Kho tiền của Chúa

02/05/2017 19:43 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Vatican, quốc gia nhỏ nhất hành tinh và duy nhất dùng tiếng Latin làm ngôn ngữ chính thức, song có một hào quang cực mạnh đối với ít nhất một phần ba dân số thế giới, đó là những người theo Thiên Chúa giáo. Mảnh đất ngót nửa cây số vuông ấy là nơi trị vì của người đại diện Chúa trời nơi hạ giới.

Nhưng trớ trêu làm sao, lâu nay người ta đã dần quen với những tin không lành bay ra từ đó, chủ yếu từ một tòa nhà như pháo đài, mang tên Niccolo V: Ngân hàng Vatican. Tòa nhà này xây từ thế kỷ 15, nhìn bên ngoài khá cục mịch, bờ tường dày cả mét, ngự trên lớp móng sâu 13 mét.

Thành lũy 5 tầng trong tòa nhà Niccolo V là Ngân hàng Vatican với 19.000 khách hàng và trung bình 87 triệu euro tiền lãi mỗi năm

Một ngân hàng như mọi ngân hàng?

Giáo hội La Mã có nhiều cơ quan đoàn thể, nhưng có lẽ ngân hàng Vatican là chịu nhiều “lời ong tiếng ve” nhất. Vì đạo Thiên Chúa cổ súy tình yêu đồng loại và khinh rẻ vật chất thấp hèn. Chẳng phải chính Giêsu Kitô khi tới Jerusalem nhân Lễ Vượt Qua đã đuổi những kẻ buôn bán và đổi tiền ra khỏi thánh đường hay sao? Chẳng phải chính Người đã quở trách bọn họ rằng: “Nhà ta được gọi là nhà cầu nguyện nhưng các ngươi biến thành hang ổ của bọn trộm cướp” hay sao? Phúc âm Mathiơ đoạn 6/19-34 còn dẫn lời Người: “Các ngươi chớ thu thập của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, rỉ sét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy (…) Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó”. Vậy thì, vì cớ gì mà các con chiên của Người lập ngân hàng, khi ai cũng biết ngân hàng vốn không sống bằng … làm từ thiện?

Phía vỉa hè đối diện toà nhà nặng nề đó có gắn một máy rút tiền tự động, chắc chắn là máy duy nhất trên thế giới có hướng dẫn bằng tiếng Latin. Nhưng ai trong số 18 triệu du khách hằng năm đến đây định rút tiền sẽ bị thất vọng: máy ATM này dành riêng cho khoảng 19.000 chủ tài khoản tại Ngân hàng Vatican, dĩ nhiên trong đó Giáo hoàng đương nhiệm, đồng thời cũng là chủ sở hữu duy nhất Ngân hàng Vatican. Tài khoản đầu tiên với số 1 giản dị thuộc về Giáo hoàng Piô XII (1939-1958). Tháng 6/1942, Người thành lập nhà băng này với tên chính thức là IOR (Istituto per le Opere di Religione) dành riêng cho các dòng tu hoạt động khắp thế giới.

 

Giám mục Paul C. Marcinkus lãnh đạo Ngân hàng Vatican từ 1971 đến 1989, nhiều năm không được rời Vatican vì có lệnh bắt ở Italy  

“Tôi mà khai ra hết thì…”

Hôm nay IOR có 5.200 khách hàng là tổ chức nhà thờ. Dĩ nhiên ngân hàng thì phải có lãi. Trong năm 2013 IOR công bố chính thức lãi ròng 87 triệu euro, chủ yếu để phục vụ các dự án tôn giáo và từ thiện.

Với số tiền 7 tỉ euro trong kho và 114 nhân viên, Ngân hàng Vatican chỉ nhỏ như một quỹ tiết kiệm bậc trung. Nhưng cái nhà băng với lịch sử ngắn ngủi này dính líu đến khá nhiều vụ bê bối, không chỉ từ khi lộ vụ rửa mấy chục triệu euro mới đây khiến Giám đốc ngân hàng Paolo Cipriani và phó của mình là Massimo Tulli phải cuốn gói ra đi.

Thập kỷ 1970, Giám đốc Roberto Calvi và một kẻ đồng lõa là Michele Sindona đã dùng ngân hàng này để chuyển hàng triệu USD từ Italy qua Thụy Sĩ mà không để lại dấu vết nào. Lý do để họ chọn nhà băng này: vị thế của Vatican được ấn định bởi luật quốc tế và không chịu sự giám sát bởi cơ quan kiểm soát ngân hàng của Italy.  

Khi Banco Ambrosiano, một nhà băng tư nhân của nhà thờ có liên can và có trụ sở ở Milano, đứng trước nguy cơ vỡ nợ và do đó bị cơ quan thuế vụ Italy kiểm tra chặt chẽ, Giám đốc Calvi trắng trợn đe dọa: “Tôi mà khai ra hết thì các cha phải bán cả Vương cung thánh đường Thánh Phêrô đi mà đền!”. Vì các hoạt động mờ ám của Calvi được Giám đốc IOR Casimir Paul Marcinkus che đậy và hỗ trợ, thậm chí người này còn đứng ra bảo lãnh cho Banco Ambrosiano.

1982 là thời điểm cận kề vực thẳm, khi số tiền hao hụt trong kho của Banco Ambrosiano đã vượt ngưỡng 1 tỉ USD. Cơ quan tài chính Italy nắm lấy quyền quản trị và truy tố Calvi. Hai năm sau Ngân hàng Vatican phải lấy 422 triệu USD ra bồi thường cho các chủ nợ. Tháng 6/1982, người ta tìm thấy Calvi treo đung đưa dưới một gầm cầu ở London. Cùng ngày, cô thư ký của ông ta ở Milano nhảy qua cửa sổ. Đồng phạm Sindona qua đời 1986 trong tù bởi một tách cà phê trộn xyanua kali.

Những cái chết khó tìm lý do: Cựu Giám đốc Roberto Calvi (ảnh) thắt cổ tự tử, thư ký nhảy lầu, và đồng phạm Sindona bị đầu độc trong tù

 

Những đồn đại

Vụ Calvi và Sindona tuy nhiên không phải là bê bối duy nhất có bàn tay của Giám đốc Marcinkus của Ngân hàng Vatican thọc vào. Vị linh mục người Mỹ ấy được Giáo hoàng Phaolô (1963-1978) cử làm lãnh đạo nhà băng hồi 1971, sau này ông ta leo lên chức Tổng giám mục và vẫn giữ chức giám đốc IOR đến 1989.

Trong thời gian trị vì của ông ta, một ngân hàng trì trệ vốn chỉ tập trung làm các giao dịch tiết kiệm và tín dụng nho nhỏ với các nhà băng Italy đã trở thành một ngân hàng đầu tư quốc tế. Ngay cả Giáo hoàng cùng tùy tùng thân cận không biết gì về các hoạt động ít nhiều đen tối của Marcinkus.

Marcinkus tại vị được 7 năm thì một Hồng y còn trẻ và khá mờ nhạt từ Venezia, Trưởng phụ Albino Luciani, được bầu làm Giáo hoàng: Gioan Phaolô I. Nhậm chức được mấy hôm, Giáo hoàng mới dường như được thông báo về các giao dịch đậm màu sắc thế tục của Ngân hàng Vatican và do đó dự tính sa thải Marcinkus. Khi Giáo hoàng Phaolô I qua đời - sau 33 ngày trên ngôi - nhiều tin đồn lan tỏa, và đứng giữa vòng xoáy nghi vấn không phải ai khác ngoài Marcinkus.

Vatican đưa kho cổ vật Thiên Chúa giáo lên mạng

Vatican đưa kho cổ vật Thiên Chúa giáo lên mạng

Vatican đã xuất bản một lượng lớn các di sản nghệ thuật Thiên Chúa giáo Italia lên mạng.

Cây bút người Anh David Yallop sau này phác ra một thuyết âm mưu: “Không phải suy tính lâu để biết tại sao Phaolô I bị sát hại: vì Người đang chuẩn bị ra tay triệt hạ cơ sở của lũ ăn cắp. Người không ý thức được là mình đang chuẩn bị lột mặt nạ chúng. Ngày cuối cùng trên dương thế là ngày Người sắp ký lệnh sa thải Marcinkus”.

Tác phẩm Nhân danh Chúa của Yallop được bán ra hơn 6 triệu bản ở 40 quốc gia toàn cầu, biến tác giả thành triệu phú USD sau một đêm và tạo kịch bản cho đạo diễn danh tiếng Francis Ford Coppola quay Bố già phần III. Một tiểu thuyết ăn khách khác, Âm mưu Sistina của Philipp Vandenberg cũng ăn ké vào thành công của Yalopp. Nhưng sự thật đơn giản hơn nhiều: Các Hồng y đã vô tình bầu một người bệnh nặng lên ngôi Giáo hoàng, và áp lực của vị trí này đã đè bẹp trái tim ốm yếu. Cái chết ấy, không có gì ngạc nhiên, sa vào vòng xoáy của lời đồn thổi và huyền thoại, vì chính trong năm ấy Italy chìm đắm trong vô số vụ khủng bố và ám sát mà ngay thủ tướng nước này cũng là nạn nhân.

“Các ngươi chớ thu thập của cải ở dưới đất”!

Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005) phó mặc công việc nhà băng cho Marcinkus. Ít nhất thì ông ta cũng bí mật chuyển tiền về quê cũ của Giáo hoàng để Công đoàn Đoàn kết Ba Lan có phương tiện hoạt động. Tháng 2/1987 Marcinkus cùng hai quản lý cao của IOR bị nhà chức trách Italy đưa vào vòng ngắm vì tình nghi đồng phạm trong vụ nhà băng vỡ nợ lớn nhất ở Italy từ sau Thế chiến II (Banco Ambrosiano), nhưng ngay cả lúc ấy Giáo hoàng cũng đưa tay che chở. Marcinkus tận dụng thời cơ đó và chuồn về Hoa Kỳ an toàn. Trên cơ sở hiệp định công nhận lẫn nhau giữa Italy và Vatican, tòa án hiến pháp Italy buộc phải hủy lệnh truy nã.     

Sau Marcinkus, lại một thành viên cao cấp của nhà thờ bị bắt giam vì nghi rửa tiền. Giám mục Nunzio Scarano được coi là có quan hệ mật thiết với Ngân hàng Vatican. Không chờ kết quả điều tra, giám đốc Ngân hàng Vatican đệ đơn từ chức. Một dạng gián tiếp nhận tội?

Tờ Sueddeutsche Zeitung gọi Ngân hàng Vatican ở tình trạng hiện tại là “sự phản bội đức tin được thể chế hóa” - nếu lấy thước đo là Kinh thánh: “Các ngươi chớ thu thập của cải ở dưới đất!”

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm