Goodfellas: Á quân phim gangster hay nhất mọi thời đại

11/08/2010 08:16 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Trong lịch sử phim gangster, phim dựa theo những nhân vật có thật thường bị tranh cãi, và vấp phải những phản ứng dữ dội của người trong cuộc. Lý do câu chuyện và hình ảnh của họ hay bị thổi phồng hoặc hạ thấp một cách quá đáng. Nhưng Goodfellas (Chiến hữu) là bộ phim hiếm hoi không giống như vậy.

>> Để đọc những bài viết đặc sắc về điện ảnh trên TT&VH hãy bấm vào đây

Sự chờ đợi của cả cuộc đời

Nội dung phim là câu chuyện người thật việc thật, kể lại sự thăng trầm kéo dài ba thập kỷ của ba gã gangster: Henry Hill và 2 “chiến hữu”, Tommy DeSimone (trên phim được đổi thành Tommy DeVito), và Jimmy Burke (thành Jimmy Conway). Chuyện phim dựa theo cuốn sách Wiseguy của phóng viên Nicholas Pileggi chuyên viết về tội phạm ở New York.

Lúc ấy đạo diễn Martin Scorsese - “ông trùm” của thể loại phim gangster – đã thề sẽ không làm một bộ phim trộm cướp nào nữa, cho tới khi ông đọc một bài bình luận về cuốn Wiseguy. Bài bình luận này đã truyền cảm hứng cho ông tìm đọc, trong khi vẫn đang làm việc trên phim trường Color of Money năm 1986. Ông lập tức bị cuốn sách của Pileggi thu hút, và bị mê hoặc một lần nữa bởi lối sống giang hồ. Scorsese cho rằng, đây là cuốn sách khắc họa một cách chân thật nhất về giới gangster mà ông từng đọc.

Scorsese gọi điện cho Pileggi nói ý định muốn đưa Wiseguy lên phim, “Tôi đã đợi cuốn sách này trong cả đời mình”. Pileggi đáp lời: “Tôi cũng đợi cú điện thoại này trong cả đời mình”. Tên Wiseguy đã có một phim truyền hình và bộ phim hài Wise Guys (1986) của Brian De Palma sử dụng, nên Pileggi và Scorsese đổi tên bộ phim thành Goodfellas.

Scorsese mời Pileggi cộng tác viết kịch bản, đến bản thảo thứ 12 mới có được một kịch bản lý tưởng. Scorsese thuyết phục Pileggi rằng bộ phim sẽ không đi theo cấu trúc kể chuyện ABC truyền thống (Linear), mà ông muốn chinh phục câu chuyện gangster này theo kiểu đảo lộn các tuyến sự kiện (Non-linear). Scorsese áp dụng lối dẫn chuyện như cảnh mở màn của bộ phim kinh điển Jules and Jim (1962), đồng thời tất cả những thủ pháp cơ bản trong những bộ phim Làn Sóng Mới của Pháp ở thập niên 1960, sẽ được áp dụng cho Goodfellas.

Scorsese được tất cả với dàn diễn viên tài năng

Al Pacino được mời vào vai Jimmy Conway, nhưng ông từ chối do sợ bị “chết vai” gangster. Điều mỉa mai là cũng vào năm ấy Al Pacino lại đi nhận một vai gangster khác – vai Big Boy Caprice cổ quái trong phim Dick Tracy (1990) của Warren Beatty. Sau này Al Pacino thú nhận mình hối tiếc về quyết định này. Scorsese quay sang cầu cứu ông bạn thân Robert De Niro. Ngay khi Robert De Niro đồng ý vào vai Jimmy Conway, Scorsese đã có được số tiền cần thiết để làm bộ phim.

Nhân vật trung tâm Henry Hill từng được Scorsese cân nhắc cho Sean Penn. Nhưng De Niro sau khi xem xong bộ phim Something Wild của Jonathan Demme đã thuyết phục Scorsese nên chọn Ray Liotta – một cái tên ít ai biết. Scorsese xem thử và ngạc nhiên trước “năng lượng bùng nổ” của Ray Liotta. Trước đó, Liotta từng đọc cuốn sách của Pileggi và bị nó mê hoặc. Scorsese mời Liotta đến thử vai rất nhiều lần, và gần như ông đã chọn anh. Nhưng nhà sản xuất Irwin Winkler lại không đồng ý vì ông muốn một cái tên nổi tiếng. Liotta kể lại, “Tôi nghĩ họ thích mời Eddie Murphy hơn tôi”. Anh từ chối vai Harvey Dent trong Batman (1989) thể hiện sự khát khao để có được vai Henry Hill. Một đêm nọ, Liotta tìm cách tiếp cận Winkler trong một nhà hàng và xin ông chỉ một phút nói chuyện. Liotta khẩn khoản rằng anh sẽ đóng rất hay vai này. Ấn tượng trước sự kiên trì của Liotta, ngày hôm sau Winkler gọi điện đồng ý với Scorsese.

Vai Tommy DeVito, chiến hữu số 1 của Henry Hill, đã được giao thẳng cho Joe Pesci mà không cần thử vai. Đây là một sự phân vai táo bạo của Scorsese, bởi Pesci có ngoại hình thấp bé không giống với Tommy thật ngoài đời, gương mặt và phong cách của Pesci lại phù hợp với vai hài chứ không phải một gã máu lạnh tàn bạo, xem giết người như trò chơi. Nhưng Pesci đã nhập vai tuyệt vời đến mức sau này khi Henry Hill xem phim, hắn cũng phải công nhận, nếu không tính vẻ ngoại hình thì Joe Pesci khắc họa tính cách của Tommy DeVito chính xác đến 99%.

Để chuẩn bị cho các vai diễn của mình trong phim, Robert De Niro, Joe Pesci và Ray Liotta thảo luận thường xuyên với Pileggi. De Niro thường gọi điện cho Henry Hill một ngày vài lần để hỏi về chiến hữu Jimmy Conway cách đi đứng, cầm điếu thuốc… như thế nào. Còn Liotta lắng nghe các cuộn băng cassette của FBI, để có thể tập nói năng như Henry Hill thật ngoài đời.

Có trong tay dàn diễn viên ưng ý, Scorsese đã áp dụng phương pháp làm việc với diễn viên một cách mới lạ. Trong các buổi tập dượt, ông cho các diễn viên tự do diễn theo ý mình, rồi ghi hình để xem lại. Điều này đã làm nảy sinh kiểu diễn xuất ngẫu hứng và ứng tác rất thú vị giữa các diễn viên. Scorsese ghi nhận tất cả, chép lại những câu thoại ứng tác mà ông thích, sau đó điều chỉnh thành kịch bản chính thức. Ví dụ, cảnh Tommy kể một câu chuyện và Henry phản ứng với hắn – “Tao có gì buồn cười chứ?” – là kết quả của lần diễn tập ngẫu hứng giữa Joe Pesci và Ray Liotta, sau này đã trở thành cảnh được người xem thích thú nhất.

Bạo lực, dung tục… nhưng vẫn được xếp ở đỉnh cao

Scorsese muốn mô tả sự bạo lực của bộ phim một cách chân thật, “lạnh lùng, vô cảm và kinh hoàng, khiến khán giả phải ngỡ ngàng!”. Tuy nhiên, ông phải cắt bỏ mười frame  hình quá máu me để bảo đảm cho phim được dán nhãn R. Kinh phí 25 triệu USD chỉ là kinh phí trung bình theo chuẩn Hollywood, nhưng Goodfellas là bộ phim tốn kém nhất của Scorsese đến thời điểm ấy. Đó cũng là lần đầu tiên ông bị hãng Warner Bros buộc phải cho xem trước bộ phim.

Hãng phim lúc đầu lo lắng do nhiều cảnh bạo lực và ngôn ngữ cực đoan thô tục. Câu chửi thề “f…”, được sử dụng đến 296 lần trong phim! Tính trung bình mỗi phút có đến 2,04 từ f...! Khoảng một nửa số này được phát ra từ miệng nhân vật Tommy của Joe Pesci. Sau này khi mẹ của ông xem bộ phim, bà bảo với con trai rằng bộ phim này rất hay, nhưng thắc mắc vì sao ông phải văng tục khiếp thế!

Trong buổi chiếu thử đầu tiên có 40 người bước ra trong mười phút đầu. Những buổi chiếu sau, bộ phim nhận được những phản ứng tồi tệ nhất. Scorsese bảo: “Bộ phim bị đánh giá quá thấp tới mức buồn cười”. Nhưng không hiểu sao, khi phát hành bộ phim lại không bị cắt bớt những cảnh bạo lực, và rất nhiều những lời thoại thô tục vẫn được giữ nguyên… Sau đó lại được giới phê bình khen ngợi nhiệt liệt! Điều này càng củng cố vị thế của Martin Scorsese như một nhà làm phim lỗi lạc nhất của nước Mỹ.

Goodfellas ra mắt thế giới tại LHP Venice năm 1990, tại đây Scorsese nhận giải Sư Tử Bạc đạo diễn xuất sắc nhất. Bộ phim được phát hành rộng rãi ở Bắc Mỹ vào ngày 21/09/1990 trong 1.070 rạp với doanh thu trong ngày cuối tuần đầu tiên là 6,3 triệu USD, và đạt tới con số 46,8 triệu USD ở thị trường nội địa.

Trong bài bình luận viết cho The New York Times, Vincent Canby viết: “Hơn bất kỳ bộ phim nào trước đó của Scorsese, Goodfellas đáng nhớ vì tính đồng bộ trong diễn xuất… Phim được phân vai rất hay từ vai chính đến vai nhỏ. Các thủ pháp làm phim cũng rất nổi bật, lối kể chuyện bao quát, cắt dựng nhanh, các khung hình tĩnh, nhiều chuyển đổi đột ngột về bối cảnh, và một trường đoạn dài dõi theo nhân vật rất độc đáo. Không hề có một chi tiết thừa!”

Năm 1990, Goodfellas đã được 6 đề cử Oscar, nhưng chỉ đoạt giải Nam diễn viên phụ cho Joe Pesci. Trong khi cả thế giới ai cũng đinh ninh là bộ phim sẽ đăng quang giải Phim hay nhất, thì danh dự này lại về tay Dance With Wolves (Khiêu vũ với bầy sói) – một thất bại không thể hiểu nổi! Bài phát biểu nhận giải Oscar của Joe Pesci là bài phát biểu ngắn thứ ba trong lịch sử giải Oscar. Pesci chỉ nói: “Đây là một vinh dự và một đặc ân, cảm ơn quý vị”. Sau này Pesci thú nhận rằng ông không nghĩ mình sẽ chiến thắng, nên chẳng chuẩn bị bài phát biểu!

Roger Ebert, một người bạn và là một fan của Martin Scorsese, vinh danh Goodfellas là “Bộ phim xã hội đen hay nhất từ trước tới nay”, và đưa nó vào danh sách những phim hay nhất thập niên 1990. Tạp chí Premiere xếp nhân vật Tommy DeVito của Joe Pesci vào hạng thứ 96 trong danh sách 100 Nhân vật điện ảnh hay nhất mọi thời đại, và gọi Tommy “… có lẽ là nhân vật khó cải tạo nhất từng được đưa vào điện ảnh!”.

Tháng 06/2008, Viện Phim Mỹ công bố danh sách “Ten Top Ten” - mười phim hay nhất trong mười thể loại phim Mỹ kinh điển - sau cuộc bình chọn của 1.500 người từ giới sáng tạo nghệ thuật. Goodfellas được công nhận là phim hay thứ hai trong thể loại phim gangster (sau The Godfather).

Nguyên mẫu Henry Hill vô cùng hài lòng với bộ phim. Ông phát biểu trong các bài phỏng vấn rằng, nhiều “trùm” gangster đã hỏi ông làm thế nào để những câu chuyện của họ cũng có thể được kể hay như bộ phim này. Rõ ràng đây là một lời khen tặng vô cùng giá trị, bộ phim đã làm thỏa mãn cả thế giới xã hội đen – điều mà rất nhiều phim gangster đã không làm được!.

Bá Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm