. Vậy chị tự tin như thế nào khi mình là người đi sau trên con đường, tạm gọi là kinh doanh giáo dục này?

- Nếu làm kinh doanh thì phải có lợi nhuận. Còn chúng tôi làm kinh doanh là để tái đầu tư, không phải bỏ túi. Vì đội ngũ giáo viên giảng dạy tại học viện đều sống bằng các nghề khác. Như tôi là biểu diễn, thu âm, làm quảng cáo...

Mở học viện, chúng tôi làm vì niềm tin và mong muốn cống hiến cho xã hội. Còn làm được đến đâu là tùy thuộc vào sức của mình. Và quan trọng là cam kết làm được đến đâu vì có lúc mình bị đuối, mệt. Nhưng tôi tin là mình luôn có nhiều năng lực tích cực để theo đuổi con đường này về lâu dài!

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Lam Anh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm