20 năm ngày mất Đoàn Chuẩn: Nhớ giọng vàng Lê Hằng

15/11/2021 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay, 15/11/2021, tròn 20 năm ngày mất của Đoàn Chuẩn (15/6/1924 - 15/11/2001), tôi lại nhớ đến nàng thơ trong nhiều ca khúc của ông - NSƯT Lê Hằng - cũng vừa tạ thế hồi tháng 3 năm nay. Bà đã trở thành một giọng vàng “kim cương bất hoại” với bao huyền sử đẹp đẽ.

Đoàn Chuẩn - 'ông hoàng' của những tình khúc mùa thu

Đoàn Chuẩn - 'ông hoàng' của những tình khúc mùa thu

Đoàn Chuẩn là một trong những nghệ sĩ tài hoa xuất chúng; được mệnh danh là “ông hoàng nhạc tình”, “nhạc sĩ của mùa thu Hà Nội”. Ông sinh vào ngày này cách đây 95 năm, ngày 15/6/1924.

1. Hồi đó, vào những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước, người mến mộ âm nhạc như bị thôi miên bởi một nhạc phẩm mang đậm chất dân ca Việt Bắc mang tên Trước ngày hội bắn của Trịnh Quý.

Nhạc phẩm được biểu diễn bằng một song ca nam nữ. Nam chính là tác giả, còn nữ là NSƯT Lê Hằng. Nhạc phẩm đã đoạt huy chương vàng trong Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc 1962 và phần biểu diễn ngoạn mục này đã được Xưởng phim Tài liệu - Thời sự Trung ương quay rất kỹ và dựng thành phim rất cuốn hút. Trong phần biểu diễn bên cạnh giọng nam có phần hơi thô tháp nhưng chân thật, mộc mạc, người mến mộ âm nhạc đặc biệt chú ý đến giọng nữ của Lê Hằng - vừa trong vắt vừa sáng sủa vừa sang trọng. Đúng là một giọng ca vàng sau thế hệ Trần Khánh, Kim Ngọc một chút.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn

Đến cuối năm 1964, sau sự hiên ngang ra pháp trường của người biệt động Sài Gòn Nguyễn Văn Trỗi, người mến mộ âm nhạc lại thêm lần nữa say sưa với những bài hát ca ngợi người chiến sĩ bất khuất này. Giọng hát Lê Hằng lại tiếp tục nồng nàn lòng người khi thể hiện bài hát Lời anh vọng mãi ngàn năm của Vũ Thanh được lan truyền hàng ngày trên làn sóng phát thanh và trên loa truyền thanh. Một sự thể hiện vừa kiên nghị, vừa ngẫm nghĩ sâu sắc đã khắc tên Lê Hằng vào tâm trí người mến mộ âm nhạc thời ấy thật sâu sắc nhất là ở đoạn trùng xuống của giai điệu "Ôi tên anh truyền khắp hoàn cầu, vọng về nơi Venezuela, cuồn cuộn sôi trong muôn con tim, người du kích châu Mỹ La tinh".

Người ta nhớ đến Lê Hằng với Lời anh vọng mãi ngàn năm như nhớ đến Khánh Vân với Bài ca hy vọng nhớ đến Tân Nhàn với Xa khơi... Rồi thời gian cứ trôi, cứ trôi không mấy ai biết người nữ ca sĩ ấy không chỉ nổi tiếng về giọng hát hay mà còn có một huyền sử khá ly kỳ, độc đáo đã làm rung lòng không biết bao nhiêu người Hà thành một thời.

2. Lê Hằng tên khai sinh là Lê Thanh Hằng sinh năm 1934 ở Hà Nội. Bà là trưởng nữ của một viên chức hỏa xa. Kháng chiến, ông thân sinh Lê Hằng là tự vệ chiến đấu ở nội thành Hà Nội. Khi theo cha rút ra chợ Đại, Lê Hằng mới 12 tuổi, nhưng do còn mẹ và 5 em ở Hà Nội, nên ở chợ Đại ít lâu, Lê Hằng được đưa về Hà Nội để cùng mẹ hàng ngày chăm sóc đàn em.

Không ngờ trời cho Lê Hằng một giọng hát bẩm sinh tuyệt vời. Năm 1953, khi tròn 18 tuổi, Lê Hằng lúc ấy lấy nghệ danh là Thanh Hằng đã tham gia cuộc thi đơn ca tại Đài Pháp Á do nhạc sĩ Thẩm Oánh làm chánh chủ khảo.

Chú thích ảnh
Chân dung nhạc sĩ Đoàn Chuẩn do họa sĩ Trần Thế Vĩnh vẽ

Vừa hát hay, vừa xinh đẹp lộng lẫy như một hoa khôi, Lê Hằng đã đoạt “vương miện” thủ khoa của cuộc thi. Lê Hằng lúc ấy cũng đã lọt ngay vào mắt xanh của chàng nhạc sĩ công tử Đoàn Chuẩn - vua tình khúc mùa Thu Hà Nội. Ngay lập tức, Lê Hằng trở thành người hát các tình khúc này trẻ nhất và hay nhất.

Đoàn Chuẩn đã giúp Lê Hằng học nhạc đưa Lê Hằng đến với các show hát ở các rạp chiếu bóng trước khi vào buổi chiếu. Biết bao thanh niên Hà Nội thời ấy đã tương tư giọng hát và vẻ đẹp kiêu sa của Lê Hằng. Họ sẵn sàng mua vé từ rạp này sang rạp khác chỉ để nghe Lê Hằng hát chứ không cần xem phim.

Nhờ gặp "nàng thơ" Lê Hằng, Đoàn Chuẩn đã thăng hoa để viết tiếp những tình khúc mùa Thu như Dang dở (còn gọi là Tà áo xanh), Vàng phai mấy lá (còn gọi là Vĩnh biệt), Một gói nho khô, một cánh penssée, Một chiều để nhớ...

Nhưng đột nhiên giữa những ngày rực rỡ ấy, tin buồn đã ập đến với Lê Hằng, khi bà biết người cha đã từ trần ở ngoài vùng tự do. Nhờ người chú ruột là đại đội trưởng Vệ quốc đoàn, Lê Hằng đã được đưa ra vùng tự do chịu tang cha vào cuối Xuân 1954 và trở về lại Hà Nội vào mùa Thu tiếp quản Thủ đô. Việc gặp lại Lê Hằng khiến cho dòng tình khúc mùa Thu của Đoàn Chuẩn lại tuôn trào thêm những Lá đổ muôn chiều, Chiếc là cuối cùng... Nhưng gặp lại cũng chỉ là để chia tay mãi mãi. Bởi thế những tình khúc này của Đoàn Chuẩn đều đẫm nước mắt như chia ly. "Có những đêm về sáng - Đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi!".

Từ ca sĩ Thanh Hằng, bà đã lột xác trở thành ca sĩ Lê Hằng của văn công quân đội và kết hôn ước với một sĩ quan quân đội. Khép lại một huyền sử đẹp "Thu đi cho lá vàng bay/ Lá rơi cho đám cưới về/ Ngày mai người em nhỏ bé/ Ngồi trong thuyền hoa/ Tình duyên đành dứt".

Song "dẫu lìa ngó ý vẫn vương tơ lòng". Đoàn Chuẩn còn vật vã mãi với huyền sử này qua Gửi người em gái miền Nam và nhất là tâm sự: "Một phút điên cuồng Cô Tô mất/ Ngàn năm ân hận nửa Phù Sai/ Nên anh ghê sợ cho đôi mắt/ Giấc mộng đêm nào trong liêu trai”.

Chú thích ảnh
NSƯT Lê Hằng năm 1968

3. Nghe Đoàn Chuẩn kể rất nhiều về bà, về những kỷ niệm đẹp giữa 2 người một thời, nhưng phải tới mùa Xuân 1994, tôi mới được gặp Lê Hằng tại cuộc gặp gỡ các cựu chiến binh văn công quân đội ở Cung văn hóa Thiếu nhi Hà Nội, mặc dù được biết, từ khi về hưu, bà có mở quán nước chè ở đường Quốc Tử Giám.

Gặp bà mới cảm nhận được hết những gì mà người mến mộ một thời dành cho bà. Thời gian đã bất lực trước bà. Đã ở tuổi 60 mà trước mắt tôi vẫn là một Lê Hằng, một Thanh Hằng của xa xưa vẹn nguyên tài sắc. Hôm ấy, bà vừa hát Trước ngày hội bắn cùng ca sĩ Ngô Đại, vừa khóc ròng. Sau đó, tôi có ngồi trò chuyện cùng bà. Khi tôi hỏi sao lại không tới thăm anh Chuẩn. Bà khẽ khàng nói với tôi rằng chuyện đã qua lâu rồi, tôi muốn nó qua mãi, chú ạ. Nghe bà nói thế thì biết thế, nhưng nhìn vào mắt bà, tôi vẫn nhận ra tất cả những gì tưởng đã "chôn sâu tận đáy lòng".

Ngoài huyền sử với Đoàn Chuẩn, bà còn một số bạn nam cùng thời cũng mến mộ bà, cũng đã từng biểu diễn cùng bà ở nhiều sân khấu trước ngày tiếp quản Thủ đô, trước ngày bà ra vùng tự do để tang cha. Đấy là nhạc sĩ Văn An, ở Đắk Lắk. Mỗi lần ra Hà Nội, ông đều đến hàn huyên cùng bà. Đấy là nhạc sĩ Tuấn Khanh ở quận Cam, California, Hoa Kỳ. Ông chính là nam ca sĩ Trần Ngọc cũng dự cùng cuộc thi với bà và được giải Nhì. Khi di cư vào Sài Gòn, ông đã trở thành nhạc sĩ Tuấn Khanh. Và điều kỳ lạ là nếu Đoàn Chuẩn đã viết Chiếc lá cuối cùng từ năm 1955, thì vài năm sau, Tuấn Khanh cũng có nhạc phẩm Chiếc lá cuối cùng - nhạc phẩm làm nên tên tuổi Tuấn Khanh. Khi gặp ông ở quận Cam, Tuấn Khanh say sưa kể về bà với biết bao ngưỡng mộ. Bà đã trở thành một giọng vàng "kim cương bất hoại" với bao huyền sử đẹp đẽ.

Ngày 18/3/2021, giọng ca vàng Lê Hằng của một thời đã thanh thản bay vào cõi thiên thai ở tuổi 88. Khi ấy, tôi lại ở Sài Gòn. Nghe tin bà tạ thế, thoáng một ngậm ngùi cho bậc tài sắc như Kiều. Mong những dòng thương nhớ này là một nén hương nhỏ thắp viếng, tưởng nhớ bà.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm