Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 49): 100 năm trước, lần đầu tiên có một vị nguyên thủ Việt Nam xuất ngoại

17/10/2022 18:43 GMT+7 | Văn hoá

Đó là chuyến ngự giá của Hoàng đế Khải Định sang Pháp vào năm 1922. Vào thời điểm ấy, chuyến đi của Khải Định được chuẩn bị rất kỹ càng, được sử gia triều đình ghi chép cẩn thận, được báo chí không chỉ ở trong nước mà các các hãng thống tấn ở chính quốc và quốc tế đưa tin.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 48): Cuộc đấu xảo hoành tráng 120 năm trước tại Hà Nội

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 48): Cuộc đấu xảo hoành tráng 120 năm trước tại Hà Nội

Được khích lệ bằng thành công của mô hình Đấu xảo hoàn vũ Paris 1900 (Expostion Uninverselle de Paris 1900), toàn quyền Paul Doumer quyết định sẽ tổ chức một sự kiện tương tự, nhằm quảng bá thuộc địa và những thành tựu của mình.

Xem chuyên đề "Ảnh = Ký ức = Lịch sử" TẠI ĐÂY

Trước đó, vào năm 1900, nhận thấy Hoàng đế Thành Thái ngấm ngầm mưu nối gót người tiền nhiệm của mình là Hoàng đế Hàm Nghi - bị phế truất vì tổ chức kháng chiến chống Pháp - Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer thay mặt nước Pháp đặt lời mời Thành Thái sang dự khai mạc Đấu xảo Hoàn vũ Paris 1900 (Exposition Universelle de Paris 1900). Hy vọng của giới thực dân là lấy tầm vóc hoành tráng của cuộc trưng bày tỏ rõ sức mạnh của mẫu quốc để lung lạc ý chí của Thành Thái… Nhưng vị hoàng đế còn nặng lòng yêu nước đã khéo léo từ chối và trao cho Cần chánh Đại học sĩ Nguyễn Thân (kẻ đã đắc lực theo Tây dẹp Cần Vương) sang dự… còn mình tiếp tục nuôi nghiệp lớn, nên cuối cùng cũng bị thực dân phế truất, đầy ra hải ngoại…

Chú thích ảnh
Các viên quan tề tựu tại cảng để đón Hoàng đế, lưu ý nếp áo

Năm 1916, Khải Định - người được thực dân lựa chọn đưa lên ngai vàng - thay thế Hoàng đế Duy Tân, người cũng vừa tổ chức khởi nghĩa chống Pháp nhưng thất bại và cũng bị đầy ra đảo xa như vua cha… Đó cũng là thời điểm nước Pháp sau Đại chiến I đang tìm các nguồn lực, trong đó có các thuộc địa, để tái thiết sau chiến tranh, nên cũng tổ chức một cuộc đấu xảo thuộc địa rất lớn tại thành phố Cảng Marseille (Exposition Coloniale de Marseille 1922).

Lần này, Pháp cũng mời Hoàng đế An Nam sang thăm đấu xảo và trong con mắt của giới thực dân thì xứ Đông Dương nói chung và đặc biệt là xứ An Nam được coi là bông hoa đẹp nhất trong các xứ sở của “nước Pháp hải ngoại” (France d'Outre Mer).

Chú thích ảnh
Khải Định từ trên tàu Porthos xuống cảng

Khải Định hân hoan nhận lời và đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nền quân chủ nước ta, người đứng đầu triều đình xa giá ra khỏi biên cương quốc gia. Có một trường hợp hy hữu xảy ra vào cuối thế kỷ 18, khi Lê Mẫn Đế (Chiêu Thống) - vị vua thứ 16 và cuối cùng của triều Lê - tự thân sang nhà Thanh cầu viện để chống lại quân Tây Sơn, nhưng rồi cũng cáo chung triều đại cũng như mạng sống ở xứ người.

Vào thời điểm ấy, chuyến đi của Khải Định được chuẩn bị rất kỹ càng, được sử gia triều đình ghi chép cẩn thận, được báo chí không chỉ ở trong nước mà các các hãng thống tấn ở chính quốc và quốc tế đưa tin. Cũng vào thời điểm ấy, nhiếp ảnh thông tấn đã trở nên phổ biến, nên được ghi lại rất phong phú và chất lượng cao.

Chú thích ảnh
Tương phản trang phục của 2 quốc gia

Liên quan đến chuyến đi này, lịch sử ghi nhận không chỉ những hoạt động chính thức của một đoàn ngoại giao cấp cao, mà phía Pháp cũng dành cho những nghi thức trọng thị, nhằm phô diễn với dân Pháp và thế giới về chính sách thuộc địa của mình… Nhưng cũng chính chuyến đi này trở thành cơ hội cho những người yêu nước và dân chủ nước ta đang có mặt tại Pháp lên tiếng đả kích đối với một nền quân chủ đã lỗi thời, phụ thuộc vào ngoại bang và cả vị "Hoàng đế" mà nhà yêu nước Phan Châu Trinh lên án với "7 tội danh" (thất điều) trong một bức thư đăng công khai trên báo chí. Chính Nguyễn Ái Quốc cũng đả kích bằng vở kịch Con rồng tre, nhằm biểu thị cho thân phận một vị vua bù nhìn…

Có một tội danh mà cụ Phan lên án Khải Định là "phục sức không đúng phép", thì nhờ có những tấm ảnh chụp, người đời sau có thể đánh giá. Riêng chủ bút Nam phong là Phạm Quỳnh, đi theo đoàn, đã mô tả trong du ký: "Mình không biết thành Paris xưa nay đón các bậc đế vương các nước thế nào nên không thể so sánh được… Có lẽ chỉ có lạ mắt cho người Paris là các sắc gấm sặc sỡ của các quan hộ giá và nghe khách qua đường thấy đám lạ dừng lại xem, chỉ thấy nói: "Ô, họ ăn mặc hay nhỉ! Kỳ nhỉ!", có người lại hỏi lẫn nhau: "Người nước nào vậy?"…

Xa giá của Hoàng đế Khải Định đi tàu biển Porthos, cập bến Marseille ngày 22/6/1922, ở cho đến ngày 11/8/1922 thì rời cảng Marseille trên tàu Angers, đưa ngài hồi loan.

Chú thích ảnh
Khải Định trên xe diễu qua phố phường
Chú thích ảnh
Ngồi cùng Bộ trưởng Thuộc địa A. Sarraut
Chú thích ảnh
Tại điện Élysée, lần đầu Khải Định chào theo kiểu Tây
Chú thích ảnh
Và những cái bắt tay không bao giờ được thực hiện ở trong nước
Chú thích ảnh
Đến đặt hoa tại mộ chiến sĩ vô danh ở Quảng trường Ngôi sao, cùng đi có Thế tử Vĩnh Thụy (sau là Bảo Đại)
Chú thích ảnh
Đoàn trên Quảng trường Ngôi sao, sau chuyến đi Vĩnh Thụy sẽ ở lại Pháp học
Chú thích ảnh
Trang phục được thiết kế cho chuyến đi, đầu đội khăn
Chú thích ảnh
Trang phục đội nón
Chú thích ảnh
Nón và các loại trang sức, biểu chương
Chú thích ảnh
Nón và ngù vai trên hoàng bào kiểu mới
Chú thích ảnh
Trang phục của viên quan hầu cận, giữ nón cho Hoàng đế

  QXN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm