Argentina thảm bại: Bi kịch HLV, bi kịch Liên đoàn, bi kịch cả nền bóng đá

11/11/2016 14:44 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Những thất bại nặng nề mới đây cho thấy, đội tuyển Argentina thiếu một HLV tài ba. Nghiêm trọng hơn, đội bóng áo sọc xanh trắng có nguy cơ hoài phí một thế hệ những tài năng lớn mà không đạt được bất kì điều gì, kể cả ở trong tương lai.

Bi kịch trên ghế chỉ đạo

Rất khó để đưa giải đáp chính xác cho sự thiếu hụt chất lượng ở khía cạnh tập thể, cũng như kĩ năng của các HLV thay nhau ngồi vào chiếc ghế không dễ chịu này. Có lẽ, cần bắt đầu từ Marcelo Bielsa, chiến lược gia có nhiều học trò không chính danh nhất ở Argentina. Triết lý bóng đá của HLV 61 tuổi này được những Pep Guardiola, Pochettino, Sampaoli, và cả Diego Simeone nữa, làm rạng danh theo những cách khác nhau suốt thời gian qua. Nhưng vì sao, ông không phải là người được mơ ước nhất ngồi vào ghế thuyền trưởng của Albiceleste vào lúc này?

Hãy xem những thành tựu Bielsa đã đạt được trong vài năm qua, ông đến Chile vào năm 2007, khi đội bóng này còn chưa thật sự biết chơi bóng đỉnh cao là thế nào. Biến đổi hoàn toàn những cầu thủ từng chạy như một cái máy trên sân, dạy cho họ những kĩ năng về vị trí, biết thế nào là di chuyển, cũng như hiểu pressing nghĩa là gì. Và khi ông rời đi, sau khi khiến Chile trở thành một trong những đội bóng có tổ chức nhất ở Worl Cup 2010, Sampaoli, một học trò gần gũi nhất, thừa hưởng toàn bộ nền tảng mà HLV 61 tuổi này để lại, và đưa Chile đến chức vô địch Copa America đầu tiên trong lịch sử, cũng như trình làng thứ bóng đá gây ấn tượng mạnh mẽ chỉ từ tập thể bình thường nhất ở khía cạnh cá nhân.


HLV Bielsa

Sau đó, Marcelo Bielsa đến Athletic Bilbao, giúp đội bóng xứ Basque có mùa bóng hay nhất trong gần hai thập kỉ, vào chung kết Europa League 2012 lần đầu tiên trong lịch sử, dù để thua Atletico Madrid của Simeone 0-3, nhưng Bilbao vẫn là một trong những đội bóng đáng xem nhất vào thời điểm đó. Một lần nữa, chiến lược gia này lại là người chiến thắng. Ông rõ ràng là HLV giỏi, nhưng người Argentina không bao giờ quên được kì World Cup 2002 đáng thất vọng, mà Bielsa là người chịu trách nhiệm chính cho thất bại của một thế hệ những tài năng như Veron, Batistuta, Simeone, Zanetti..

Người ta nói rằng, Marcelo Bielsa là kẻ độc đoán về triết lý, bảo thủ với những quyết định của mình. Với những ngôi sao như Veron hay Batistuta, ông không bao giờ khoan nhượng. Nhưng thứ bóng đá chi tiết, và vô cùng tỉ mỉ của HLV 61 tuổi này, cũng khiến các cầu thủ của ông trông như những kẻ lần đầu tiên chạm vào trái bóng, họ buộc phải tuân thủ những yêu cầu khắt khe về cách thức di chuyển, chọn vị trí hay gây áp lực thế nào khi có bóng hoặc mất bóng. Tất cả những điều đó phù hợp với Chile hay Bilbao sau này, nhưng không bao giờ đúng ở Argentina với những người có lẽ luôn nghĩ, họ đã biết tất cả về bóng đá, và nhiệm vụ của HLV trưởng là "trật tự" trên ghế chỉ đạo.

Kết luận đầu tiên: Một HLV tốt chưa chắc đã là một HLV lý tưởng ở Argentina.

Brazil 3–0 Argentina: Thua trắng, Messi và đồng đội có nguy cơ không được dự World Cup

Brazil 3–0 Argentina: Thua trắng, Messi và đồng đội có nguy cơ không được dự World Cup

Với lợi thế sân nhà, Brazil đã dễ dàng kiểm soát thế trận và đánh bại Argentina với tỷ số 3-0. Dù có Lionel Messi trong đội hình như các vũ công Tango vẫn tỏ ra lạc nhịp và bế tắc trong khâu tấn công.


Alejandro Sabella, trong một trường hợp đặc biệt, đã làm được việc mà kể từ sau Carlos Bilardo, không một HLV tài danh nào ở xứ sở tango có thể, đó là đưa Argentina vào đến trận chung kết World Cup. Không phải Basile, không phải Bielsa, không phải Pekerman, càng không phải là Diego Maradona. Ông Sabella thì sao? Một người được cho là thiếu sự quyết đoán, chỉ là lựa chọn an toàn của Liên đoàn bóng đá Argentina. Bị mang tiếng là chịu sự chi phối của Leo Messi (khi số 10 chọn Gago đá chính ở hàng tiền vệ trong trận gặp Iran ở vòng bảng World Cup 2014), không nhận được sự tôn trọng của các cầu thủ (bị Lavezzi phớt lờ chỉ đạo), không thông minh, chẳng giỏi chiến thuật. Nhưng vẫn đưa đội bóng vào đến trận chung kết, vậy ai mới là người giỏi nhất ở Argentina?


HLV Alejandro Sabella

Kết luận thứ hai: Một HLV giỏi thì tốt hơn là có nhiều cầu thủ giỏi.

Diego Simeone là cái tên tuyệt vời nhất vào lúc này. Không nghi ngờ gì nữa, ông sẽ thuyết phục được tất cả ở khía cạnh chiến thuật, sự mạnh mẽ, quyết đoán, là tất cả những gì người Argentina cần. Nhưng HLV có biệt danh El Cholo là cái tôi độc đoán ở phòng thay đồ, nơi ông buộc các cầu thủ phải cộng tác với mình, hơn là trở thành một nhà truyền giáo bóng đá dễ chịu. Cá tính này chỉ hợp với đội bóng không có Leo Messi trong tương lai. Và quan trọng nhất, Argentina không có trong kế hoạch của Simeone trong 20 năm tới.

Kết luận thứ ba: Người lý tưởng cần môi trường lý tưởng.


Simeone (phải) hiện không có ý định cầm tuyển Argentina

Messi và đồng đội cần làm gì để Argentina dự World Cup 2018?

Messi và đồng đội cần làm gì để Argentina dự World Cup 2018?

Thất bại 0-3 trên sân của Brazil đã tiếp tục xát muối vào vết thương của các CĐV Argentina, những người vốn đã không ít lần thất vọng vì màn trình diễn của đội bóng con cưng của họ tại vòng loại World Cup 2018.


Bi kịch của nền bóng đá

Một thế hệ những nhà vô địch U20 thế giới, sau đó là giành HCV thế vận hội Bắc Kinh 2008 do Leo Messi dẫn dắt đã thất bại liên tiếp ở World Cup 2014, và ở hai giải Copa America gần đây, có nguy cơ bị uổng phí như trong quá khứ.

Điều gì gây cản trở Argentina tiến đến vị trí cao nhất ở Nam Mỹ và thế giới, khi họ sỡ hữu toàn những ngôi sao hạng nặng trong đội hình, ngoài yếu tố HLV? Trước khi trả lời câu hỏi này, hãy tìm hiểu thành công của người Đức. Trong khoảng 15 năm qua, Đức có một nền bóng đá đa sắc với những cầu thủ gốc nhập cư từ các nước như Ba Lan, châu Phi, hay Thổ Nhĩ Kỳ, và rất nhiều các nước khác. Điều đó không khiến họ mất đi tính nền tảng chung, mà ngược lại, Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) đã học hỏi rất kĩ những mô hình phát triển tài năng từ Ajax Amsterdam, Manchester United, Barcelona. Nuôi dưỡng các tài năng này theo một kế hoạch bài bản, cũng như có mục tiêu chung rõ ràng, đó là trở lại là nhà vô địch thế giới.


Đức có thành công như bây giờ là nhờ quan tâm tới công tác đào tạo trẻ

Cùng lúc đó, các HLV của họ, đặc biệt là Joachim Loew đã nghiên cứu kĩ lưỡng các kiểu chơi bóng đá hiện đại như tiki taka, trường phái của Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan và cả Brazil để tìm ra những điểm tích cực cho đội bóng của mình. Ông Loew đã dành rất nhiều thời gian để phát triển những ý tưởng chơi bóng, truyền đạt và truyền cảm hứng cho các cầu thủ. Kiểm soát rất tốt tinh thần, cũng như biết cách tạo động lực sau mỗi thất bại. Quan trọng nhất, Đức không có những ngôi sao nổi bật kiểu như Ronaldo, Neymar, hay Messi, nhưng thay vào đó, sự cộng hưởng của những tài năng đồng đều đã tạo ra một tập thể mạnh mẽ.

Trở lại với Argentina, AFA đã làm được gì cho nền bóng đá luôn sản sinh ra những ngôi sao xuất chúng như Leo Messi, Di Maria, Aguero, hay gần hơn là Dybala, Correa... Không một kế hoạch có tính xuyên suốt, để tạo ra giá trị cốt lõi cho đội bóng. Sự phát triển tự thân của các ngôi sao không bảo đảm cho thành công của một tập thể. Leo Messi chơi bóng theo kiểu Tây Ban Nha, Aguero chơi bóng theo kiểu Anh, Higuain dần trở thành người Ý chính cống, Mascherano giờ còn chơi cả vị trí hậu vệ phải ở Barcelona. Rất nhiều thứ lẫn lộn như thế không thể dung hòa nổi trong một đội bóng mà các cá nhân có thể chi phối chiến thuật của HLV, đã khiến cho Argentina chỉ mạnh trên lý thuyết. Không cần phân tích đến chất lượng đội hình lệch lạc giữa công và thủ, giữa phong độ thất thường từ câu lạc bộ đến đội tuyển của các ngôi sao, giữa việc có hay không có Leo Messi, Argentina đã là một tập thể xoàng hơn là họ nghĩ.

Kết luận cuối cùng: Argentina sẽ chẳng thấy tương lai nếu chỉ biết chờ đợi vào một ngôi sao, và HLV giỏi.

* Clip trận Brazil 3-0 Argentina:


Trần Dũng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm