30 năm ngày mất danh họa Nguyễn Gia Trí (kỳ 2): Gặp trò là nhớ đến thầy

13/06/2023 07:42 GMT+7 | Văn hoá

Trong các học trò thân cận của Nguyễn Gia Trí tại TP.HCM, hiện nay còn họa sĩ Hoàng Vượng (sinh năm 1948) và họa sĩ Nguyễn Xuân Việt (sinh 1949). Nhưng vì lý do sức khỏe, Hoàng Vượng chọn sống lặng lẽ ở một quận xa trung tâm, ngưng giao tiếp với đồng nghiệp. Trong một lần đến Hội Mỹ thuật TP.HCM vì công việc khác, tình cờ người viết có địa chỉ mới của họa sĩ Hoàng Vượng, nên có được cơ duyên kết nối này.

Hoàng Vượng không còn nhớ rõ mình học sơn mài với danh họa Nguyễn Gia Trí từ ngày tháng nào, nhưng làm việc với thầy thì gần 20 năm. Một số năm cuối cùng, ở xưởng có khi chỉ có mình Hoàng Vượng làm, thầy Trí thì ngồi xe lăn chỉ dẫn. Sau khi thầy mất (1993), Hoàng Vượng còn đến giúp cô Nguyễn Thị Kim - vợ của thầy Nguyễn Gia Trí - thêm một thời gian nữa, nhằm hoàn tất vài bức tranh sắp hoàn thiện, đã nhận đặt hàng mà chưa kịp giao. Công việc chỉ dừng lại khi cô Kim yếu và tranh thì đã giao hết.

Thầy dạy vẽ đi học sơn mài

Hoàng Vượng sinh ra ở tỉnh Bình Dương, quê quán ở Thái Bình. Cha ông vào đây lập nghiệp, có gia đình, sinh ra anh chị em ông. Hoàng Vượng học sơn mài mỹ nghệ tại Bình Dương từ lúc nhỏ. Từ năm 1965 đến 1975, học việc và cộng tác tại xưởng sơn mài của thầy Nguyễn Gia Trí ở Sài Gòn. Từ 1970 đến 1972, làm chuyên viên nghiên cứu sơn mài tại Nha Kỹ thuật. Từ 1972 đến 1975 dạy vẽ tại Trường Chuyên nghiệp Phan Đình Phùng và Trường Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ. Ông nhận giải thưởng danh dự về hội họa - điêu khắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

30 năm ngày mất danh họa Nguyễn Gia Trí (kỳ 2): Gặp trò là nhớ đến thầy - Ảnh 1.

Họa sĩ Hoàng Vượng

Khi bước vào độ tuổi 30, lúc đã tham gia nhiều triển lãm nhóm trong và ngoài nước, đã bán tranh đây đó, Hoàng Vượng chợt nghĩ rằng mình cần học nâng cao hơn về sơn mài, nên muốn tìm về thầy cũ để thọ giáo. Qua sự giới thiệu của vài đàn anh, ông tìm đến Xưởng sơn mài Đông Sơn ở số 6 Tôn Đức Thắng (Q.1, TP.HCM) để xin phụ việc, học thêm. Xưởng này do linh mục Đaminh Trần Thái Hiệp đề xướng, với sự tham gia của một số họa sư, trong đó có Nguyễn Gia Trí, hoạt động từ 1978 đến 1989.

Với sự tháo vát và kinh nghiệm mỹ thuật sẵn có, Hoàng Vượng học, nắm vấn đề khá nhanh chóng, nên dần dần được thầy Trí tin tưởng, giao cho nhiều khâu khó hoặc quan trọng trong sơn mài.

30 năm ngày mất danh họa Nguyễn Gia Trí (kỳ 2): Gặp trò là nhớ đến thầy - Ảnh 2.

Vợ chồng nhà sưu tập Dương Đức Dũng (bìa trái và phải) với họa sĩ Hoàng Vượng (ngồi) cùng con trai của ông

"Tuổi trẻ còn chút háo thắng, luôn muốn chứng minh mình giỏi, nên tôi đã làm rất nhanh, vượt mức đề ra. Có lần làm một bức lớn, tưởng thầy Trí sẽ rất hài lòng, nhưng khi thầy thẩm định lại, nói bỏ đi, làm bức khác. Lúc ấy tôi buồn lắm, tính nghỉ việc luôn, nhưng rồi nghĩ lại, mình ăn cơm thầy, học nghề, phụ việc, mà còn được thầy trả lương nữa, sao lại tự ái. Thế là từ đó tôi tập trung làm cho đẹp hơn, đạt hơn" - họa sĩ Hoàng Vượng kể. 

Trong xưởng vẽ của Nguyễn Gia Trí, nhiều lúc có đến 14-15 người phụ việc, trong này luôn có 2-3 họa sĩ trẻ. Họ đi làm để có thêm thu nhập thì đã rõ, nhưng làm để được nghe thầy Trí chỉ dẫn thêm về kỹ thuật, quan niệm và thẩm mỹ sơn mài mới là mục đích chính.

Hoàng Vượng kể thêm: "Năm 1968, tôi vào học dự bị hội họa tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, được học thủy mặc với danh họa Đới Ngoan Quân (戴頑君,1913 - 2003), nhiều nơi đọc tên ông thành Đới Ngoạn Quân. Hai nền tảng nho nhỏ này đã được thầy Trí khơi gợi, gia cố thêm quan niệm, nên tôi tiến bộ và vững vàng hơn rất nhiều. Thầy Trí cả đời làm sơn mài nhưng khá am hiểu về các bộ môn khác, đặt biệt là cách áp dụng tinh thần Đông phương vào kỹ thuật hội họa Tây phương".

30 năm ngày mất danh họa Nguyễn Gia Trí (kỳ 2): Gặp trò là nhớ đến thầy - Ảnh 3.

Bức “Chim vịt kêu chiều” (sơn mài, 80x120cm) đang hoàn thiện của Hoàng Vượng

Trong một chia sẻ với học trò ngày 4/5/1979, Nguyễn Gia Trí nói: "Với trừu tượng, chữ Hán là một thứ trừu tượng. Người Á Đông đi thẳng vào trừu tượng, và là người đi trước". Đến ngày 29/4/1980, Nguyễn Gia Trí nhắc lại: "Bắt đầu vẽ sơn mài là đã vẽ trừu tượng rồi. Vì nó không thực như ngoài đời. Họa sĩ sơn mài nhìn vào tâm bên trong, chứ không nhìn vào cái vỏ bên ngoài của sự vật".

Cơ duyên được sở hữu tranh thầy

"Thầy cẩn thận lắm, thấy bức nào có thể đạt chất lượng rồi thì mới ký tên chìm để học trò hoàn thiện thêm bề mặt. Bức nào không đạt thì phá bỏ, không giao cho khách. Khi thầy sắp mất thì ký tên vào chừng 8-9 bức tranh biểu hình gần như đã hoàn thành, chỉ chờ lên nước và đánh bóng, cùng một số tranh trừu tượng. Thầy mê vẽ trừu tượng lắm, vì thầy nói trừu tượng nó gần với lòng của thầy hơn cả" - Hoàng Vượng chia sẻ.

30 năm ngày mất danh họa Nguyễn Gia Trí (kỳ 2): Gặp trò là nhớ đến thầy - Ảnh 4.

Bức trừu tượng nền đỏ, hiện thuộc sưu tập của Dương Đức Dũng

Cuối thập niên 1980, Hoàng Vượng và một số học trò, phụ việc thân cận khác được thầy Trí kêu về xưởng vẽ tại nhà làm việc. Lúc thầy Trí bệnh, ít nhận tranh mới, chỉ hoàn tất các tranh dang dở, nên chỉ còn Hoàng Vượng và một hai phụ việc đến làm.

Hoàng Vượng kể: "Khi thầy mất, gia cảnh thêm sa sút, rồi vài tranh cuối cùng không giao được cho khách nên cô Kim cũng gặp chút khó khăn về trả tiền cho thợ. Mà giai đoạn lúc này thì khách chủ yếu đặt tranh phong cảnh - thiếu nữ, chứ ít ai đặt tranh trừu tượng. Có lần tôi bạo miệng nói với cô, hay cô để em lấy vài tranh trừu tượng trừ tiền công. Cô Kim nói tranh có hình thì còn đáng giá, chứ trừu tượng thì đáng bao nhiêu mà trừ nợ, nhưng rồi thương học trò, cô cũng để cho tôi giữ tranh".

"Giữ các tranh này gần 30 năm qua, đôi khi cũng có người hỏi mua, nhưng tôi không bán, vì muốn lưu giữ chút kỷ niệm với thầy. Mãi tới gần đây, vì tuổi cao sức yếu, vợ mất, sống một mình ở vùng ven thành phố, dù con cháu qua lại thường xuyên, nhưng cũng cảm thấy đã tới lúc không thể cất giữ mọi thứ" - ông nói thêm - "Một lần tình cờ, có mấy bạn trẻ tìm đến nhà thăm hỏi tôi, trong nhóm đi có vợ chồng Đức Dũng, làm kinh doanh, nhưng rất tha thiết với văn hóa nghệ thuật, lịch sử nước nhà. Sau vài lần nói chuyện, thấy Đức Dũng có tâm huyết và trong sáng, tôi nhường mấy tranh này lại cho Dũng lưu giữ".

30 năm ngày mất danh họa Nguyễn Gia Trí (kỳ 2): Gặp trò là nhớ đến thầy - Ảnh 6.

Bức trừu tượng nền vàng, hiện thuộc sưu tập của Dương Đức Dũng

Liên lạc với nhà sưu tập Dương Đức Dũng, hỏi anh nghĩ sao khi tình cờ sở hữu được một số tranh Nguyễn Gia Trí? Dương Đức Dũng trả lời: "Có nằm mơ thì tôi cũng không nghĩ mình sở hữu được tranh của Nguyễn Gia Trí, vì chúng tôi không kinh doanh trong lĩnh vực mỹ thuật, dễ gì mà tìm gặp được. Đây quả thật là một phước phần, một duyên lành. Tôi sẽ treo tranh ở vị trí trang trọng của gia đình, để những ai quan tâm thì có thể đến xem và uống trà. Gia đình tôi chưa nghĩ tới việc bán các tranh này".

Ước mơ triển lãm cá nhân đầu tiên


Hoàng Vượng tiếc rằng bản thân không giữ được nhiều tác phẩm để làm triển lãm cá nhân đầu tiên. Nếu sức khỏe trở lại, ông sẽ hoàn thành thêm một số tranh sơn mài nữa, làm cuộc trưng bày nho nhỏ, như là lời tạm biệt với gia đình và bạn bè. "Tôi gần gũi thầy Trí, học được nhiều kỹ thuật và quan niệm hay, nhưng tranh tôi vẽ thì hoàn toàn khác thầy, nghĩ cũng lạ" - Hoàng Vượng tâm sự.

(Còn tiếp)

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm