6 lỗi cần tránh để tăng cơ hội trúng tuyển khi phỏng vấn xin việc

20/03/2023 16:30 GMT+7 | Bạn cần biết

Có câu nói: "Không có chuẩn bị chính là chuẩn bị cho sự thất bại". Trong một "cuộc chiến" cam go như phỏng vấn xin việc, sự thiếu chuẩn bị chính là con đường ngắn nhất dẫn bạn đến với sự thất bại.

Để tăng cơ hội trúng tuyển khi phỏng vấn xin việc, bên cạnh kỹ năng chuyên môn, bạn cần tuyệt đối tránh xa 6 lỗi mà chuyên gia nhân sự của các trang web xin việc làm gợi ý sau đây.

6 lỗi cần tránh để tăng cơ hội trúng tuyển khi phỏng vấn xin việc - Ảnh 1.

Đến trễ giờ hẹn

Sự đúng giờ chính là thước đo cho sự chuyên nghiệp và mức độ nghiêm túc mà bạn dành cho công việc. Bạn nên hiểu rằng đến trễ không chỉ là điều cấm kỵ trong các buổi phỏng vấn mà còn là điều cấm kỵ trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

Tốt hơn hết, bạn nên đến sớm hơn 5 - 10 phút so với giờ hẹn để có đủ thời gian sửa soạn trang phục, tóc tai và chuẩn bị tinh thần cho buổi phỏng vấn. Đừng bao giờ canh quá sát giờ hẹn mới rời khỏi nhà vì những sự cố không mong muốn như hỏng xe, kẹt xe, quên đồ… có thể phát sinh bất cứ lúc nào khiến bạn bỏ lỡ giờ hẹn.

6 lỗi cần tránh để tăng cơ hội trúng tuyển khi phỏng vấn xin việc - Ảnh 2.

Trang phục không phù hợp

Vẻ bề ngoài chính là phương thức để bạn tạo ấn tượng tốt đẹp trong mắt nhà tuyển dụng và ấn tượng đó sẽ được quyết định bởi trang phục, kiểu tóc, cử chỉ đi đứng, nói năng của bạn.

Trang phục phù hợp không nhất thiết phải là sơ mi, quần tây, chân váy công sở, cũng không nhất định phải là giày da hay những đôi giày cao gót giúp tôn lên vóc dáng. Nhà tuyển dụng có rất nhiều mục đích và vị trí tuyển dụng khác nhau, tùy theo tính chất của buổi phỏng vấn cũng như lĩnh vực hoạt động của từng doanh nghiệp.

Vì lẽ đó, sự phù hợp trong trang phục sẽ được quyết định bởi không gian nơi bạn xuất hiện, phong cách của của doanh nghiệp mà bạn ứng tuyển và mục đích của mỗi cuộc phỏng vấn mà bạn tham gia. Nếu ứng tuyển nhân viên văn phòng, bạn nên ăn mặc gọn gàng, lịch sự. Nếu ứng tuyển vào một agency, bạn nên diện những bộ trang phục giúp bạn toát lên sự năng động và cá tính riêng của bản thân. Nếu đi casting diễn viên, người mẫu, bạn nên chọn những bộ đồ giúp bạn tôn lên vóc dáng hoặc phù hợp với vai diễn của bạn…

Thiếu nghiêm túc

Năng lực là yếu tố quan trọng quyết định việc bạn có cơ hội trúng tuyển hay không. Thế nhưng, trước khi nhìn nhận được năng lực của bạn thì thái độ mà bạn thể hiện xuyên suốt buổi phỏng vấn lại là điều đầu tiên mà nhà tuyển dụng có thể cảm nhận và cho điểm.

Năng lực khiếm khuyết có thể bồi đắp và cải thiện qua thời gian nhưng thái độ thờ ơ, thiếu nghiêm túc với công việc đang làm thì gần như không thể cải biến. Vì lẽ đó, đừng bao giờ thể hiện thái độ thiếu nghiêm túc hay kém chuyên nghiệp khi tham gia phỏng vấn, điều đó sẽ khiến bạn mất điểm trầm trọng trong mắt nhà tuyển dụng. Hãy luôn coi buổi phỏng vấn là cơ hội duy nhất để bạn phô diễn mọi năng lực của bản thân cũng như thể hiện mong muốn trở thành một phần của doanh nghiệp, cùng tiến cùng lùi với doanh nghiệp dù cho đang chờ đón bạn ở phía trước là vinh quang hay gian khổ.

Thiếu kỹ năng giao tiếp, nói quá nhiều hoặc quá kiệm lời

Trong xã hội hiện đại, kỹ năng giao tiếp gần như là yêu cầu bắt buộc đối với mọi vị trí công việc vì chúng ta chẳng thể hoàn thành tốt mọi việc khi chỉ có một mình. Kỹ năng giao tiếp trong buổi phỏng vấn được thể hiện ở chỗ bạn hiểu rõ lúc nào nên nói, lúc nào không nên nói và điều gì nên nói, điều gì không nên nói. Bạn buộc phải thể hiện được bản thân là một người hoạt ngôn, nhanh nhẹn nhưng không bộp chộp, hấp tấp, thiếu khéo léo trong giao tiếp.

Nên nhớ, phỏng vấn là một cuộc đối thoại hai chiều, đôi bên đều cần có thời gian để tìm hiểu nhau. Đừng biến buổi phỏng vấn thành "sàn diễn" của riêng bạn, cũng đừng khiến nhà tuyển dụng phải độc thoại liên hồi để rồi nhận về những câu trả lời ngắn gọn quá mức từ bạn. Điều đó chẳng những không thể giúp bạn khẳng định năng lực của bản thân mà còn khiến bạn trở nên kém duyên trong mắt nhà tuyển dụng. Nếu bạn không phải một người hoạt ngôn, hãy cố gắng chia sẻ một cách cởi mở, đủ ý và đúng trọng tâm là được.

Bên cạnh đó, hãy kết hợp giao tiếp bằng ánh mắt và sử dụng ngôn ngữ cơ thể một cách khéo léo để có một cuộc trò chuyện thoải mái, vui vẻ, giúp bạn xây dựng hình ảnh tự tin, phong thái ung dung trong mắt nhà tuyển dụng. Luôn giữ thẳng lưng, thả lỏng đôi tay, không lảng tránh ánh mắt của nhà tuyển dụng và tuyệt đối không bắt chéo chân. Đặc biệt, đừng quên tắt chuông điện thoại trước khi bước vào buổi phỏng vấn đấy nhé.

Không biết bản thân đang ở đâu và đang làm gì

Bạn biết gì về công ty của chúng tôi? Bạn hiểu như thế nào về vị trí này?...

Đó là những câu hỏi rất cũ nhưng gần như chẳng bao giờ lỗi thời. Do đó, trước khi chính thức bước vào buổi phỏng vấn, đừng quên trang bị những kiến thức cơ bản về công ty mà bạn ứng tuyển và hãy đọc thật kỹ bảng mô tả công việc.

Cùng một chức danh nhưng mỗi công ty sẽ có những mô tả công việc và quy định về chức năng nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau. Tuyệt đối không vì bản thân đã có kinh nghiệm ở vị trí đó mà khinh suất trong việc nghiên cứu mô tả công việc ở công ty mới, cũng đừng đưa ra những câu trả lời ngây ngô trước những câu hỏi đánh giá mức độ hiểu biết của bạn về doanh nghiệp.

Nhà tuyển dụng không chờ đợi những câu trả lời thuộc lòng như sách giáo khoa từ bạn, điều nhà tuyển dụng kỳ vọng là bạn thật sự rõ hiểu bản thân đang ở đâu, đang làm gì và có thể diễn đạt điều đó theo cách riêng của bạn.

Phê phán công ty cũ

Hạ thấp người khác, nói xấu người khác không khiến bạn trở nên cao thượng hay tốt đẹp hơn, nhất là khi đối tượng bạn chê bai là nơi đã từng đón nhận bạn, trao cho bạn cơ hội làm việc và cho bạn thu nhập để trang trải cuộc sống.

6 lỗi cần tránh để tăng cơ hội trúng tuyển khi phỏng vấn xin việc - Ảnh 3.

Kể cả khi bạn không có bất kỳ kỷ niệm tốt đẹp nào về sếp hay công ty cũ thì chê trách họ cũng là điều không nên. Hôm nay bạn chê trách công ty cũ, rất có thể ngày mai công ty mới sẽ trở thành đối tượng phê phán tiếp theo của bạn. Đó chính là lý do nhà tuyển dụng không muốn chào đón những ứng viên có hành động phê phán công ty cũ đến với doanh nghiệp của mình.

Bên cạnh kỹ năng chuyên môn, các kỹ năng mềm là điểm cộng vô cùng lớn có khả năng thay đổi kết quả phỏng vấn của bạn. Hiểu rõ điều gì nên làm và không nên làm sẽ là chiếc chìa khóa vàng giúp tăng cơ hội trúng tuyển – trở thành người chiến thắng trong "cuộc chiến" mang tên phỏng vấn xin việc.

Trang Đoàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm