Một cách nhìn văn học Việt Nam

16/07/2010 08:56 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Đó là cách nhìn từ sự vận động tương tác của tiến sĩ Nguyễn Thành Thi trong sách Văn học - thế giới mở (NXB, 2010).

Lâu nay, khi quan sát những hiện tượng văn học như truyện thơ, kịch thơ, thơ văn xuôi, phóng sự - tiểu thuyết... người ta thường thấy đó là sự pha trộn, thâm nhập giữa các thể loại, mà ít đi sâu lý giải chúng. Nguyễn Thành Thi tìm cách nhận diện ở những hiện tượng đó một quy luật của quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam trong thế kỷ 20.

Tiếp thu luận điểm của nhà ngữ văn học nổi tiếng người Nga M. Bakhtin coi thể loại là “nhân vật chính” của tiến trình văn học, anh dùng nó để nghiên cứu quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc từ bên trong, với nỗ lực đưa ra một lịch sử văn học giàu tính khoa học. Các thể loại tác phẩm văn có sự tương tác lẫn nhau trong quá trình vận động của chúng... Đây là góc nhìn chủ đạo trong ba góc nhìn của Nguyễn Thành Thi khi soi chiếu vào văn học Việt Nam hiện đại. Anh nhìn sự vận động tương tác trong quá trình hình thành nền văn học quốc ngữ Việt Nam. Tiếp đến anh nhìn ý thức về nghề và cá tính sáng tạo của một số nhà văn quốc ngữ Việt Nam. Sau đó, anh phối hợp hai góc nhìn này để nhìn vào một số tác phẩm tiêu biểu của văn học quốc ngữ Việt Nam. Ba góc nhìn đó cũng là ba phần nối nhau của tập sách.

Tập sách Văn học - thế giới mở, như vậy, vừa có tính nghiên cứu, vừa mang chất bình giảng. Điều này phù hợp với cương vị của tác giả là một giảng viên văn khoa đại học sư phạm. Độc giả sẽ được hiểu thêm “Về tính “phức thể” loại hình và sự hiện diện của kí trong văn thơ Hồ Chí Minh”, “Cái đẹp và sự đa dạng thẩm mỹ trong văn xuôi nghệ thuật Thạch Lam”, “Thơ Bích Khê: từ quan niệm đến sáng tạo”, “Ám ảnh hiện sinh trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp”... Độc giả sẽ được thưởng thức và chiêm nghiệm thêm bi kịch Vũ Như Tô (Nguyễn Huy Tưởng), nỗi đau đời thừa (Nam Cao), nỗi buồn tống biệt (Thâm Tâm), nỗi nhớ Tây Tiến (Quang Dũng)... Tác phẩm thì không thay đổi, nhưng cách đọc và khám phá tác phẩm thì có phát triển, mở rộng. Đó là công việc của những người làm nghiên cứu phê bình và giảng dạy văn học.

Và như thế, văn học là một thế giới mở, tác giả mời bạn đọc chia sẻ cùng mình một góc nhìn để mở ra những góc nhìn khác. Một tập sách bổ ích cho những người thích văn chương và đang làm văn học.

Phạm Xuân Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm