Nhà văn Alena Mornstajnova: 'Ấn tượng với cách người Việt Nam coi trọng gia đình'

14/05/2024 20:29 GMT+7 | Văn hoá

"Ở tuổi 50, người ta thường là đang ở đỉnh cao của sự nghiệp hoặc cũng đang tiến tới sự thoái trào. Nhưng với Alena Mornstajnova, đó lại là khởi đầu hành trình viết lách khi cuốn sách đầu tay của bà được xuất bản" - đó là lời giới thiệu thú vị của ông Oliver Brandt, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội dành cho nữ nhà văn khá nổi tiếng của Czech.

Năm 2023, tiểu thuyết Bác Hana của bà đã được dịch ra tiếng Việt (NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành). Để rồi, cuối tuần qua, Alena Mornstajnova đã có chuyến thăm Hà Nội và giao lưu cùng độc giả trong khuôn khổ "Những ngày văn học châu Âu tại Việt Nam".

Bà có cuộc trò chuyện với báo Thể thao và Văn hóa, TTXVN.

Lúc nào tôi cũng muốn viết

* Điều gì khiến bà bắt đầu cầm bút ở tuổi 50? Và độ tuổi ấy ảnh hưởng đến con đường văn chương của bà như thế nào?

- Phải nói là từ nhỏ, lúc nào tôi cũng muốn viết. Song cũng như mọi người, tôi bận học, rồi lớn lên lại có gia đình và làm công việc khác. Mọi thứ cứ cuốn mình đi. Cho đến năm 37 tuổi, tôi mới thực sự có thời gian để cầm bút. Nhưng cũng phải 10 năm sau đó, cuốn sách đầu tiên của tôi mới được xuất bản. Quả là một quãng đường rất dài.

Bù lại, tôi thấy khi đã trưởng thành, đã sống đến 50 tuổi, thì việc thể hiện những ý tưởng của mình trên trang viết luôn khá dễ dàng. Đó là một lợi thế. Cho dù, đôi khi những trải nghiệm đã có trong cuộc sống sẽ làm chúng ta có một số giới hạn. Ví dụ ở độ tuổi này, tôi nghĩ mình đã không còn có thể viết truyện cổ tíchđược nữa (cười).

Nhà văn Alena Mornstajnova: 'Ấn tượng với cách người Việt Nam coi trọng gia đình' - Ảnh 1.

Nhà văn Alena Mornstajnova trong buổi giao lưu tại Hà Nội

* Vậy vì sao bà lại chọn viết về những chủ đề khó thể hiện,chẳng hạn như về giới hay nạn diệt chủng? Phải chăng đấy là sự lựa chọn để tiến tới thành công một cách nhanh hơn?

- Tôi nghĩ là mình không quá có chủ đích "nhắm" đến các chủ đề ấy, ngoài việc tôi là phụ nữ nên thích viết về họ. Viết về phụ nữ tôi thấy rất gần gũi. Rộng hơn, tôi luôn muốn viết về gia đình.

Ở cuốn Bác Hana cũng vậy, tôi bắt đầu câu chuyện với 2 người phụ nữ. Thực tế, điểm xuất phát của tôi khi viết tác phẩm này là ký ức về quê hương mình - thị trấn Mezirici tại Czech. Và khi viết sách thì phải nghiên cứu. Từ đó, câu chuyện dẫn tôi đến những dữ liệu về thương hàn, về nạn diệt chủng trong Thế chiến II…

Nhà văn Alena Mornstajnova: 'Ấn tượng với cách người Việt Nam coi trọng gia đình' - Ảnh 2.

Cuốn "Bác Hana"

Cũng từ câu chuyện về thị trấn quê mình, tôi được biết có một cộng đồng người Do Thái ở đây đã bị đưa đến trại tập trung và phần lớn họ qua đời năm 1942. Yếu tố lịch sử này giúp tôi lý giải cho nhân vật Hana của mình có một sự khác biệt về tính cách như trong truyện, và cũng góp phần đưa ra một hành trình khám phá về người bác gái Hana của cô cháu gái Mira, cũng như của chính các độc giả.

"Khi viết, tôi biết câu chuyện sẽ kết thúc như thế nào. Nhưng mỗi cuốn sách luôn có đời sống riêng. Tôi nghĩ, sự hấp dẫn của sách là sự tiếp biến các chi tiết, các bi kịch hay hành xử cá nhân" - Alena Mornštajnová.

Ẩm thực Việt Nam thật tuyệt vời

* Được biết, nhân sự kiện này tại Việt Nam, bà cũng đã tranh thủ có những trải nghiệm về Hà Nội?

- Vâng, mặc dù chưa có nhiều thời gian nhưng tôi đã đến thăm chùa Thầy tại Quốc Oai, tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám rồi dạo quanh phố cổ Hà Nội.

Nhìn chung, Việt Nam có những điểm rất khác với Czech, từ thời tiết đến giao thông. Chẳng hạn, Hà Nội không chỉ có nhiều ngôi chùa đẹp, có những kiến trúc cổ kính mà nền văn hóa của các bạn cũng rất đa dạng, phong phú. Đặc biệt, đồ ăn của Hà Nội quả thật tuyệt vời. Tôi trước đây cũng từng được thử các món ăn Việt Nam ở Czech, nhưng đúng là, chỉ có đến Việt Nam và ngồi ăn tại đây thì ta mới thấy các món ăn chuẩn vị và ngon thực sự. Có lẽ, điều này phụ thuộc vào các nguyên liệu bản địa và hương vị. Chẳng hạn, tôi sẽ không thể quên được món cà phê cốt dừa vừa uống sáng nay! (cười).

Nhà văn Alena Mornstajnova: 'Ấn tượng với cách người Việt Nam coi trọng gia đình' - Ảnh 4.

* Vậy còn con người Việt Nam, mà trước hết là những độc giả tại buổi gặp gỡ này? Bà có thể nói gì về họ?

- Tôi đã rất ngạc nhiên trước sự đón nhận của độc giả Việt Nam với cuốn sách Bác Hana. Có điều này tôi phải cảm ơn dịch giả Bình Slavicka đã làm việc rất kỹ lưỡng và chu đáo. Cô ấy hỏi tôi rất nhiều chi tiết rồi đưa ra những chú thích cụ thể về một số sự kiện trong sách - điều mà các bản dịch khác không có. Như lời Bình, cô muốn độc giả Việt Nam cảm nhận sâu sắc hơn về tác phẩm. Hoặc, cách chọn cái tên Bác Hana cho tác phẩm cũng là cách chuyển ngữ rất độc đáo và duy nhất có tại Việt Nam.

Bởi những điều ấy, khi gặp độc giả tại Việt Nam, tôi hiểu sách đã đến được với trái tim bạn đọc. Mặt khác, cùng với những câu hỏi mà mọi người dành cho mình, tôi nhận thấy người Czech và người Việt Nam có những điểm chung về văn hóa. Đặc biệt, đó là sự coi trọng gia đình cũng như mọi kết nối giữa các thành viên trong đó.

Ở Czech hiện nay, các thế hệ trong một gia đình cũng vẫn duy trì sự gắn bó thông qua việc thăm hỏi, gặp gỡ nhau vào mỗi dịp lễ, những ngày nghỉ. Như tôi, ngày nào cũng có thể gọi điện để trò chuyện với các con mình. Và tôi thấy rất cảm động khi văn hóa của người Việt Nam cũng có điều này.

*Bà có thể tiết lộ hành trình của mình trong cuốn sách tiếp theo?

- Tôi sẽ không viết về nạn diệt chủng nữa mà muốn viết về những điều khác. Nhưng chắc chắn, tôi vẫn hướng về chủ đề gia đình và hi vọng cuốn sách mới này sẽ ra mắt vào năm sau!

* Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Vài nét về Alena Mornstajnova

Alena Mornstajnova sinh năm 1963, tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Czech. Năm 37 tuổi bà cầm bút, và tới năm 50 tuổi ra mắt cuốn sách đầu tiên - cuốn Slepa mapa- được đề cử Giải thưởng Sách Czech năm 2014. Hiện tại, bà là nữ nhà văn khá nổi tiếng với lượng sách phát hành lên đến triệu bản tại Czech.

Tác phẩmBác Hana từng dịch ra tiếng Việt của Alena Mornstajnova kể về những nạn nhân của dịch bệnh và nạn diệt chủng những năm 40 - 50 của thế kỷ trước. Cuốn sách từng đạt giải thưởng sách năm 2018 tại Czech, được dịch ra trên 20 ngôn ngữ, chuyển thể thành kịch năm 2019 và dự kiến dựng thành phim điện ảnh trong năm 2025.

Lam Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm