78 năm Ngày Chiến thắng phát xít (9/5/1945-9/5/2023): Mốc son sáng ngời trong lịch sử thế giới

08/05/2023 08:40 GMT+7 | Tin tức 24h

Ngày 9/5/1945, Đức quốc xã ký biên bản đầu hàng vô điều kiện quân đội Liên Xô và quân Đồng minh, đánh dấu Chiến tranh Thế giới thứ hai chấm dứt tại châu Âu. Ngày Chiến thắng 9/5 trở thành một mốc son sáng ngời trong lịch sử thế giới, là ngày chiến thắng chung của các lực lượng dân chủ và hòa bình, đặc biệt là nhân dân và Hồng quân Liên Xô, đập tan chủ nghĩa phát xít, giành lại hòa bình cho nhân loại. 

Với những ý nghĩa vẻ vang và cao cả ấy nên dù 78 năm trôi qua, nhưng cuộc chiến tranh vĩ đại chiến thắng chủ nghĩa phát xít vẫn luôn được người dân yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới vinh danh, bởi đó là nền móng vững chắc kiến tạo nên thế giới phát triển tốt đẹp, bền vững như ngày nay.

Chiến thắng vĩ đại của nhân loại

Nhân loại sẽ còn nhắc tới Chiến tranh Thế giới thứ II (1939-1945) như một cuộc chiến tàn khốc nhất, đẫm máu nhất, đau thương nhất với quy mô rộng lớn nhất. Chiến tranh Thế giới thứ II là cuộc chiến tranh lớn nhất trong lịch sử nhân loại do liên minh phát xít Đức, Ý và quân phiệt Nhật Bản phát động, tập trung chủ yếu tại chiến trường châu Âu và bao trùm trên hầu hết các châu lục, liên quan đến hơn 70 nước với 1,7 tỷ người, trong đó có tới 110 triệu quân tham chiến.    

Để tiến hành cuộc chiến tranh này, các nước Đức, Ý, Nhật Bản quyết định thành lập liên minh, trước hết là liên minh Đức-Ý, sau có thêm Nhật Bản, theo Hiệp ước Berlin được ký kết vào năm 1940.

Ngày 1/9/1939, phát xít Đức tiến công xâm lược Ba Lan, chính thức mở đầu Chiến tranh Thế giới thứ hai.

78 năm Ngày Chiến thắng phát xít (9/5/1945-9/5/2023): Mốc son sáng ngời trong lịch sử thế giới - Ảnh 1.

Chiến sĩ Hồng quân thuộc Phương diện quân Byelorussia 1 cắm lá cờ chiến thắng lên nóc Nhà Quốc hội Đức, chiều 30/4/1945. Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN phát

Sau khi đánh chiếm 16 nước châu Âu, tháng 6/1941, phát xít Đức tập trung cụm lực lượng lớn nhất trên chiến trường châu Âu trong Chiến tranh thế giới lần thứ II tiến công Liên Xô bằng chiến dịch chiến tranh chớp nhoáng mang tên “Barbarossa”, mở đầu cuộc chiến tranh Xô-Đức (1941-1945). Thế nhưng phát xít Đức không ngờ đã gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân và dân Liên Xô. Trong vòng 2 năm (1941-1943) hàng chục sư đoàn và lữ đoàn phát xít Đức đã bị tiêu diệt. Hồng quân Liên Xô đã giải phóng Tổ quốc, rồi lần lượt giải phóng Nam Tư, Albania, Ba Lan, Romania, Hungary và Tiệp Khắc.

Trong khi Hồng quân Liên Xô tấn công dồn dập quân Đức trên mặt trận phía Đông, quân đội Anh, Mỹ đã mở mặt trận Tây Âu. Với sự giúp đỡ to lớn của các lực lượng kháng chiến, nước Pháp rồi Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Ý lần lượt được giải phóng.

Và ngày 30/4/1945 đã ghi dấu mốc quan trọng khi lá cờ chiến thắng của Hồng quân Liên Xô tung bay trên tòa nhà quốc hội Đức. Đúng 0 giờ 43 phút ngày 9/5/1945 (theo giờ Moskva), đại diện Đức quốc xã đã phải ký biên bản xác nhận đầu hàng vô điều kiện Liên Xô và các nước Đồng minh.

78 năm Ngày Chiến thắng phát xít (9/5/1945-9/5/2023): Mốc son sáng ngời trong lịch sử thế giới - Ảnh 2.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tại lễ duyệt binh kỷ niệm 77 năm Chiến thắng phát xít ở Moskva, Nga, ngày 9/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau khi đánh bại phát xít Đức, Liên Xô tiếp tục tuyên chiến với phát xít Nhật và đã đánh gục đội quân Quan Đông tinh nhuệ nhất của Nhật, buộc Nhật phải chấp nhận đầu hàng không điều kiện. Cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ II đã chính thức kết thúc.

Để đi đến Ngày Chiến thắng (9/5/1945), nhân dân Liên Xô đã phải chịu những hy sinh, mất mát to lớn, những tổn thất không thể bù đắp. Chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 27 triệu người Liên Xô, trong đó gần 9 triệu chiến sĩ Hồng quân đã ngã xuống cho Ngày Chiến thắng. Vì vậy, ngày Chiến thắng luôn là ngày lễ thiêng liêng nhất, cao cả nhất đối với các thế hệ người dân Nga nói riêng và nhân loại nói chung.

Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô và các lực lượng yêu chuộng hòa bình tiến bộ trên toàn thế giới đã tạo nên bức tượng đài anh hùng chói sáng của nhân loại.

Những bài học còn nguyên giá trị

78 năm đã qua đi kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II và Chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Xô Viết, nhưng những bài học về cuộc chiến chống phát xít thì vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa thiết thực đối với thế giới đương đại và sẽ luôn được mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới bảo vệ và mãi trường tồn.

Đó là tổn thất, thương vong lớn về con người luôn nhắc nhở nhân dân thế giới ngày nay cần phải trân trọng và giữ gìn nền hòa bình thế giới như thế nào để không tái diễn thảm họa phát xít dưới bất kỳ hình thức nào.

78 năm Ngày Chiến thắng phát xít (9/5/1945-9/5/2023): Mốc son sáng ngời trong lịch sử thế giới - Ảnh 3.

Đoàn xe quân sự Nga tham gia duyệt binh kỷ niệm 77 năm Chiến thắng phát xít (1945-2022) trên Quảng trường Đỏ ở Moskva, ngày 9/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Đó là nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến đấu chống phát xít đã tổn thất rất nặng nề và làm nên một sứ mệnh lịch sử, cứu loài người thoát khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát xít, và sau chiến thắng ấy, nhân dân Liên Xô trở thành thành trì của Chủ nghĩa xã hội, đặt ra một xu hướng phát triển của các dân tộc bị áp bức trên thế giới và dẫn đến sụp đổ từng phần của chủ nghĩa thực dân, đề quốc. Vì thế, những bài học về cuộc chiến tranh chống phát xít 78 năm trước vẫn có ý nghĩa thiết thực đối với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì mục tiêu hoà bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Ngày nay, trong bối cảnh thời thế đã đổi thay, thế giới đã và đang bước vào thời đại toàn cầu hóa, lợi ích quốc gia và quốc tế được xây dựng trên nền tảng các mối quan hệ đa phương, đa dạng với mong muốn cùng tồn tại hoà bình và phát triển. Tuy nhiên, tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc cùng với sản phẩm của nó là chủ nghĩa phát xít mới đang hình thành và biến tướng dưới nhiều hình thức như: chạy đua vũ trang, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, khủng bố… Nhưng có một sự thật không thể chối cãi, đó là chiến thắng chủ nghĩa phát xít là chiến thắng của nhân dân và quân đội Xô Viết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, của các nước đồng minh và các lực lượng tiến bộ thế giới.

Trong đó vai trò quyết định thuộc về những người Xô Viết anh hùng, mà nhờ đó đã cứu loài người thoát khỏi thảm hoạ phát xít, đem lại cuộc sống hoà bình cho nhiều dân tộc và tạo nên những chuyển biến mang tính bước ngoặt của tình hình thế giới - thời đại không dung thứ tội ác và chiến tranh. Trong Thông điệp Liên bang năm 2020, Tổng thống Vladimir Putin từng nhấn mạnh, đối với nước Nga, Ngày 9/5 là Ngày lễ vĩ đại nhất, thiêng liêng nhất, khẳng định quyết tâm “dùng sự thật để chống lại những luận điệu dối trá trắng trợn và những mưu đồ viết lại lịch sử”.

Hằng năm, để tưởng nhớ và tri nhân những chiến sỹ Hồng quân Liên Xô năm xưa, chính quyền và người dân Nga tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5.

Vào những ngày này, nước Nga đang chuẩn bị kỷ niệm 78 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Các cuộc diễn tập duyệt binh đã diễn ra ở nhiều thành phố của Nga, quy mô hơn cả là ở thủ đô Moscow. Dự kiến, sẽ có hơn 10.000 quân nhân tham gia vào Lễ duyệt binh Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ năm nay. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5 năm nay sẽ được tổ chức tại 28 thành phố của Nga, với sự tham gia của hơn 55.000 người, khoảng 1.200 vũ khí và thiết bị quân sự.

Tối ngày 4/5 (theo giờ Moscow), tức rạng sáng 5/5 (theo giờ Việt Nam), nhiều tuyến phố tại Thủ đô Moscow đã được phong tỏa để dành cho hoạt động diễn tập chuẩn bị cho lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng phát xít 2023 dự kiến diễn ra vào lúc 10 giờ ngày 9/5 theo giờ Moscow.

Phương Anh/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm