192 giờ tìm lại sự sống sau khi máy bay rơi ở Khánh Hòa

06/08/2014 08:13 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Mùa đông năm 1992, một đôi tình nhân ngồi trên chiếc máy bay YAK-40 bay từ TP.HCM đi Nha Trang để tận hưởng kỳ nghỉ bên bờ biển. Khi máy bay rơi, kỳ nghỉ đó đã kết thúc mà chưa kịp bắt đầu.

Đó là câu chuyện được kể lại trong cuốn tự truyện 192 Hours của tác giả Annette Herfkens (người Hà Lan), người duy nhất sống sót sau vụ tai nạn máy bay thảm khốc từng khiến dư luận Việt Nam rúng động. Bản dịch tiếng Việt ra mắt độc giả Việt Nam hôm 4/8.

Bản dịch có tên 192 Hours với lời tựa “Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh”, còn tự truyện gốc của Annette Herfkens có tên Turbulence: A True Survival Story (tạm dịch: Hỗn loạn: Câu chuyện thật của một người sống sót). Bản gốc ra mắt hồi tháng 1, vì thế đây là một bản dịch rất nhanh chóng và thời sự.


Annette Herfkens trên giường bệnh sau tai nạn (ảnh trên) và vị trí rơi của chiếc máy bay tại Việt Nam năm 1992.

“Ngoài Annette, không còn ai sống sót…”

Vụ tai nạn diễn ra tại núi Ô Kha, thuộc xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa vào năm 1992. Chiếc máy bay Yak-40 mang số hiệu VN474 của Vietnam Airlines bay từ TP.HCM đi Nha Trang vào ngày 14/11/1992.

Do ảnh hưởng của một cơn bão nhiệt đới nên chiếc máy bay đâm vào đỉnh núi và rơi xuống thung lũng Ô Kha, cách điểm đến Nha Trang 19 dặm, và cách ngôi làng gần nhất 10 dặm. Ô Kha được mệnh danh là “thung lũng tử thần” từ trước năm 1975 bởi nhiều máy bay đã từng rơi ở khu vực này.

“Ngoài Annette, không còn ai sống sót…” là tít một bài báo của báo Tuổi Trẻ ra ngày 26/11/1992. Trước đó, thông tin về tìm kiếm, cứu hộ nạn nhân máy bay được một số tờ báo Việt Nam cập nhật từng ngày. Những tia hy vọng tắt dần. 192 giờ, đồng nghĩa với 8 ngày trời, là quãng thời gian chị Annette Herfkens cầm cự bằng nước mưa trong tình trạng thương tích giữa thung lũng Ô Kha, trước khi được cứu.

Nhưng sống sót trở về với Annette chưa hẳn đã là một niềm vui bởi cô đã mất đi người thân yêu nhất, người đi cùng cô trên chuyến bay đó. Năm đó, Annette và chồng sắp cưới Willem van der Pas (tên thường gọi là Pasje) cùng nhau đi nghỉ sau thời gian dài xa cách. Chuyến đi như một kỳ trăng mật của họ. Pasje cũng qua đời trong tai nạn ngày hôm đó, chung số phận với 30 người khác gồm hành khách và phi hành đoàn.


Bìa cuốn tự truyện

Tai nạn thay đổi cuộc đời

Điều đau đớn nhất với Annette trong 8 ngày đó không phải là nỗi đau thể xác, mà là việc phải nghe những tiếng kêu cứu của các nạn nhân khác đang dần lịm đi xung quanh mình. Còn người chồng chưa cưới của cô đã chết không lâu sau khi tai nạn diễn ra. Khi còn lại một mình, không phải nỗi sợ hãi mà là tình yêu cuộc sống trỗi dậy trong Annette.

“Tại sao tôi không nghĩ về lũ giòi lúc nhúc? Về mùi xác người? Bởi vì đối với tôi, chúng chỉ là thứ yếu sau vẻ đẹp, cõi yên bình và sự an toàn của khu rừng” – Annette viết. Chính vì hướng về sự sống, cuốn sách kể khá kỹ về cuộc đời tác giả sau vụ tai nạn làm thay đổi cuộc đời. Cô đã trở về, xây dựng lại sự nghiệp, tìm một tình yêu mới, sinh con và đối mặt với những khó khăn trong giáo dục con cái (con trai của Annette mắc bệnh tự kỷ).

Nhưng quá khứ mất mát ở Việt Nam vẫn là nỗi ám ảnh. Vì lẽ đó Annette quyết định trở lại thung lũng Ô Kha - nơi xảy ra tai nạn vào năm 2006. Hơn 13 năm sau vụ tai nạn, lần đầu tiên Annette đã gặp được người đàn ông Việt Nam bí ẩn năm xưa từng cứu sống cô.

Đó là một câu chuyện kỳ lạ. 13 năm trước, khi nghe tiếng Annette kêu cứu yếu ớt, người đàn ông này tưởng cô là... ma vì trước đó ông chưa từng gặp người da trắng nào. Nhưng sau đó chính ông đã gọi người đến cứu cô. Khi gặp lại vào năm 2006, Annette mới nhận ra sự thật này và rất cảm động vì điều đó.

Cuốn sách có giá trị tư liệu trong tình hình hiện nay, khi hàng loạt vụ tai nạn máy bay thảm khốc đã và đang xảy ra khiến thế giới hoang mang. 192 Hours của tác giả Annette Herfkens, do An Điền dịch, First News Trí Việt và NXB Tổng Hợp TP.HCM ấn hành.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm