Ấn Độ du ký (kỳ 5): Hiện tại song hành cùng quá khứ

13/12/2022 18:00 GMT+7 | Văn hoá

Tôi luôn hình dung, ở Ấn Độ hiện tại và quá khứ vẫn song hành. Như lúc dừng chân bên con đường ngoằn ngoèo ven dãy Himalaya, thấy bác tài cầm theo cái chai từ chiếc ô tô sang trọng bước xuống, thành kính hứng dòng nước trong vắt từ trên núi chảy ra, vừa uống vừa đóng chai mang lên xe.

1. Những ngày ở Ấn Độ, tôi cố gắng tìm hiểu dấu ấn của văn hóa - văn minh Trung Hoa, và trong phạm vi những gì đã thấy thì hầu như rất mờ nhạt.

Cũng là chuyện lạ, thời cổ đại, nhân loại có 2 nền văn minh lớn ra đời từ châu Á, tồn tại bên cạnh nhau, nhưng ít ảnh hưởng lẫn nhau. (Nếu không kể thế kỷ 7, Huyền Trang lặn lội sang Ấn Độ đem về mấy trăm cuốn kinh để tổ chức dịch, sử dụng, từ đó Phật giáo Trung Hoa đã có bước phát triển rực rỡ).

Và người Trung Hoa với bộ 3 "vũ khí" lợi hại là chữ Hán, Nho giáo, văn hóa Hán đã từng ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nước Đông Á, Đông Nam Á mà hầu như dừng bước trước Ấn Độ.

Lựa chọn văn hóa khác nhau đưa tới những cách thức tồn tại, phát triển khác nhau. Và phải chăng với trường hợp Ấn Độ, tôn giáo đã có vai trò quan trọng trong cố kết, bảo vệ cộng đồng?

Ấn Độ du ký (kỳ 5): Hiện tại song hành cùng quá khứ  - Ảnh 1.

Trẻ em đang tìm hiểu lịch sử trên màn hình cảm ứng tại Bảo tàng tưởng niệm Nehru

Tôi đặt câu hỏi ấy sau lần qua ngôi làng nhỏ ở vùng Himalaya, thấy một ngôi đền bày biện thờ cúng theo phong cách đạo Hindu, nhưng trên nóc có bức tượng một người lính với trang phục chỉnh tề đang đứng giơ tay chào. Hỏi thì biết trong làng có một người vào quân đội đã hy sinh khi bảo vệ đất nước, nên dân làng lập miếu thờ.

Câu hỏi đó càng rõ hơn khi đến Đài tưởng niệm chiến tranh ở Dharamshala. Qua đoàn người đông đúc vào thăm viếng, nhìn nhiều thanh niên chăm chú đọc chú thích dưới các bức ảnh, hiện vật, rồi vào trang web, tôi thấy mục đích của đài tưởng niệm "nhằm tôn vinh trên bàn thờ của đất mẹ về sự hy sinh cao cả của các anh hùng trong chiến tranh… Từ đó khắc sâu, phát huy tính nghĩa hiệp, lòng tận tụy trong nghĩa vụ, hy sinh vì tổ quốc của thanh niên, thu hút sự chú ý của người dân, trở thành nguồn cảm hứng cho họ" là có ý nghĩa thiết thực.

Nhưng có lẽ, muốn tìm hiểu Ấn Độ hiện đại một cách khái quát, nên đến thăm quần thể Bảo tàng Thiên văn Nehru, Bảo tàng tưởng niệm Nehru, Bảo tàng phát triển khoa học công nghệ của Ấn Độ và thành tựu của các thế hệ thủ tướng chính phủ từ khi giành lại độc lập… được xây dựng ở New Delhi. Từ khi ra đời, nơi đây đã thành điểm đến hấp dẫn không chỉ với du khách, người dân Delhi mà với người dân từ mọi miền Ấn Độ khi đến thủ đô.

Ấn Độ du ký (kỳ 5): Hiện tại song hành cùng quá khứ  - Ảnh 2.

Thủ đô của Ấn Độ là New Delhi

Nếu ở Bảo tàng Thiên văn Nehru, người xem có thể nhận biết những bước đi đầu tiên của Ấn Độ trong chinh phục vũ trụ, được xem hình ảnh vũ trụ trình bày hấp dẫn qua kỹ thuật 3D thì 2 bảo tàng khác lại là khái quát quá trình Ấn Độ giành độc lập. Mỗi bước đi của nước này đạt tới mục tiêu chiếm lĩnh, làm chủ, và đã đạt nhiều thành tựu về khoa học, công nghệ không thể phủ nhận.

Các video clip được trình chiếu hầu như không có tiếng bom đạn ì ùm. (Tôi nghĩ những người xây dựng có suy tính khi chỉ đặt 2 khẩu đại bác kiểu cũ trong một phòng triển lãm). Chỉ có các sự kiện và hình ảnh giữ vai trò dẫn giải lịch sử, chỉ có những văn bản mà người xem có thể lật từng trang qua màn hình cảm ứng… các bảo tàng giúp người xem tìm hiểu về quá khứ đã qua, về những thành tựu đã đạt được trong thời đại mới, về những gì người Ấn Độ đã làm để bảo vệ đất nước…

Dường như giáo dục lịch sử một cách giản dị, dễ hiểu, thiết thực có giá trị hơn so với giáo dục lịch sử bằng lời lẽ lên gân, xủng xoảng "đao to, búa lớn"?

2. Đến bất cứ nơi nào, tôi có thói quen đánh giá con người qua việc họ tuân thủ các quy định ở nơi công cộng.

Ở Delhi, ấn tượng lớn nhất đối với tôi là việc mọi người tuân thủ các yêu cầu bảo đảm an ninh. Vì ở Delhi, mọi lối xuống bến tàu điện ngầm, cửa ra vào các bảo tàng, triển lãm, thậm chí cửa ra vào trung tâm tôn giáo lớn như đền Hoa sen, Taj Mahal, hoặc chợ Dilli Haat đều có hệ thống an ninh chặt chẽ, soi chiếu thân thể, hành lý, không khác kiểm tra an ninh ở sân bay. Vậy mà mọi người tự giác tuân thủ, tuyệt nhiên không thấy người tỏ vẻ khó chịu, bực dọc.

Buổi sáng, lối xuống các ga tàu điện ngầm dòng người như mắc cửi, dù vội vàng thì ai nấy đều cũng luôn tuân thủ chỉ dẫn của cảnh sát. Đáng nể là dù dòng người đông đúc nhưng tôi chưa gặp hiện tượng ùn tắc, mà mọi việc được giải quyết một cách chuyên nghiệp. Chẳng lẽ đó không phải là một phương diện thể hiện ý thức công dân? (Về phần mình, vì đi lang thang nên có ngày phải kiểm tra an ninh đến 6 lần, kể cũng khó chịu, nhưng nhìn thái độ nghiêm túc của người bản xứ, tự thấy phải giấu biến sự khó chịu!).

Ấn Độ du ký (kỳ 5): Hiện tại song hành cùng quá khứ  - Ảnh 3.

Một nguồn nước thiêng bên đường

Trước khi đến Delhi, tôi đọc trên báo chí tiếng Việt nhiều tin tức liên quan nạn ô nhiễm, nên thắc mắc tại sao chính quyền lại để tình trạng đó kéo dài và có vẻ ngày càng trầm trọng? Nhưng đến Delhi, gặp rất nhiều con đường sạch sẽ, cây cối xanh rờn, đẹp hơn hẳn đoạn phố Phan Đình Phùng mà dân Hà thành vẫn tới selfie, gặp hàng đàn chim bay lượn… tôi lại thắc mắc nếu ô nhiễm nặng nề thì có các khung cảnh đó không?

Tôi tìm câu trả lời và được biết thành phố đã có các biện pháp như đóng cửa các nhà máy nhiệt điện, mở rộng mạng lưới giao thông công cộng chỉ chạy bằng khí đốt tự nhiên, cấm xe tải chạy động cơ diesel vào thành phố, áp dụng chính sách nhiên liệu sạch, giảm ô nhiễm xây dựng, kêu gọi người dân tắt máy xe khi dừng đèn đỏ…

Bên cạnh đó, xung quanh Delhi đã hình thành 4 dãy đồi xanh: Dãy phía Nam có 6.200 ha (liền kề với 1.900 ha của bang Haryana), dãy trung tâm có 869 ha, dãy Nam trung tâm có 626 ha, dãy phía Bắc có 87 ha được gọi là "lá phổi xanh" bảo vệ thành phố khỏi gió nóng từ sa mạc, làm cho Delhi thành thủ đô có nhiều chim chóc thứ 2 trên thế giới, xếp sau Nairobi (Kenya).

Thiết nghĩ, giống như Việt Nam, một ngày Delhi còn ô nhiễm công nghiệp, khí thải ô tô, đốt rơm rạ và rác thải ở vùng lân cận, bụi xây dựng, và khi nhiệt độ giảm, áp suất không khí thay đổi, gió ít lưu thông thì không khí bị ô nhiễm vẫn khó thoát ra được… thì nạn ô nhiễm môi trường còn phải tiếp tục phải giải quyết.

3. Chưa có điều kiện đi khắp Ấn Độ, chỉ biết muốn hiểu Ấn Độ thời hiện đại cần phải đến Mumbai, Bangalore, Chennai… Muốn hiểu Ấn Độ trong quá khứ cần phải đến Varanasi, Jaipur, khu hang động Ajanta và Ellora… Song dù chưa đến được tôi vẫn hình dung ở đất nước này, hiện tại và quá khứ vẫn song hành.

Như lúc dừng chân bên con đường ngoằn ngoèo ven dãy Himalaya, tôi quan sát bác tài cầm theo cái chai từ chiếc ô tô sang trọng bước xuống, thành kính hứng dòng nước trong vắt từ trên núi chảy ra, vừa uống vừa đóng chai mang lên xe.

Từ nghìn xưa, người dân nơi đây đã quan niệm nước từ trên núi chảy xuống là nước trời cho nên phải thờ cúng. Vì thế nơi mọi người dừng chân lấy nước cũng có bàn thờ trang nghiêm. Ở chỗ nguồn nước nóng từ núi chảy ra còn trang nghiêm hơn, vì bên bể nước nóng mà mọi người vào tắm phải thi hành một số nghi thức nghiêm ngặt, nơi thờ cúng không phải bàn thờ mà là một ngôi đền nhỏ. Tại đó tôi cũng gặp từng tốp người từ ô tô sang trọng vào tắm với thái độ thành kính. Tức là ở đó, quá khứ vẫn hiện hữu!

"Các video clip được trình chiếu hầu như không có tiếng bom đạn ì ùm. Chỉ có các sự kiện và hình ảnh giữ vai trò dẫn giải lịch sử, những văn bản mà người xem có thể lật từng trang qua màn hình cảm ứng... Dường như giáo dục lịch sử một cách giản dị, dễ hiểu, thiết thực có giá trị hơn so với giáo dục lịch sử bằng lời lẽ lên gân, xủng xoảng "đao to, búa lớn?" - nhà phê bình Nguyễn Hòa.

(Còn nữa)

Nguyễn Hòa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm